Những vụ tiền gửi ngân hàng “không cánh mà bay”

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận đang xôn xao việc 9 tỷ tiền gửi ngân hàng  NCB của vị khách Hà Nội bị mất. Đây không phải lần đầu tiên khách hàng bị mất tiền gửi trong ngân hàng, vì nhiều lý do.

Khách tố gần 9 tỷ gửi trong ngân hàng biến mất
Vụ việc một khách hàng tên Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh hơn 8,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng của bà tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã "không cánh mà bay" đang gây xôn xa dư luận.
Theo Zing News, trong đơn khiếu nại, bà Mai cho biết bà đã gửi tiền tại ngân hàng từ năm 2012. Ban đầu, bà gửi theo hình thức tiết kiệm nhưng sau khi được bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch (PGD) số 14 - tư vấn chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo lãnh ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất cao lên tới 12%/năm (tại thời điểm năm 2014), bà Mai đồng ý.
Giữa năm 2016, bà Mai muốn rút tiền nên đã liên lạc với bà Hà để thông báo rút tiền nhưng qua nhiều lần hứa hẹn bà Hà đều thất hẹn. Đến đầu tháng 1/2017, bà Mai đến trực tiếp PGD số 14 để rút tiền thì nhân viên giao dịch tại đây thông báo số tiền trong tài khoản của bà đã được rút hết trước đó, trong khi bà Mai khẳng định từ khi gửi tiền tại ngân hàng chưa hề thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển, rút tiền nào trong tài khoản.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của khách hàng, phía Ngân hàng NCB đã lên tiếng phản hồi. Theo đó, NCB cho biết bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Trưởng phòng giao dịch số 14 - đã nghỉ việc tại NCB từ tháng 9/2016 vì lý do cá nhân. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Mai, NCB đã 3 lần mời bà Hà đến làm việc nhưng bà Hà đều không có mặt.
Qua quá trình tra soát giao dịch, NCB cho biết từ năm 2012 đến 2015, tài khoản của bà Nguyễn Bạch Mai đã có tổng cộng 17 lần thực hiện giao dịch gửi tiền tiết kiệm và rút tiền tại ngân hàng. NCB cũng khẳng định các giao dịch trên đều có đầy đủ chữ ký của bà Mai và được thực hiện theo đúng quy trình của ngân hàng.
Nhung vu tien tiet kiem gui ngan hang “khong canh ma bay”
Nhiều vụ việc khách tố gửi tiền ngân hàng vẫn bị mất. Ảnh minh họa.
Trong đơn khiếu nại của bà Mai có nhắc tới Bảng kê tiền gửi có chữ ký của bà Hà và con dấu của PGD số 14, NCB cho biết chưa giám định con dấu và khẳng định số chứng từ đó không phải là sản phẩm và mẫu biểu của ngân hàng. Đồng thời, toàn bộ số tiền bà Hà nhận từ bà Mai đã không được hạch toán vào hệ thống của ngân hàng, không có chứng từ và tài liệu cụ thể.
Sau khi xem xét kỹ sự việc, NCB cho biết nhận thấy có những dấu hiệu sai phạm cá nhân liên quan đến bà Nguyễn Thị Thu Hà, nên ngân hàng đã chuyển các giấy tờ và tình tiết liên quan tới cơ quan công an thành phố Hà Nội để xác minh, làm rõ. Đồng thời, NCB cũng có văn bản gửi tới Cục thanh tra giám sát gân hàng thành phố Hà Nội để trình bày sự việc.
"Ngân hàng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xác minh, đồng thời sẵn sàng hợp tác điều tra, chịu trách nhiệm nếu ngân hàng được xác định có lỗi", đại diện ngân hàng NCB cho hay. Cũng theo ngân hàng, hiện tại, đơn vị này vẫn đang thuyết phục cán bộ cũ là bà Hà hợp tác với cơ quan điều tra, cung cấp tư liệu, chứng cứ liên quan để sớm có kết quả.
Ngân hàng cũng gửi lên Ngân hàng Nhà nước đơn khiếu nại của bà Mai, toàn bộ chứng từ giao dịch của khách hàng này tại NCB từ năm 2012 đến nay, các sao kê tiền gửi do bà Mai cung cấp, cam kết trả nợ của bà Hà với bà Mai, đơn tố cáo gửi công an TP.Hà Nội kèm bản công văn trả lời khiếu nại cho bà Mai.
