Chuyện khó tin sau hiện tượng loạt người Nhật tự nhiên “bốc hơi“

Google News

Trong những năm 1980, Ichiro là một bậc thầy võ thuật người Nhật Bản và cũng là người đàn ông mới lập gia đình, luôn hướng tới những điều tốt lành.

Chuyen kho tin sau hien tuong loat nguoi Nhat tu nhien “boc hoi“
Suốt 9 năm, Shou Hatori đã điều hành một công ty chuyên hỗ trợ những người có nhu cầu biến mất. (Ảnh: Stephane Remael) 
Bé trai đầu lòng của hai vợ chồng có tên là Tim và cả hai có một ngôi nhà của riêng mình. Khi đó hai vợ chồng đã quyết định vay một khoản tiền để mở nhà hàng bán bánh chẻo. Nhưng sau đó thị trường biến động khiến Ichiro và Tomoko bỗng rơi vào cảnh nợ nần. Vì vậy họ đã quyết định điều mà hàng trăm nghìn người dân Nhật Bản đã làm trong những hoàn cảnh tương tự, đó là bán đi căn nhà của mình, đóng gói đồ đạc và… biến mất.
“Con người là những kẻ hèn nhát. Đến một ngày, tất cả đều mong muốn gói mình vào một chiếc khăn, rồi biến mất và sau đó lại tái xuất hiện ở một nơi nào đó mà không ai quen biết họ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc trốn chạy có thể kết thúc được mọi chuyện… Bạn biết đấy, việc biến mất là điều gì đó mà bạn không bao giờ có thể rũ bỏ. Trốn chạy là con đường dẫn tới cái chết nhanh chóng ”, Ichiro của ngày hôm nay tâm sự.
Trong số rất nhiều điều kỳ lạ mang đậm nét đặc trưng văn hóa của riêng người Nhật Bản – từ những quán cà phê mèo cho tới những thông báo đề nghị mọi người hãy cân nhắc kỹ trước khi tự tử được đặt tại khu rừng tự sát nổi tiếng Aokigahara ở sườn phía Tây Bắc núi Phú Sĩ, nơi ước tính mỗi năm có khoảng 100 người tự tử - có lẽ không có hiện tượng nào ít được biết tới và ít gây tò mò như chuyện về “những người mất tích”.
Kể từ giữa những năm 1990, hàng năm ước tính có ít nhất 100.000 người đàn ông và phụ nữ Nhật Bản biến mất. Họ là người đã tạo ra những vụ mất tích của chính mình, nhằm giúp họ thoát ra khỏi những nỗi buồn hay hoàn cảnh bi đát như ly hôn, nợ nần, thất nghiệp, thi trượt… “The Vanished: The Evaporated People of Japan in Stories and Photographs” là cuốn sách đầu tiên được biết đến nói chi tiết về hiện tượng “bốc hơi” của những người dân Nhật Bản.
Năm 2008, nhà báo người Pháp Léna Mauger biết được việc này và đã bỏ ra tới 5 năm để tìm hiểu chi tiết về nó – một câu chuyện mà bản thân bà và người cộng sự Stéphane Remael cũng không thể tin nổi.
“Đó là điều kiêng kị. Một điều gì đó mà bạn không thể thực sự nói rõ về nó. Nhưng mọi người có thể biến mất bởi vì có một xã hội khác ẩn bên dưới xã hội Nhật Bản. Khi người ta biến mất, họ biết rằng mình có thể tìm được cách để sống sót”, Mauger chia sẻ với tờ The Post. Những người này đánh mất linh hồn và nó có nghĩa rằng họ sống trong những thành phố bị đánh mất do chính họ tạo ra.
Chuyen kho tin sau hien tuong loat nguoi Nhat tu nhien “boc hoi“-Hinh-2
Cuốn sách “The Vanished: The Evaporated People of Japan in Stories and Photographs”của Léna Mauger và Stéphane Remael. 
Theo lời kể của Mauger trong cuốn sách thì thành phố Sanya không hề xuất hiện trên bất kỳ tấm bản đồ nào. Thực tế thì nó hoàn toàn không hề tồn tại. Đó là một khu ổ chuột trong lòng Tokyo, một nơi mà cái tên của nó đã bị chính quyền xóa sổ. Công việc ở đây được điều hành bởi “yakuza” – xã hội đen Nhật Bản – hay những người mong muốn tìm kiếm lao động chợ đen, giá rẻ.
