Vì sao xe đạp bỗng nhiên trở thành mốt thời thượng tại TQ?

Google News

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang trở thành thảm họa ở Trung Quốc, xe đạp đã cung cấp cho người dân một giải pháp tuyệt vời để di chuyển.

Vi sao xe dap bong nhien tro thanh mot thoi thuong tai TQ
Một chiếc xe đạp của Ofo (ảnh: Weibo) 
Xe đạp sẽ trở lại "thống trị" Trung Quốc?
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang trở thành thảm họa ở Trung Quốc, sự trở lại của xe đạp, dưới một hình thức hoàn toàn mới, đã cung cấp cho người dân một giải pháp tuyệt vời để di chuyển, và đằng sau những vòng bánh xe lại là một chiến công nghệ khốc liệt.
Đáng ngạc nhiên hơn, cuộc chiến ấy xoay quanh 2 công ty mới thành lập cuối năm 2015: Beijing Bikelock Technology Co. - hay gọi tắt là Ofo - do chàng trai 25 tuổi Dai Wei sáng lập và Beijing Mobike Technology Co với ứng dụng Mobike của cô gái 34 tuổi Hu Weiwei. Chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng, 2 start-up này đã huy động được tới 200 triệu USD với ý tưởng đơn giản: Cho thuê xe đạp thông qua ứng dụng di động, tương tự mô hình của Grab và Uber.
Tháng Chín vừa qua, Ofo đã nhận được 100 triệu USD từ một nhóm đầu tư bao gồm các ông lớn như Lei Jun – nhà sáng lập hãng smartphone Xiaomi và Didi Chuxing - công ty vừa “hất cẳng” Uber ra khỏi Trung Quốc. Với khoản tiền này, Ofo được định giá tới 500 triệu USD, đúng 1 năm sau khi thành lập. Chỉ vài ngày sau đó, Mobike cũng nhận được một khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD từ các quỹ đầu từ khổng lồ quốc tế như Hillhouse Capital và Warburg Pincus, cộng thêm ông lớn công nghệ Tencent của Trung Quốc. Trước đó vào tháng Tám, Mobike đã nhận được 10 triệu USD từ Panda Capital.
Dịch vụ cho thuê xe đạp ở Trung Quốc khác các nước châu Âu ở hai khía cạnh cơ bản: sở hữu và tiện lợi cho khách hàng. Nếu như tại Pháp và Anh, chính quyền địa phương điều hành mô hình này với sự tài trợ của doanh nghiệp thì ở Trung Quốc, nó vận hành hoàn toàn bởi tư nhân. Người dùng châu Âu chỉ có thể sử dụng xe đạp tại các điểm đỗ cố định, trong khi Ofo và Mobike cho phép khách hàng trả xe ở bất cứ chỗ nào họ muốn.
Ofo và Mobike lựa chọn cho mình những phân khúc khách hàng khác nhau. Mobike sử dụng xe đạp cao cấp, giá có thể lên tới 3.000 nhân dân tệ (440 USD), thiết kế hai bánh màu cam thời trang, dùng lốp đặc và có hệ thống dẫn đường vệ tinh. Ofo thì lại nhắm tới đối tượng sinh viên, với những chiếc xe đạp màu vàng tươi có giá chỉ khoảng 250 nhân dân tệ, không có GPS và giá cho thuê chỉ 1 nhân dân tệ/giờ (hơn 3.000 đồng), bằng một nửa giá thuê xe của Mobike. Trong khi Mobike xác định vị trí của xe đạp thông qua hệ thống GPS tích hợp trong xe thì Ofo đơn giản hơn: định vị xe đạp thông qua smartphone của khách và gửi mã để mở khoá xe.
Nỗ lực lấy lại vị thế cho xe đạp