Gửi 200 triệu tiết kiệm, bị người khác rút mất
Trước đó, không ít khách hàng cũng gặp tình trạng tiền tiết kiệm ngân hàng bất ngờ "bốc hơi". Bà Hoàng Thị Phong (SN 1960, trú tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) là một trong những khách hàng từng gặp trường hợp số tiền tiết kiệm lớn biến mất.
Theo Tiền Phong, bà Phong phản ánh ngày 17/11/2015, bà lên ngân hàng rút sổ tiết kiệm 40 triệu đồng. Thấy thái độ làm việc của nhân viên ngân hàng quá dễ dãi, không kiểm tra giấy tờ tùy thân, bà Phong liền nhờ kiểm tra số tiền tiết kiệm 200 triệu đồng, thì được trả lời số tiền trong sổ của bà... không cánh mà bay.
“Trước đó, ngày 18/4/2015, để xin việc cho con nên tôi đã đưa sổ tiết kiệm cho chị Võ Thị Hằng (SN 1980, trú tại TT Quỳ Hợp) làm tin. Hai bên làm giấy biên nhận có chữ ký kèm theo, nếu không xin được việc cho con tôi thì chị Hằng sẽ trả lại sổ”, bà Phong cho biết thêm.
Nghi ngờ có liên quan tới Hằng nên bà Phong đã gọi điện cho Hằng hẹn gặp. Hằng từ chối việc rút tiền trong sổ tiết kiệm của bà Phong, chỉ khi có sự xuất hiện của chị Trương Phương Nhung, nhân viên ngân hàng (người chấp nhận cho Hằng rút tiền) thì chị ta mới nhận.
Hằng hẹn với bà Phong sẽ trả lại số tiền nhưng sau đó lẩn trốn. Bà Phong trình báo vụ việc lên công an huyện Quỳ Hợp. Hằng bị bắt sau đó.
Nhung vu tien tiet kiem gui ngan hang “khong canh ma bay”-Hinh-2
Bà Hoàng Thị Phong kể lại vụ việc mất 200 triệu đồng tiết kiệm.
Chị Trương Phương Nhung, nhân viên ngân hàng chi nhánh Quỳ Hợp cho biết: “Khi chị Hằng mang sổ tiết kiệm và giấy xác nhận mất chứng minh nhân dân, tôi gửi qua người kiểm soát là chị Lê Thị Huệ kiểm tra lại, sau đó chị Huệ đồng ý cho rút tiền nên tôi tiến hành cho chị Hằng rút”.
Bà Lê Thị Huệ, Phó phòng Kế toán ngân hàng chi nhánh Quỳ Hợp nói: “Chiều 13/11/2015, chị Hằng mang sổ tiết kiệm và giấy xác nhận CMND đến yêu cầu rút tiền. Khi kiểm tra thấy giấy xác nhận có ảnh và số chứng minh thư trùng khớp nên tôi đồng ý cho rút”.
Trước sự việc này, lãnh đạo chi nhánh Nghệ An của ngân hàng nói trên cho hay: “Nếu kết luận của cơ quan công an đúng như phản ánh của bà Phong, chúng tôi sẽ đảm bảo số tiền 200 triệu đồng của bà vẫn được giữ nguyên. Trong thời gian công an điều tra, bà Phong cần tiền thì đơn vị sẽ cho vay vốn. Còn các nhân viên làm sai thì chúng tôi sẽ xử lý”.
Mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm
Năm 2016, vụ việc bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) vừa gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà cũng từng khiến dư luận xôn xao.
Nhung vu tien tiet kiem gui ngan hang “khong canh ma bay”-Hinh-3
Ảnh minh họa.
Sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Ngày 20/4, hai bên chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch của BIDV ở Giảng Võ. Theo bà Phương Anh, ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch là người trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm này. Trước lúc chuyển nhượng, ông Long đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không.
Cũng theo bà Phương Anh, 2 ngày sau đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm thì chính ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy với tiêu đề "Giấy nộp tiền" nhưng không có nội dung. Ngoài ra, bà nói còn có thêm 2 tờ giấy hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước hạn.
Hơn hai tháng sau, bà nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4/2016 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.
Phía Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng nên nhà băng đã chủ động thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc và báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo quy định của pháp luật.
