Vụ mất 245 tỷ: Uy tín của Eximbank sẽ giảm sút thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - "Chưa biết vụ việc sẽ đi đến đâu nhưng chắc chắn uy tín của ngân hàng Eximbank sẽ giảm sút mạnh", Ths. Ls Đặng Văn Cường đánh giá về vụ việc Nguyên Phó Giám đốc Eximbank lừa đảo 245 tỷ của khách hàng rồi bỏ trốn.

Liên quan đến vụ ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM - lừa đảo chiếm đoạt 245 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình rồi bỏ trốn ra nước ngoài đang gây nóng dư luận, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - đánh giá: 
"Sau những vụ việc, những đại án như vụ Huyền Như, vụ Ngân hàng Xây dựng, ACB, OceanBank... tiếp đến là vụ việc này xảy ra tại Eximbank thì uy tín của ngành ngân hàng đang xuống thấp. Chưa biết vụ việc với bà Bình sẽ đi đến đâu nhưng chắc chắn rằng uy tín của ngân hàng Eximbank sẽ giảm sút, ảnh hưởng tới hoạt động huy động tiền gửi trong thời gian tới".
Sụ mất 245 tỷ ở Eximbank và hàng loạt vụ đại án khác, uy tín ngành ngân hàng đang xuống thấp...
Theo luật sư Cường, về góc độ pháp lý thì cần có những văn bản pháp luật, những quy định cụ thể hơn nữa để xác định trách nhiệm, rủi ro khi tiền gửi tại ngân hàng bị mất mát để người dân yên tâm khi mang tiền đi gửi tại ngân hàng. Việc bảo hiểm tiền gửi cũng cần phải có những quy định hợp lý, hiệu quả để phòng ngừa rủi ro trong những trường hợp như thế này.
Mời quý độc giả xem video: Luật sư Đăng Văn Cường phân tích về bản chất pháp lý về vụ mất 245 tỉ tại ngân hàng Eximbank:
Luật sư Cường cũng cho rằng: "Trong vụ việc này bà Bình cũng có những bất cẩn, quá tin tưởng vào lãnh đạo Ngân hàng Eximbank nên mới bị thất thoát số tiền lớn như vậy. Nếu bà Bình ký khống vào giấy trắng để ông Hưng tùy ý điền nội dung thì đó là sai lầm nghiêm trọng nhất, khiến ông Hưng có thể quyết định mọi nội dung mà không phụ thuộc vào ý chí của bà Bình nữa".
Trong khi đó, theo quy định pháp luật thì ủy quyền là một giao dịch dân sự tương đối phổ biến trong đời sống xã hội. Bản chất của giao dịch ủy quyền là nhờ người khác, cho phép người khác thực hiện cái "quyền" của người đang có quyền. Việc ủy quyền pháp luật quy định có thể bằng lời nói, hành vi hoặc có thể bằng văn bản. Trong một số trường hợp thì bắt buộc việc ủy quyền phải được lập thành văn bản như ủy quyền liên quan tới tài sản có đăng ký sở hữu, tài sản có giá trị lớn...
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch ủy quyền thì người ủy quyền chỉ có thể ủy quyền cho người mà mình đủ tin tưởng, cân nhắc kỹ nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và cần phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện công việc ủy quyền. Tuyệt đối không được ký khống tên mình vào tờ giấy trắng, để trống nội dung... làm như vậy là vô cùng rủi ro và hậu quả khôn lường.
Bảo Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)