Những con người “bốc hơi” xuất hiện tại đây, sống trong những căn phòng khách sạn nhỏ bé, bẩn thỉu, thường không có mạng internet hay nhà vệ sinh riêng. Ở hầu hết những khách sạn này, người ta cấm nói chuyện sau 6 giờ chiều. Tại đây, Mauger đã gặp được một người đàn ông 50 tuổi có tên là Norihiro. 10 năm trước ông đã khiến bản thân biến mất. Ông đã lừa dối vợ mình nhưng điều khiến ông cảm thấy thực sự nhục nhã đó là ông đã bị mất công việc kỹ sư của mình.
Do quá xấu hổ nên ông không thể kể sự thật với gia đình. Ban đầu, để giữ thể diện ông thường dậy sớm mỗi ngày, đóng bộ chỉnh tề, cầm cặp, hôn tạm biệt vợ và ra khỏi nhà như một người đi làm bình thường. Sau đó ông lái xe tới tòa nhà công ty cũ của mình và ngồi trong xe cả ngày – không ăn uống, không gọi điện cho bất cứ ai.
Norihiro đã làm việc này trong suốt 1 tuần. Nỗi lo sợ rằng tình trạng thực sự của mình sẽ bị phát hiện ngày càng lớn dần đến mức ông không thể chịu đựng nổi. “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Sau 19 tiếng tôi vẫn tiếp tục ngồi đợi trong xe bởi vì tôi thường có thói quen đi nhậu với sếp và đồng nghiệp của mình. Vì vậy tôi tiếp tục đi lang thang xung quanh và cuối cùng khi trở về nhà tôi lại có cảm giác như thể vợ và con trai mình đã nghi ngờ điều gì đó. Tôi cảm thấy rất tội lỗi. Tôi không còn có lương để đưa cho họ nữa”, Norihiro chia sẻ với Mauger.
Đến ngày trả lương của mình, Norihiro đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho mình và bước lên chuyến tàu thường ngày của mình, nhưng theo hướng đi khác – tới Sanya. Ông không để lại bất kỳ ghi chép hay nhắn nhủ gì, và tất cả những gì mà gia đình ông biết đó là ông đã đi lang thang vào khu rừng tự sát và tự tử ở đó.
Hiện giờ ông sống bằng tên giả, trong một căn phòng không có cửa sổ và chỉ có 1 cửa ra vào. Ông thường xuyên uống rượu và hút thuốc và trải qua mỗi ngày của mình bằng việc thống dâm – một kiểu tự trừng phạt. “Sau quãng thời gian này, tôi chắc chắn có thể lấy lại danh tính cũ của mình… Nhưng tôi không muốn gia đình thấy mình trong bộ dạng này. Hãy nhìn tôi xem. Trông tôi chẳng ra hồn người. Tôi chẳng là gì cả. Nếu ngày mai tôi chết, tôi không muốn bất kỳ ai nhận ra mình”, Norihiro nói.
Chuyen kho tin sau hien tuong loat nguoi Nhat tu nhien “boc hoi“-Hinh-3
Khu đèn đỏ Kabukicho ở Tokyo. (Ảnh: Stephane Remael) 
Trước đây Yuichi từng là một công nhân xây dựng và ông đột ngột biến mất vào khoảng giữa những năm 1990. Trước đó ông luôn chăm sóc người mẹ ốm đau của mình và phải trả mọi chi phí liên quan - tiền chăm sóc tại nhà, mua thực phẩm, trả tiền thuê nhà – và điều đó đã khiến ông khánh kiệt. “Tôi không thể lo được cho mẹ của mình. Bà đã cho tôi tất cả mọi thứ nhưng tôi lại không thể chăm sóc được cho bà”, ông nói.
Và điều mà ông làm tiếp theo có vẻ như là một nghịch lý, thậm chí là sai lầm – nhưng theo văn hóa Nhật Bản, nơi việc tự tử được coi là một cách làm nghiêm túc nhất để rửa sạch nỗi xấu hổ của gia đình, thì đó lại là điều có thể hiểu được. Ông đã đưa mẹ mình tới một khách sạn rẻ tiền, thuê cho bà một căn phòng và để mặc bà ở đó. Còn ông thì bỏ đi và không bao giờ trở lại.
Ông đã biến mất và tới Sanya. Tại đây, “bạn nhìn thấy mọi người trên phố nhưng họ đã không còn tồn tại nữa. Khi chúng tôi trốn chạy khỏi xã hội nghĩa là chúng tôi khiến bản thân mình biến mất lần thứ 1. Và ở đây, chúng tôi tiếp tục tự giết chết dần chết mòn bản thân mình”, Yuichi nói. Tình trạng “biến mất” đã gia tăng ở Nhật bởi những nguyên nhân chính là hậu quả của Thế chiến thứ 2, khi nỗi xấu hổ quốc gia lên mức đỉnh điểm và do hậu quả của những cuộc khủng hoảng tài chính các năm 1989 và 2008.