43 tỷ trong 5 cuốn sổ tiết kiệm bỗng dưng “bốc hơi”
Báo Tiền Phong đưa tin, giữa năm 2016, anh Lê Đình Trung (SN 1980), làm nghề kinh doanh cùng vợ là Tiêu Mỹ Ngọc, ngụ đường Điện Biên Phủ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã làm đơn khởi kiện Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ. Hai nhân viên ngân hàng và bố mẹ ruột đã cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Nhung vu tien tiet kiem gui ngan hang “khong canh ma bay”-Hinh-4
Anh Lê Đình Trung, người trình báo "mất" 5 cuốn sổ tiết kiệm có trị giá 43,5 tỷ đồng.
Theo nội dung đơn, gia đình anh hiện ở An Giang, do vợ có thai nên vợ chồng lên TP Cần Thơ khám bệnh trong khoảng một tuần.
Từ ngày 1 đến 2/6, vợ chồng anh nhận được điện thoại của ông Lê Hữu Phước (bố đẻ anh Trung) nói anh lên Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để ký giấy dự thưởng. Anh Trung và vợ lên ngân hàng đưa CMND và được nhân viên tên Lan Anh đưa rất nhiều tờ giấy trắng (giấy A4) cho vợ chồng anh ký.
Đến ngày 4/7, anh Trung phát hiện 5 cuốn sổ tiết kiệm để ở nhà biến mất nên nghi ngờ những giấy tờ anh chị đã ký trước đó. Ngày hôm sau vợ chồng anh lên ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để hỏi thì được nhân viên Lan Anh cho biết, những giấy anh chị ký hôm trước là giấy chuyển nhượng.
5 cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 43,5 tỷ đồng của vợ chồng anh đã chuyển sang tên ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng (là bố mẹ anh Trung).
Ngày 6/7, anh Trung trình báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang, sau đó nhận được giải trình do ông Nguyễn Minh Vũ, Phó giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang ký. Nội dung cho hay: Việt Á không can thiệp vào quá trình chuyển nhượng và chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng.
Sau đó, anh Trung làm đơn khởi kiện giám đốc và nhân viên hai ngân hàng trên.
Phía Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang cho hay, việc chuyển nhượng các sổ tiết kiệm đã thành công. Ngân hàng Việt Á cho rằng việc tranh chấp này giữa hai bên (hai cha con anh Trung) tự giải quyết nên Ngân hàng Việt Á không chịu trách nhiệm về vấn đề này...
Sổ tiết kiệm bốc hơi 1,1 tỷ đồng
Năm 2012, một vụ sổ tiết kiệm bỗng dưng bị mất 1,1 tỷ đồng cũng từng xảy ra tại Ngân hàng Quốc tế (VIB). Thời điểm đó, khách hàng Trần Thị Hòa gửi tiết kiệm 1,4 tỷ đồng tại chi nhánh VIB, quận 11, TP HCM từ ngày 14/8. Đến ngày 20/11/2012, khách hàng này đến ngân hàng để giao dịch thì phát hiện sổ tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng chỉ còn ghi nhận 300 triệu đồng, tức 1,1 tỷ đồng đã "bốc hơi".
Đại diện VIB lúc đó xác nhận có sự sai lệch giữa số tiền trong sổ gửi tiết kiệm của khách hàng với tài khoản trong hệ thống. Ngân hàng còn cho biết, sau khi kiểm tra, bước đầu cho thấy có một số chứng từ rút tiền tại VIB, quận 11 có chữ ký của khách hàng.
Nhung vu tien tiet kiem gui ngan hang “khong canh ma bay”-Hinh-5
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khách hàng khẳng định không có bất kỳ giao dịch nào với nhân viên của VIB, quận 11, không rút tiền lần nào, còn các chữ ký là giả. Có một phiếu chi là chữ ký thật nhưng khách hàng cho rằng bị lừa ký chứ chưa hề đi rút tiền.
Sau đó, VIB đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh làm rõ. Theo nhận định ban đầu, lỗi không thuộc về khách hàng nên phía Ngân hàng Quốc tế thống nhất chủ trương trả lại tiền, không để ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Theo đó, ngày 21/12/2013, VIB đã trả lại toàn bộ số tiền bị "bốc hơi" cho bà Trần Thị Hòa. Tính cả gốc và lãi, số tiền hoàn trả hơn 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã chỉ đạo VIB quận 11 rút kinh nghiệm đồng thời vẫn nhờ cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sự việc.
Đức Chính (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)