Săn gà đen

Google News

(Kiến Thức) - Cách đây vài năm, phong trào săn gà đen của người H’Mông để ăn và chơi Tết khiến cho giống gà này hiếm dần.

Đặc biệt, từ khi các đầu nậu “thổi” giá gà đen nhập ngoại lên 40 – 50 triệu đồng/ con thì giá gà H’Mông đen cũng theo đó mà tăng lên đến chóng mặt. Nhưng với những người lắm của nhiều tiền thì họ không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để sở hữu loại gà “dị”, “độc” này để ăn Tết.
Quan niệm “đen” – “đỏ”
Trước đây, nhiều nơi tại Việt Nam quan niệm ngày Tết hay đầu tháng âm lịch thì không nên ăn gà đen, mực, vịt, thịt chó... với ý nghĩ trực quan là sẽ gây ra sự đen đủi, kém may mắn. Thế nhưng không rõ vì nguyên cớ nào mà quan niệm có vẻ truyền đời, thâm căn cố đế của cư dân lúa nước Việt Nam này bỗng chốc thay đổi 3600. Người ta đua nhau săn gà đen để ăn hàng ngày, coi đó là thứ đặc sản nên thưởng thức một lần trong đời. Gà đen không chỉ xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày mà trong cả tiệc cưới và trên bàn thờ tổ tiên.
San ga den
Anh Giàng Bá Dềnh quây bắt ổ gà đen trong hang đất. 
Anh Giàng A Páo, bản Đá Đen, xã Nâm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái kể rằng: Người H’Mông ở Yên Bái nuôi gà đen từ đời nào chẳng ai biết. Đó là thứ vật nuôi có sức chống chọi tuyệt vời với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên núi cao. Vì là loại vật nuôi phổ biến, nên gà đen xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của bà con trên núi như bản sắc văn hóa không thể thiếu. Người H’Mông nuôi gà đen với tư duy đơn giản là làm thực phẩm hàng ngày, sau đó, gà được dùng trong các tiệc cưới, rồi dùng trong cúng tế tổ tiên, thần linh.
“Thực ra là gia đình tôi không có quan niệm gì về vận đen – đỏ khi cúng tế tổ tiên, thần linh bằng gà đen. Cứ nuôi được con vật nào thì cúng tổ tiên bằng thứ đó. Ngoài gà đen, nhà tôi còn có cả lợn đen, vịt đen, những thứ đó vẫn được dùng làm vật cúng tế”, anh Páo cho biết.
Anh Páo cho biết: Quan niệm về đen – đỏ bản thân anh mới chỉ nghe đám bạn bè nhắc đến cách đây vài năm khi họ xuống phố làm ăn, tiếp xúc với người dưới xuôi. Đám bạn này sau khi làm ăn về thì “phổ biến” quan niệm đen – đỏ trong các cuộc đánh bài, đánh sâm và trong cuộc nhậu. Họ nghĩ một cách ngây thơ là ăn thứ gì đen thì sẽ kém may mắn, đánh bài thì bị thua, buôn bán thì lỗ, ra đường tai nạn... Có người còn thịt hết gà đen ăn và thay thế bằng giống gà khác.
Giữa lúc, quan niệm kỳ thị gà đen được phổ biến nơi lưng chừng trời Đá Đen thì xuất hiện một số lái buôn từ Nghĩa Lộ lên săn lùng mua gà đen với giá cao. Ban đầu, dân bản không biết động cơ của thương lái là gì nên đua nhau bán. Họ cho rằng, bán gà đen là xua đuổi sự đen đủi. Sau thời gian ngắn, gà đen dần vắng bóng ở chốn cao sơn. Trong chuồng gà của nhiều hộ dân chỉ còn lại giống gà xám, gà hoa, gà vàng... Thế nhưng, người H’Mông cũng nghi ngờ về cơn sốt gà đen nên giữ lại vài con để nuôi hoặc đợi tăng giá thì bán.