Khi đang theo học Tiến sỹ tại Đại học Bắc Kinh, Dai Wei đã quyết định bỏ dở và nung nấu ý tưởng về Ofo cùng với 4 sinh viên khác. Dự án đầy tham vọng của Dai đã nhận được sự ủng hộ của hai nhà đầu tư Wang Gang và Allen Zhu đến từ quỹ GSR Ventures – hai “Mạnh Thường Quân” từng rót tiền cho Didi trong những ngày đầu mới thành lập. Với cựu giám đốc “đế chế” Alibaba Wang Gang, tiềm lực hùng mạnh cùng mối quan hệ rộng khắp không những bảo đảm về mặt tài chính mà còn mang đến cho Ofo cơ hội tiếp cận tới 300 triệu khách hàng tiềm năng trên khắp Trung Quốc.
Vi sao xe dap bong nhien tro thanh mot thoi thuong tai TQ-Hinh-2
CEO Dai Wei của Mobike (ảnh: Bloomberg) 
Nằm cách văn phòng của Ofo 30 phút đi xe đạp là “vườn ươm doanh nghiệp” mang tên 768 Creativity Shejiyuan, nơi Mobike đặt trụ sở. So với đối thủ Ofo, Mobike nhận được sự hậu thuẫn “khủng” hơn rất nhiều từ ông lớn trong làng công nghệ Trung Quốc Tencent. Ngoài vốn đầu tư, Mobike còn có thể tận dụng tiềm lực sẵn có của Tencent, với ứng dụng tin nhắn Wechat tích hợp dữ liệu của hơn 800 triệu người dùng. Nhà sáng lập của Mobike, cựu nhà báo Hu Weiwei, cho biết hai công ty đang bắt đầu hợp tác trên một số lĩnh vực công nghệ.
Tại một thị trường startup bùng nổ và khốc liệt ngang ngửa Thung lũng Silicon của Mỹ, Ofo và Mobike không chỉ cần chính sách giảm giá để lôi kéo khách hàng, mà còn cần thêm nhiều xe đạp khi thị phần ngày càng mở rộng. Mobike cho biết, hiện công ty đang có khoảng 30.000 xe đạp đang hoạt động tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, 4 thành phố với tổng dân số nội đô ước tính 74 triệu người. Mục tiêu của Mobike là có sẵn ít nhất 100.000 xe đạp ở mỗi thành phố trên vào cuối năm nay, trước khi tiếp tục mở rộng sang các đô thị khác. Ofo cho biết hiện công ty có hơn 85.000 chiếc xe đạp, chủ yếu đặt ở các trường đại học và cao đẳng. Ngoài Trung Quốc, cả hai công ty đều nhắm đến các thị trường trong khu vực và ở châu Âu. Hiện tại, Mobike đã bắt đầu chạy thử nghiệm ứng dụng tại Singapore và sẵn sàng hoạt động tại thị trường này ngay trong năm sau.
Họ đang nỗ lực lấy lại vị thế từng có của xe đạp tại Trung Quốc. Trước kia nước này từng có tới 650 triệu xe đạp lưu thông vào năm 1995, song đến năm 2013 đã giảm xuống chỉ còn 370 triệu xe. Các làn đường dành cho xe đạp đang ngày càng chật hẹp, nhường chỗ cho những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau “điên cuồng” xả ra hàng đống khí thải vào môi trường.
Đối với người dân Bắc Kinh, cuộc chiến tỷ đô giữa Ofo và Mobike lại khiến cuộc sống của họ trở nên tiện nghi hơn. “Tôi chẳng quan tâm đó là xe của hãng nào. Tôi sẽ thuê ngay một chiếc nếu nhìn thấy chúng trên đường và cảm thấy lười đi bộ,” Guang Geng – hiện đang làm việc tại công viên công nghệ cao Zhongguangcun, nơi được coi là Thung lũng Silicon của Bắc Kinh, chia sẻ. “Thành thật mà nói, tôi chỉ có thể phân biệt được chúng nhờ màu sơn.”
Trận chiến khốc liệt của những “kỳ lân”
