Kỳ quái tục “bôi bẩn” cô dâu chú rể trước ngày cưới

Google News

Người ta thực hiện những nghi thức cưới hỏi kỳ quái vô cùng, trong đó không thể không nhắc đến nghi thức “Bôi bẩn cô dâu” của người Scotland. 

Bôi bẩn cô dâu trước ngày cưới
Ngoài việc được biết đến như một vùng đất xinh đẹp, Scotland cũng nổi tiếng là mảnh đất với nhiều nghi thức cưới hỏi kỳ quái. Nếu ở những nơi khác, niềm vui, sự hạnh phúc trong lễ thành hôn luôn được cô dâu chứ rể mong chờ nhất thì ở Scotland, ngày hôm đó sẽ thật sự rất tồi tệ và “bốc mùi”.
Trước khi một người con gái có thể tổ chức đám cưới với người đàn ông mà cô chọn lựa, cô và chú rể của mình sẽ phải trải qua một nghi thức cổ xưa vô cùng thú vị, gọi là “Blackening of bride”, có nghĩa là “Bôi bẩn cô dâu”. Tục lệ này xuất phát ở ngôi làng Balintore, Scotland. Ý tưởng về việc bôi xấu cô dâu và chú rể trước khi cử hành hôn lễ đã hiện diện trong nhiều nền văn hóa, nhưng nghi thức này ở Scotland lại được nhiều người trên thế giới biết đến hơn cả, bởi sự độc đáo của nó.
Được biết, nghi lễ trước hôn nhân này được coi là một di sản văn hóa có từ lâu đời của người Scotland. Đối với nhiều người trên thế giới, đây một nghi thức truyền thống kỳ dị, giống như là một cuộc tấn công hơn là một phong tục cưới xin mang lại sự vui vẻ và hạnh phúc nhân dịp trọng đại của cuộc đời đôi vợ chồng trẻ.
Riêng người Scotland, đây là một nghi thức truyền thống được tôn vinh. Họ cho rằng, nghi thức này sẽ xua đuổi linh hồn ma quỷ, giúp cho cặp vợ chồng trẻ có thể hạnh phúc bên nhau bền lâu, có thể cùng nắm tay nhau vượt qua mọi gian nan và đi đến cuối cuộc đời.
Có rất nhiều người tham gia việc chúc phúc đôi vợ chồng trẻ, đó là những người anh em thân thích, họ hàng gần xa, hàng xóm, bạn bè... Họ sẽ đổ một đống rác thải lên người cô dâu và chú rể. Để thực hiện “nghi thức” này, trước tiên, người ta sẽ chuẩn bị gồm những thứ như cá chết, sữa đông, thực phẩm hư hỏng, bột mì, xúc xích, nước sốt, bùn đất và cả sữa thiu, trứng gà, mật ong…và hàng loạt những thứ khác, rồi trộn lẫn vào với nhau để tạo thành hỗn hợp màu đen đáng sợ và đổ lên đầu đôi vợ chồng trẻ.
Ky quai tuc “boi ban” co dau chu re truoc ngay cuoi
Những hình ảnh cô dâu chú rể bị bôi đen ở Scotland. 
Sau khi bôi bẩn xong, cặp vợ chồng sẽ ngồi trên một chiếc xe tải và được chở lòng vòng quanh ngôi làng khoảng vài giờ đồng hồ, trong tiếng hò hét cổ vũ, tiếng trống, tiếng còi của mọi người như muốn chúc mừng đôi uyên ương. Sau cùng, đôi vợ chồng trẻ còn bị treo lên một cành cây suốt một đêm dài.
Người Scotland tin rằng, nếu như đôi trẻ có thể trải qua và chịu đựng được những cực hình như thế thì về sau, không có chuyện gì trong cuộc sống có thể làm họ gục ngã, nhất là trong hôn nhân. Đây là cách giúp họ mạnh mẽ hơn và đương đầu được với thử thách trong cuộc sống. Cho đến ngày nay, nghi thức này vẫn được các cặp vợ chồng thời hiện đại tôn vinh và giữ gìn như một nét văn hóa riêng biệt. Tuy nhiên, nghi thức “bôi bẩn cô dâu” có thể thực hiện nhẹ nhàng hơn. Đó là cô dâu và chú rể chị phải bôi đen bàn chân của mình bằng tro hoặc xỉ, chứ không nhất thiết phải “bôi đen” cả cơ thể.
