Thuốc bảo vệ thực vật: Thị trường "tỷ đô", quy mô manh mún

Google News

Việt Nam chưa vượt ra khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong tháng 5/2017 đạt 98 triệu USD. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thuốc trừ sâu đạt 400 triệu USD (tương đương gần 9.000 tỷ đồng), tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhu cầu cao, phụ thuộc nhiều
Nguồn nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 53,4% tổng giá trị của mặt hàng này. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu của một số thị trường khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ….
Giai đoạn từ năm 2012 đến 2013, lượng nhập khẩu thuốc trừ sâu đã tăng đột biến từ 55.000-112.000 tấn. Đến năm 2016, lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu là 100.000 tấn và không có dấu hiệu giảm.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, Trung Quốc là thị trường số 1 xuất khẩu thuốc trừ sâu, nguyên liệu thuốc trừ sâu sang Việt Nam. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT, ông Hoàng Trung cho biết, trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn.
Thuoc bao ve thuc vat: Thi truong "ty do", quy mo manh mun
Mua bán tại một cửa hiệu thuốc BVTV ở thị trấn M Drak (Đắk Lắk). Ảnh: S.T 
"Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, thuốc BVTV vẫn là một trong những biện pháp chính và chủ đạo để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm nữa".
Theo ông Trung, 99% lượng thuốc trừ sâu ở Việt Nam phải nhập khẩu (100% thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học phải nhập khẩu), trừ một số loại thuốc sinh học, thảo mộc do trong nước sản xuất.
Thống kê từ Cục BVTV cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm. Tuy vậy, khảo sát của cục này cũng cho thấy, trên thị trường chỉ còn khoảng 2.000 thương phẩm (trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học, thảo mộc), các loại sản phẩm thuốc còn lại vẫn có trong danh mục nhưng gần như không có hoặc rất ít trên thị trường.
Nhìn vào danh sách này có thể thấy, ít có quốc gia nào mà danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng trên cây trồng lại nhiều như ở Việt Nam.
Hiện cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, gần 100 nhà máy chế biến thuốc (chế biến được 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước, khoảng 30.000 - 40.000 tấn/ năm) cùng với với khoảng 30.000 đại lý thuốc BVTV. Tuy nhiên, Việt Nam chưa vượt ra khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc BVTV”, nói cách khác là chưa xây dựng được nền móng cho một nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV quốc gia.
Trong số trên dưới khoảng 100.000 tấn/năm thuốc BVTV nhập khẩu vào Việt Nam, có tới 40% là gia công, sang chai để xuất khẩu đi với khoảng 40 thị trường, đây là lượng thuốc đem lại giá trị kim ngạch lớn. 60% còn lại, trong đó chiếm 40% thuốc BVTV là thuốc trừ cỏ, 10% là các loại thuốc sử dụng trong bảo quản và sử dụng xử lý cho mục đích kiểm định thực vật đối với tất cả các sản phẩm nông sản chúng ta trước khi xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu kiểm định thực vật của các nước. Do vậy, lượng thuốc còn lại được chính thức sử dụng trên đồng ruộng Việt Nam chỉ khoảng 30.000-40.000 tấn/năm. Như vậy không chỉ nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn mà tiềm năng xuất khẩu thuốc BVTV của Việt Nam cũng rất lớn.
Nhiều rào cản trong đầu tư
Tại một cuộc toạ đàm về thuốc BVTV cách đây không lâu, bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Đối ngoại Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: Là công ty nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chúng tôi đều khẳng định rằng để nghiên cứu ra một bộ thuốc và loại TBVT là một quá trình.
Có thể nói, để đưa được một sản phẩm ra thị trường thì chúng tôi phải mất từ 10 – 12 năm nghiên cứu, phát triển và đăng ký, đồng thời phải trải qua trên 25 nghìn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trên đồng ruộng để đánh giá các hiệu lực sinh học cũng như các tác động đến môi trường, con người và các sinh vật gây hại. Chi phí cho một nghiên cứu đó khoảng 260 triệu USD.
Bên cạnh đó, với hơn 10 triệu nông hộ với quy mô rất nhỏ, lẻ ở nước ta thì việc tiếp cận đến toàn bộ người nông dân để hướng dẫn các kiến thức về nông học và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng là một thách thức, không những đối với cơ quan nhà nước mà cả các công ty trong lĩnh vực thuốc BVTV.
“Ngoài ra, hiện nay, hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của thuốc BVTV và một bộ phận kinh doanh không chân chính không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mà còn gây ảnh hưởng đến xã hội và cũng làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thuốc BVTV chân chính. Đây là thực trạng mà các cơ quan cần quan tâm hơn nữa để giám sát và có thể có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa để xử lý vấn nạn này trên thị trường”- bà Hoà đề xuất.
Chi phí đầu tư lớn, sự yếu kém trong công tác quản lý, dẫn tới tình trạng hàng nhái hàng giả, thiếu cơ chế thúc đẩy đầu tư đang là những rào cản để các nhà đầu tư trong nước thay vì lựa bài toán dài hơi sẽ chọn phương án nhập khẩu - gia công để “hớt váng”.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngành nông nghiệp thâm canh để tăng năng suất, cộng với vấn đề biến đổi khí hậu dẫn đến các sinh vật gây hại phát sinh và gây hại trên diện rộng, diễn biến phức tạp thì việc đầu tư có chiều sâu cho nghiên cứu phát triển thuốc BVTV không chỉ mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị trường quy mô tỷ USD mà giúp cho ngành BVTV trong nước chủ động trước những diễn biến sâu bệnh phức tạp.
Theo Phan Nam/Diễn Đàn Doanh Nghiệp

>> xem thêm

Bình luận(0)