Trong bối cảnh đó, một nền kinh tế ngầm đã nổi lên để phục vụ những người không bao giờ mong muốn bị tìm thấy – những người muốn khiến sự biến mất của mình giống như những vụ bắt cóc, không hề có dấu vết hồ sơ hay các giao dịch tài chính nào để lần ra họ.
Nighttime Movers là một trong những công ty như vậy, được thành lập bởi một người đàn ông có tên là Shou Hatori. Trước đó ông vẫn đang điều hành công ty dịch vụ hợp pháp cho tới một đêm nọ, trong một quán karaoke, một người phụ nữ đã hỏi Hatori rằng liệu ông có thể sắp xếp để cô ấy “biến mất, cùng với đồ đạc của mình. Cô ấy nói rằng mình không thể chịu được những khoản nợ nần của chồng và chúng đã hủy hoại cuộc đời cô ấy”.
Mức phí mà Hatori đưa ra cho mỗi phi vụ đưa người biến mất này là 3.400 USD. Các đối tượng khách hàng của ông rất đa dạng: từ những bà nội trợ khiến gia đình bị rơi vào cảnh nợ nần cho tới những người phụ nữ bị chồng bỏ rơi, hay những sinh viên đại học quá mức chán nản làm những thứ nhàm chán trong phòng ký túc.
Ban đầu ông từ chối chia sẻ mọi chuyện một cách chi tiết nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý kể về cuộc đời mình: khi còn nhỏ chính Hatori và cha mẹ mình đã tìm cách để biến mất khỏi quê nhà Kyoto vì gia đình họ bị lâm vào cảnh nợ nần. Và ông tin rằng con đường làm ăn trước đây của mình là một điều tốt đẹp. “Mọi người thường nghĩ rằng lựa chọn biến mất như vậy là một sự hèn nhát. Nhưng khi làm công việc này tôi mới hiểu rằng đó là một hành động có lợi”, Hatori nói. Hatori trở thành chuyên gia tư vấn cho một chương trình của đài truyền hình Nhật Bản về hiện tượng này. Chương trình “Flight by Night” đã gây tiếng vang lớn vào cuối những năm 1990.
Chuyen kho tin sau hien tuong loat nguoi Nhat tu nhien “boc hoi“-Hinh-4
Trên sàn của khu chợ lao động - những người thất nghiệp vô gia cư và đôi khi họ là tù nhân trong chính sự điên rồ của mình. (Ảnh: Stephane Remael) 
Đó là một chuỗi chương trình tập hợp những câu chuyện hư cấu nhưng được dựa trên những tình huống biến mất có thật ngoài đời. Cũng dựa trên những câu chuyện của Hatori, một công ty có tên là Rising Sun đã đăng tải trên mạng thông tin: “Bạn cần hỗ trợ quản lý tài chính? Bạn bị ngập trong nợ nần? Rising Sun là công ty tư vấn mà bạn cần ở bên bạn. Đã quá muộn cho các giải pháp tạm thời? Liệu trốn chạy hay tự tử có phải là lối thoát duy nhất? Một lần nữa hãy quay lại với Rising Sun. Genji Masahiko điều hành một công ty tư vấn uy tín vào ban ngày và trợ giúp những người tuyệt vọng mong tìm thấy một cuộc sống mới vào ban đêm”.
Bất kể nỗi xấu hổ nào đã thúc đẩy một người Nhật phải tìm cách để biến mất thì nó cũng không ít đau đớn hơn so với những ảnh hưởng mà gia đình họ phải chịu đựng – những người cũng sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ vì có người thân mất tích nhưng họ lại không thể báo với cảnh sát.
Những gia đình tìm kiếm người thân của mình chuyển sang liên hệ với một nhóm tư nhân có tên là “Support of Families of Missing People” (Hỗ trợ các gia đình có người thân bị mất tích) - nơi đảm bảo giữ bí mật mọi khách hàng và thông tin riêng tư của họ. Rất khó tìm được địa chỉ của nhóm này và trụ sở chính của nó chỉ là một căn phòng nhỏ với một chiếc bàn và các bức tường ám dày khói thuốc lá.
Làm việc cho tổ chức này là các thám tử - thường là những người cũng từng có người thân trong gia đình bị mất tích hoặc tự tử - và họ tình nguyện đảm nhận các vụ việc này. Trung bình có khoảng 300 vụ việc mỗi năm và công việc của họ khá khó khăn: không giống như ở Mỹ, Nhật Bản không có cơ sở dữ liệu quốc gia về người mất tích. Không có tài liệu hay các công cụ nhận diện – chẳng hạn như số an sinh xã hội của mỗi người – thứ có thể sử dụng để theo dõi một người khi họ bắt đầu di chuyển trong nước. Ở Nhật, việc cảnh sát truy cập vào các giao dịch trên máy rút tiền tự động (ATM) hay các hồ sơ tài chính là bất hợp pháp.