Với sự nỗ lực của chính quyền từ trung ương tới địa phương trong việc tạo động cơ tăng trưởng mới là dịch vụ và công nghệ cao, làn sóng startup đang diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, giành được một chỗ đứng vững chắc trong “vườn ươm” startup tại nền kinh tế thứ hai thế giới không phải là chuyện dễ dàng. Các liên minh startup-nhà đầu tư liên tục thay đổi, ngoài ra các công ty trẻ tuổi buộc phải đổ hàng tỷ USD chạy đua theo “cơn lốc” quà tặng, khuyến mãi để giành lấy khách hàng, để rồi không lâu sau đó sáp nhập lại nhằm cạnh tranh với đối thủ mới.
“Việc Tencent và Didi mỗi bên chọn một công ty start-up để đầu tư đã khiến cho cuộc cạnh tranh trở nên khó đoán và thú vị,” Cao Yang – chuyên gia phân tích đến từ công ty tư vấn internet Iresearch ở Bắc Kinh nhận xét. “Quan trọng là bên nào thích ứng nhanh hơn và phân bổ các nguồn lực tốt hơn.”
Vi sao xe dap bong nhien tro thanh mot thoi thuong tai TQ-Hinh-3
Cho thuê xe đạp đang trở thành "mốt" tại Trung Quốc (ảnh: Bloomberg) 
Cho thuê xe đạp không phải lĩnh vực kinh doanh quá mới lạ. Trên thế giới hiện đang có khoảng 600 công ty như vậy đang hoạt động, với mức tăng trưởng của thị trường 20% mỗi năm. Theo tính toán của công ty tư vấn Roland Berger, dịch vụ “uber xe đạp” sẽ đem về khoảng 5,8 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.
Tuy nhiên, cũng có không ít người tỏ ra ngờ vực trước sự tăng trưởng quá “nóng” của thị trường startup Trung Quốc. “Những nhà sáng lập startup đều nghĩ rằng họ có thể trở thành Amazon, “đốt tiền” trước rồi thu lợi nhuận sau,” ông Rawen Huang – nhà sáng lập quỹ đầu tư Petrel Capital cho biết. “Liệu sau năm năm nữa nhìn lại, chúng ta có phải thốt lên “Trời ơi, không thể tin nổi họ đã đầu tư được nhiều như vậy”? Có thể lắm.”
“Giai đoạn đầu sau khi thành lập một công ty, việc mở rộng quan trọng hơn là phòng vệ,” ông Cheng Wei, đồng Giám đốc điều hành (CEO) của Didi Chuxing, nói. “Bạn càng đốt tiền nhanh thì hoạt động càng hiệu quả. Bạn càng gọi được nhiều vốn, công ty sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn. Khi đó, bạn sẽ thống trị thị trường.”
Đó cũng là chiến lược đã giúp Didi đánh bại hơn 30 đối thủ cạnh tranh. Ở giai đoạn đỉnh điểm cạnh tranh với Uber, Didi đã "đốt" 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu để trợ giá. Hiện tại, Didi đã trở thành startup ứng dụng gọi phương tiện giao thông lớn nhất tại Trung Quốc. Công ty này tuyên bố họ có hơn 11 triệu lượt khách thuê xe mỗi ngày, hoạt động trên khoảng 400 thành phố, cao gấp 6 lần so với Uber.
Có lẽ vẫn còn quá sớm để gọi Ofo hay Mobike là những “startup kỳ lân” – cụm từ ám chỉ những doanh nghiệm trẻ lớn mạnh được định giá trên 1 tỷ USD, tuy nhiên những bước đi vững chắc của 2 công ty còn non trẻ này hứa hẹn sẽ góp phần đưa startup Trung Quốc trở thành những “kẻ chinh phục” đầy năng lực trên thị trường toàn cầu.
>>>> Mời quý độc giả xem video về tỷ phú Jack Ma (nguồn VTV):
Theo Nam Anh/VnTinnhanh

>> xem thêm

Bình luận(0)