Anh Vàng Bá Dềnh, người dân bản Đá Đen nuối tiếc: “Năm ngoái nhà tôi có 16 con gà đen, nhưng mà cánh thương lái lên mua nên tôi bán gần hết. Hiện trong nhà còn duy nhất 1 con gà mái đen, tôi sẽ không bán nữa mà để nhân giống. Nếu may mắn thì 1 năm nữa nhà tôi lại có một đàn gà đen nuôi trong nhà, lúc đó đàn gà này sẽ đẻ ra tiền giống như lúa nếp cẩm, hay con lợn đen”.
Giá cao ngất ngưởng
Theo người dân tại Mù Cang Chải thì gà đen được chia làm 2 loại, một loại đen cả lông, chân, mào và thậm chí xương cũng đen. Loại còn lại gọi là gà đen lưỡi. Nghĩa là không chỉ có lông, chân, mắt, mào, xương đen mà lưỡi cũng đen.
San ga den-Hinh-2
1kg gà đen thường có giá 170 – 350 ngàn/1kg, còn gà đen cả lưỡi có giá hàng chục triệu đồng.
Loại gà thứ nhất hiện đang được thu mua với giá không đều giữa các nơi. Như ở Nậm Có thương lái đang mua gà với giá 170 ngàn/1kg, nhưng ở xã Nậm Khắt thì loại gà này có giá 350 ngàn/1kg. Trong khi đó, giá gà thường là 80 – 120 ngàn/ 1kg. Sở dĩ loại gà đen có giá cao như vậy là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao. Nhiều nhà hàng ở thủ đô và một số thành phố lớn đã mọc ra những quán chuyên bán thịt gà đen, thậm chí nguồn cung không đủ cho thị trường. Còn loại gà thứ hai là gà đen lưỡi có giá lên đến 20 triệu đồng/con. Loại này được người H’Mông liệt vào hàng cực hiếm, thỉnh thoảng mới xuất hiện một con. Nó cũng giống như hiện tượng gà 9 cựa trước đây.
Người dân tại một số nơi như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái cho biết. Loại gà đen lưỡi thỉnh mới xuất hiện và càng ngày càng hiếm. Nguyên nhân là do việc người dân địa phương nuôi lẫn gà đen với các loại gà khác nên dần dần chúng bị biến đổi. Có con đen lưỡi nhưng lông lại đốm đen đốm trắng, có con đen toàn thân thì lưỡi đỏ...
Cách đây hơn 10 năm, nhiều bản người H’Mông vẫn còn xuất hiện nhiều loại gà đen cả lông, chân, da, mào và lưỡi. Có gia đình nuôi gà đen 4 – 5 năm mới thấy một con gà đen lưỡi...
Anh Nguyễn Văn Mạnh, một thương lái chuyên buôn bán gia cầm tại huyện Mù Cang Chải cho biết: Hiện chưa có một trang trại nào chuyên nuôi gà đen để bán mà nguồn cung chủ yếu dựa vào bà con người H’Mông nuôi với quy mô nhỏ. Nhà nhiều thì được chục con, ít thì một đến hai con. Vì số lượng gà đen ít như vậy nên chỉ cần vài thương lái thu mua là “quét sạch” gà đen ở các bản.
Anh Mạnh đi buôn gà được 7 năm nay, nhưng chỉ 1 – 2 năm gần đây mới thấy người đặt mua gà đen với giá cao. “Có một vài người bảo tôi nếu gặp loại gà đen lưỡi thì nhốt riêng để họ mua với giá rất cao. Nhưng cao như thế nào thì họ không nói rõ. Về sau, tôi tò mò tìm hiểu trên mạng thì thấy loại gà đó được rao bán đến 30 triệu 1 con. Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì chẳng biết họ mua giống gà này để làm gì. Nhưng nghĩ lại thấy mình không nên quan tâm chuyện đó. Không cần biết gà có tác dụng gì, miễn là họ mua với giá cao tôi sẽ bán lại”, anh Mạnh cho biết.
Theo thương lái Nguyễn Văn Mạnh thì dịp cuối năm này, anh nhận được lời đặt hàng mua gà đen với số lượng lên đến 870 con. Số lượng hàng như vậy là quá nhiều so với thực tế ở một số nơi thuộc địa bàn Yên Bái. Có lẽ, phải đợi vài năm nữa, khi hình thành các trại chuyên chăn nuôi gà đen thì mới đủ cung cấp cho thị trường.
Văn Quách

Bình luận(0)