Sếp lớn ngân hàng mất chức: Ghế nóng liên tục đổi chủ

Google News

Mỗi lần tái cấu trúc, mỗi lần thay đổi ông chủ ở các ngân hàng gắn liền với sự ra đi của những lãnh đạo quản lý cao cấp nhất. 

Biến động nhân sự cao cấp
Chỉ vài ngày sau khi đại hội đồng cổ đông bầu ra chủ tịch mới ông Dương Công Minh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) đã có một loạt những thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất.
Nghị quyết của HĐQT miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Phan Huy Khang theo nhiệm vụ cá nhân kể từ ngày 03/07/2017 và bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, giữ chức Tổng Giám đốc thay ông Phan Huy Khang.
Trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, HĐQT giao bà Nguyễn Đức Thạch Diễm giữ chức Quyền Tổng Giám đốc Sacombank kể từ ngày 03/07/2017.
Sep lon ngan hang mat chuc: Ghe nong lien tuc doi chu
 CEO ngân hàng có lương hàng trăm triệu đồng nhưng là nghề "nguy hiểm".
Trước đó, ngày 30/6 HĐQT Ngân hàng Sacombank đã có quyết định thôi nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hà Tôn Trung Hạnh - Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng, chuyển sang làm Thành viên Ban kiểm soát Sacombank.
Bà Lê Thị Hoa, người được bầu làm Thành viên HĐQT độc lập Sacombank, được Vietcombank cho nghỉ hưu trước tuổi và thôi đảm nhiệm vị trí Uỷ viên HĐQT Vietcombank. Bà Nguyễn Hải Tâm thôi chức vụ Phó tổng giám đốc, thay vào đó là ông Hà Tôn Trung Hạnh.
Tại VietABank, sự thay đổi nhân sự cao cấp diễn ra với tốc độ chóng mặt hơn. Hồi cuối tháng 3, VietABank đã cho ông Lê Xuân Vũ nghỉ chức vụ Tổng Giám đốc vì lý do cá nhân cho dù mới thay bà Phương Thanh Nhung hồi cuối 2016. Ông Vũ (1971) có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, làm việc ở nhiều tổ chức lớn như: HSBC, McKinsey và từng giữ vị trí phó TGĐ HDBank và Techcombank. Ông Nguyễn Văn Hảo được bổ nhiệ Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á.
Cùng với quá trình tái cấu trúc tại các ngân hàng, hàng loạt các nhân sự cao cấp cũng đã đến và đi rất chóng vánh. Làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp diễn ra hơn 5 năm qua vẫn chưa dừng lại.
Tại Ngân hàng Quốc dân - NCB (trước là Navibank), bà Trần Hải Anh lên làm chủ tịch thay cho ông Vũ Hồng Nam. Ở vị trí TGĐ, cuối năm ngoái ông Đào Trọng Khanh cũng bất ngờ thôi nhiệm không rõ lý do sau 9 tháng đứng ở vị trí điều hành.
Ông Khanh là một gương mặt quen thuộc trong giới tài chính ngân hàng. Ông từng là phó chủ tịch thường trực MaritimeBank và nằm trong ban chủ trì việc sáp nhập MDB vào MaritimeBank. Ông Khanh cũng từng làm cho các tập đoàn tài chính nước ngoài lớn như: Citi Group, Caylon Bank, Mizuho Bank... Trước khi về làm cho Tienphongbank trong giai đoạn đầu của ngân hàng mới thành lập.
Nghề lương trăm triệu: Rủi ro rình rập
Trước đó, giới đầu tư cũng từng biết đến một gương mặt đình đám trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: ông Phạm Duy Hiếu. Năm 2012, ông Hiếu được biết đến là CEO trẻ nhất ngành ngân hàng sang ABBank, người giữ vị trí thay cho ông Đặng Quang Minh.
Trước đó, khi mới 34 tuổi ông Hiếu được bổ nhiệm là TGĐ VietABank. Năm 2015, ông Hiếu từ nhiệm và chuyển sang lĩnh vực đào tạo, giám đốc điều hành quỹ Start-up Vietnam Foundation. Phó TGĐ Cù Anh Tuấn lên làm TGĐ ABBank.
Sep lon ngan hang mat chuc: Ghe nong lien tuc doi chu-Hinh-2
Rủi ro rình rập. 
Gần đây, ông Nguyễn Đức Hưởng từ nhiệm phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) rồi được đề cử vào HĐQT Sacombank. Sau đó, ông Hưởng rút khỏi danh sách trước khi ông Dương Công Minh vào và trở thành chủ tịch Sacombank. Ông Hưởng quay về LienVietPostBank và có thể trở thành người đứng đầu NH này.
Tại Techcombank, ngân hàng này hồi đầu năm 2017 bổ nhiệm thêm 1 phó TGĐ, ông Nguyễn Cảnh Vinh, phụ trách công tác xử lý nợ từ 1/3. Trước đó, hồi cuối tháng 9/2016, Techcombank bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh làm TGĐ thay cho ông Murat Yuldashev, từ nhiệm vì lý do cá nhân từ đầu tháng 3/2016.
Techcombank sau đó cũng đã cho thôi nhiệm giám đốc tài chính Vikesh Mirani từ cuối tháng 10/2016.
Tại NamABank, dù là ngân hàng mà gia đình bà Tư Hường (đã mất) nắm cổ phần chi phối nhưng yêu cầu tái cấu trúc cũng đã có hàng loạt sự thay đổi nhân sự cấp cao trong vài năm gần đây.
Có thể thấy, sau làn sóng biến động nhân sự cao cấp lần thứ nhất với những biến cố năm 2011 và 2012, ngành ngân hàng đang chứng kiến làn sóng thay đổi lần thứ 2. Nếu lần thứ nhất, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng ngã ngựa vì sai phạm thì giờ đây, nhiều nhân sự cao cấp cũng được thay đổi để các nhà băng tiến hành công cuộc tái cấu trúc giai đoạn 2.
Cuộc đại phẫu ngành ngân hàng tiếp tục chứng kiến những biến động thay đổi chủ, thay đổi CEO làm nóng thị trường. Hàng loạt ngân hàng vẫn đang phải đeo đuổi xử lý khối nợ xấu khổng lồ và kinh doanh sa sút, mà nguồn gốc là do cho vay không kiểm soát trong lĩnh vực bất động sản.
Những biến động nhân sự gần đây được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng bước vào một thời kỳ mới phát triển ổn định hơn. Tuy nhiên, thách thức trong ngành ngân hàng hiện vẫn còn rất lớn. Khối nợ xấu khổng lồ không thể nhanh chóng được xử lý.
Bên cạnh đó, những dịch chuyển ngành ngân hàng trong xu hướng công nghệ số cũng như những dịch vụ xuyên biên giới nở rộ… cũng đang gây áp lực lớn cho các ngân hàng. Đây có thể cũng là các yếu tố có thể khiến ngành ngân hàng có thể còn đối mặt với làn sóng biến động nhân sự lần thứ 3. Trong lần này, có thể nhiều lãnh đạo cao cấp mất chức và hàng chục ngàn nhân viên ngân hàng cũng có nguy cơ mất việc.
Theo M. Hà/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)