Phục hồi da đầu không còn khả năng nối ghép

Google News

(Kiến Thức) - Bằng nhiều kỹ thuật, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa tái tạo những mảnh da đầu bị rách hoặc da bị dập nát không còn khả năng nối ghép...

Trơ xương sọ do da đầu bị lột
Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (45 tuổi) bị tai nạn giao thông gây đa chấn thương, lột phần lớn da đầu mang tóc, trơ xương sọ, mảnh da giập nát, ô nhiễm nặng do bùn đất. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cấp cứu sau 6 tiếng. Kíp trực đã nhanh chóng tiến hành xử trí làm sạch mảnh da đầu, tìm và nối lại các mạch máu. Sau nối vạt da được cấp máu tốt, tuy nhiên đến ngày thứ 3 xảy ra tình trạng phù nề, ứ tĩnh mạch, nhiễm trùng tại chỗ nên vạt da thiểu dưỡng, hoại tử ở ngày thứ 7 sau mổ phải tháo bỏ. 
Vì bệnh nhân bị đa chấn thương toàn thân không cho phép triển khai vi phẫu ghép vạt cơ nên các bác sĩ đã phải khoan lỗ qua bản ngoài xương sọ, thay băng tích cực, nâng cao thể trạng để kích thích tổ chức hạt. Nhờ phương pháp này, tổ chức hạt mọc tốt để chuẩn bị cho ghép da xẻ đôi trả lại phần da đầu phủ sọ cho bệnh nhân.
Cháu Phạm Xuân S. (8 tuổi ) bị chó cắn làm lật một vạt da lớn vùng trán đỉnh (khoảng 20 x 15cm), còn chân nuôi vùng đỉnh T khoảng 5cm. Mảnh da khuyết vùng cực trước khoảng 6 x 10cm, nằm ở vùng giữa trán đỉnh, giập nát nhiều do bị giằng xé. Do bệnh nhân là trẻ em nên mạch rất nhỏ, nhất là ở phần mảnh da đứt rời. Tuy nhiên, khi đánh giá tổn thương thấy vẫn còn cốt mạch nên các bác sĩ đã quyết định bóc tách, khâu thu hẹp tổn thương, diện khuyết da còn lại được ghép da xẻ đôi lấy từ mảnh da đứt rời trả lại da và tóc cho bệnh nhân. 
Đặc biệt, một bệnh nhân nữ người Lào bị máy tuốt lúa cuốn tóc vào máy gây lột toàn bộ da đầu có tóc, mảnh da giập nát và không giữ được. Các bác sĩ đã dùng kỹ thuật vi phẫu lấy vạt cơ lưng rộng tạo hình che phủ bằng và ghép da xẻ đôi. Tuy nhiên, do tổn thương quá lớn, vạt cơ không đủ lớn để che phủ toàn bộ khuyết da nên các bác sĩ phải sử dụng thêm 1 vạt da mỡ đùi trước ngoài. Sau 9 tháng bệnh nhân đã có lại da đầu. 
Bệnh nhân người Lào sau khi được tạo hình  che phủ bằng vạt da cơ lưng rộng. 
Điều trị phức tạp và kéo dài
TS Vũ Ngọc Lâm, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình cho biết, khuyết lớn da đầu là một tổn thương nặng nề, để lại di chứng lâu dài, thường do nguyên nhân tai nạn lao động (các loại máy cuộn kéo tóc vào gây lột da đầu), tai nạn sinh hoạt (hay gặp do chó cắn), tai nạn giao thông... Trong những trường hợp mảnh da đầu còn giữ được và lành lặn, bảo quản đúng quy cách, thời gian dưới 12 tiếng thì việc nối lại các mạch máu của vạt da bằng kỹ thuật vi phẫu là phương pháp lý tưởng nhất để phục hồi tổn khuyết. Đa phần các cơ sở bệnh viện lớn có kỹ thuật vi phẫu đều thực hiện được phương pháp này. Tuy nhiên, trong những trường hợp mảnh da đầu không giữ được, hoặc giập nát quá lớn, thời gian quá lâu thì việc phục hồi khuyết lớn da đầu cực kỳ khó khăn, mất thời gian và kém thẩm mỹ. 
Theo TS Vũ Ngọc Lâm, có nhiều phương pháp phục hồi khuyết da đầu,  mỗi phương pháp lại có ưu điểm riêng. Việc ứng dụng linh hoạt các phương pháp trong từng trường hợp cụ thể sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh. Vì vậy, trong 3 bệnh nhân trên, bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật khác nhau để giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục.
TS Vũ Ngọc Lâm khuyên, khuyết da đầu là tổn thương nặng nề, do đó phòng chống những tai nạn gây tổn thương khuyết da đầu là việc có ý nghĩa nhất. 
Thúy Nga

Bình luận(0)