Những nghi thức cưới khác
Ngoài nghi thức “bôi bẩn cô dâu”, cũng có rất nhiều những thủ tục cưới xin hay ho ở Scotland. Đầu tiên phải nói đến tục rửa chân cho cô dâu. Đây là một truyền thống đã có từ lâu đời và vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay. Đêm trước ngày diễn ra lễ cưới, cô dâu sẽ ngồi trên ghế trong một căn phòng cũ và được vị hôn phu của mình rửa chân. Ý nghĩa của tục lệ này mong muốn mọi sự may mắn sẽ đến với đôi vợ chồng trẻ.
Một phong tục nữa đó là chú rể sẽ phải mang một giỏ chất đầy đá đi khắp ngôi làng của mình. Việc này sẽ kết thúc khi cô dâu chịu ra khỏi nhà và trao cho chú rể một nụ hôn nồng cháy. Sau đó, khi tiến hành xong mọi nghi thức ở nhà thờ, gia đình hai bên sẽ treo một giỏ đầy cá trên một dải duy băng ở cánh cửa nhà thờ. Cặp vợ chồng mới cưới sẽ cùng nhau cắt dải duy băng để giỏ cá rơi xuống. Người ta hy vọng rằng tục lệ này sẽ mang lại sức khỏe và giàu có cho cặp vợ chồng.
Có một nghi thức cưới khác cũng rất độc và lạ, đó là “Bước qua ngưỡng cửa”. Sau đám cưới, cô dâu sẽ đi vào nhà mới cưới qua cổng chính. Theo truyền thống, chú rể phải bế cô dâu qua cửa lần đầu tiên. Có nhiều lý giải khác nhau. Người thì nói rằng cô dâu sẽ xui xẻo nếu bị ngã khi bước vào nhà. Người thì cho rằng nếu cô dâu bước vào bằng chân trái đầu tiên thì cũng không may. Cách tốt nhất để tránh cả 2 điều này là chú rể bế cô dâu qua cửa.
“Một chút gì cũ/ Một chút gì mới/ Một chút gì đi mượn/ Một chút gì màu xanh/ Và một đồng bạc trong giày cô dâu”. Đây là một đoạn thơ của người Scotland để nói về một đám cưới. “Một chút gì cũ” có nghĩa là đôi uyên ương sau khi cưới vẫn tiếp tục là bạn tốt của nhau. Thông thường, “một chút gì cũ” sẽ là một chiếc bít tất cũ của một người phụ nữ có cuộc hôn nhân hạnh phúc tặng lại cho cô dâu, để truyền hạnh phúc của mình sang cô dâu mới. “Một chút gì mới” thể hiện tương lai hạnh phúc và thịnh vượng của cặp vợ chồng mới. “Một chút gì đi mượn” thường là những đồ quý giá của của gia đình cô dâu cho mượn.
Để gặp may mắn, cô dâu phải mang trả lại những đồ này sau khi cưới. Phong tục cô dâu phải mặc “một chút gì màu xanh”, đó là cô dâu thường cài một dải ruybăng màu xanh da trời trên tóc để thể hiện tấm lòng chung thủy và chân thành của mình. Ngày nay, các cô dâu thường để một đồng 1 xu vào trong giày trong suốt buổi lễ với ý nghĩa mang lại may mắn cho cuộc sống của vợ chồng trẻ.
Một nghi thức cưới khác có từ thời Trung cổ, để cầu hôn người con gái mình muốn lấy làm vợ, người đàn ông sẽ phải đặt một cành táo gai trước cửa nhà người yêu của mình vào ngày 1/5. Nếu cô gái vẫn để nguyên cành táo trước cửa thì có nghĩa là cô chấp nhận lời cầu hôn của chàng trai. Còn nếu cô từ chối, cô sẽ thay cành táo bằng một cành súp lơ.
Những đám cưới ở nhiều vùng khác nhau của Scotland là một sự pha trộn phức tạp của truyền thống cổ xưa và hiện đại. Tuy nhiên, tất cả những tục lệ cưới xin ấy để nhằm mục đích mang lại may mắn, hạnh phúc cho những đôi uyên ương trong cuộc sống hôn nhân sắp tới.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình:
Theo Báo Pháp Luật

Bình luận(0)