“Hầu hết các cuộc điều tra đều bị gián đoạn giữa chừng”, Sakae Furuuchi cho biết. Ông là người điều hành nhóm thám tử trên và bản thân cũng là một thám tử. Sakae cũng chỉ ra mức chi phí quá cao của việc thuê thám tử tư: 500 USD/ngày và gần 15.000 USD/tháng – hoàn toàn bất khả thi đối với những gia đình có người thân phải bỏ trốn vì nợ nần. “Những người trốn nợ và trốn chạy khỏi bạo lực đều thay tên đổi họ và đôi khi cả ngoại hình của mình. Có những người khác thì không nghĩ rằng sẽ có người đi tìm họ”, Sakae nói.
Sakae từng tìm thấy một thanh niên trẻ mất tích năm 20 tuổi. Cậu ta đã không trở về nhà sau kỳ thi và tình cờ một người bạn nhìn thấy cậu ta ở phía Nam Tokyo. Sakae đã lang thang trên khắp các con phố cho tới khi tìm được cậu sinh viên đó, người mà theo những gì Mauger viết lại là “quá mức xấu hổ… Cậu đã không đi thi vì sợ bị trượt và khiến gia đình thất vọng. Cậu đã nghĩ đến việc tự tử vì không thể tìm được hướng đi cho cuộc đời mình”.
Chuyen kho tin sau hien tuong loat nguoi Nhat tu nhien “boc hoi“-Hinh-5
Vách đá Tojinbo ở Nhật nổi tiếng vì tỷ lệ những vụ tự sát tại đây. (Ảnh: Stephane Remael) 
Một vụ việc khác vẫn chưa giải quyết được là về một người mẹ trẻ của một bé trai 8 tuổi bị tàn tật. Vào đúng ngày biểu diễn của con trai tại trường nhạc người mẹ bỗng dưng biến mất, mặc dù trước đó cô đã hứa với con trai rằng sẽ ngồi hàng đầu xem bé biểu diễn.
Chỗ ngồi dành cho cô trống trơn. Mọi người không bao giờ gặp lại cô nữa. Người chồng và cậu con trai cảm thấy rất khổ sở; người phụ nữ đó chưa bao giờ tỏ ra rằng mình không hạnh phúc, đau đớn hay từng làm điều gì đó sai lầm. Nhưng Sakae vẫn nuôi hy vọng. “Cô ấy là một người mẹ. Có lẽ sẽ có con đường dẫn cô ấy trở lại với những người thân yêu của mình”, ông nói với Mauger.
Theo nhiều nghĩa, Nhật Bản là một nền văn hóa của sự mất mát. Theo một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự tử ở Nhật cao hơn so với mức trung bình thế giới tới 60%. Có khoảng 60 – 90 vụ tự sát mỗi ngày. Đó là một quan niệm cũ kĩ hàng thế kỷ từ thời các Samurai, những người tự mổ bụng mình – tự tử bằng cách lấy dao đâm vào bụng – và gần đây nhất là các phi công cảm tử (kamikaze) của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2.
Văn hóa Nhật Bản cũng nhấn mạnh đến tính thống nhất, đặt sự quan trọng của tập thể lên trên cá nhân. “Bạn phải làm điều đúng đắn nhất” là câu châm ngôn của người Nhật và với những người không thể hay sẽ không thích nghi được với xã hội, không tuân thủ các chuẩn mực văn hóa nghiêm khắc và tinh thần cống hiến cho công việc gần như một dạng tín ngưỡng, thì việc biến mất chính là một cách để tìm kiếm tự do.
Với người Nhật trẻ, những người muốn sống khác biệt nhưng không muốn hoàn toàn cắt đứt các mối liên hệ với gia đình và bạn bè, họ có một sự thỏa hiệp: đó là cuộc sống của các “otakus” – người có cuộc sống ngoài đời song hành với cuộc sống như những nhân vật hoạt hình yêu thích của họ, và thỉnh thoảng lại mặc những bộ trang phục khác và biến mất vào trong những cuộc đời khác, nơi họ tìm thấy được chính bản thân mình.
“Trốn chạy không phải chỉ có nghĩa là bỏ đi. Chúng tôi mơ về tình yêu và sự tự do, và đôi khi chúng tôi có một chút thay đổi – một bộ trang phục, một bài hát, một điệu nhảy… Ở Nhật, như thế đã có nghĩa là rất nhiều”, một thanh niên có tên là Matt chia sẻ với Mauger.
Mời quý độc giả xem video về những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ (nguồn Youtube):
Theo Kim Chi/VnTinnhanh

>> xem thêm

Bình luận(0)