Những sai lầm về tiền bạc cần loại bỏ trước tuổi 30

Google News

Đợi đến khi đủ tiền mới đầu tư, tiêu hết số tiền mà bạn có...là những sai lầm về tiền bạc bạn cần loại bỏ trước tuổi 30.

Những sai lầm về tiền bạc ở độ tuổi ngoài 20 là điều bạn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn hãy sớm  tìm cách để chi tiêu một cách hợp lý, tránh lãng phí tiền bạc và đảm bảo cuộc sống của mình tốt hơn.

Nhung sai lam ve tien bac can loai bo truoc tuoi 30
Hãychi tiêu một cách hợp lý (ảnh minh họa: KT)

Nếu bạn muốn tiêu tiền thông minh hơn, hãy dừng ngay những thói quen dưới đây:

Đợi đến khi đủ tiền mới đầu tư

Thời gian là một yếu tố quan trọng trong đầu tư. Trái với những suy nghĩ thông thường, bạn không cần phải là một chuyên gia tài chính cá nhân hoặc chờ kiếm đủ tiền mới đầu tư. Cách đơn giản nhất để đầu tư là bạn có thể mua cho mình những gói bảo hiểm tích lũy hay  bảo hiểm hưu trí…Bằng cách này bạn có thể khiến mình giàu lên theo thời gian.

Hãy hành động ngay và thôi chờ đợi. Kể cả khi bạn không thể đầu tư một khoản tiền lớn, hãy dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ mỗi tháng. Mỗi khi bạn được tăng lương hoặc được thưởng, hãy nghĩ đến việc dành ra khoản tiền đó để tiết kiệm.

Tiêu hết số tiền mà bạn có

Nếu bạn tiêu hết hoặc thậm chí vượt quá số tiền mình kiếm được thì bạn sẽ khiến mình nhanh chóng rơi vào cảnh nợ nần chứ đừng nói là tiết kiệm được một khoản nào đó cho tương lai.

Giải pháp cho bạn là hãy tiêu thấp hơn mức thu nhập của bản thân và tiết kiệm tiền ngay từ bây giờ.

Không có mục tiêu tiết kiệm

Tiền không tự nhiên xuất hiện. Nếu bạn muốn tiết kiệm được nhiều tiền hơn thì hãy đặt ra một mục tiêu rõ ràng và có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Hãy bắt đầu bằng việc xác định chính xác những khoản bạn cần tiêu cho tương lai như mua nhà, xe hơi, hoặc tiền đóng học cho con. Tiếp đó, bạn có thể biết rằng mình cần phải  tiết kiệm bao nhiêu và bao lâu để có thể đạt được nó.

Cuối cùng, hãy thiết lập một chế độ chuyển tiền tự động từ ngân hàng sang tài khoản tiết kiệm của mình định kỳ (theo tuần hoặc theo tháng) để đảm bảo bạn luôn thực hiện mục tiêu tiết kiệm mà mình đề ra.

Thanh toán chậm

Ngoài việc tính thêm phí, việc thanh toán chậm còn làm giảm điểm tín dụng của bạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay tiền ngân hàng để mua những thứ lớn hơn như mua nhà, xe hơi…

Hãy thiết lập chế độ thanh toán tự động qua mạng đối với những chi phí cố định hàng tháng như phí truyền hình cáp, internet, bảo hiểm…Còn đối với những khoản không thể thanh toán online như tiền thuê nhà thì hãy thiết lập chế độ nhắc nhở tự động trên điện thoại để đảm bảo mình luôn thanh toán đúng hẹn.

Không trả hết dư nợ thẻ tín dụng

Hầu hết thẻ tín dụng chỉ yêu cầu bạn thanh toán 1 - 3% hạn mức mỗi tháng. Con số này có thể là một lựa chọn tốt khi ngân sách của bạn eo hẹp. Nhưng về lâu dài, bạn sẽ phải tốn kém hơn nhiều do lãi suất cộng dồn.

Hãy hình thành thói quen thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn. Nếu thường xuyên không đủ tiền thanh toán hết, tốt nhất hãy “cai” dùng thẻ tín dụng.

Không kiểm soát được tiền bạc

Cho dù chỉ là gọi Uber, ngồi café buổi sáng hay lấy thêm một chai nước trong lúc chờ thanh toán tiền ở siêu thị thì cũng có thể khiến bạn không kiếm soát được số tiền mà mình có, đôi khi bạn sẽ chẳng thể nhớ nổi mình đã tiêu tiền cho việc gì.

Cách tốt nhất để bạn kiểm soát được tiền bạc của mình là hãy theo dõi chi tiết khoản chi tiêu hàng ngày, cắt đi những khoản chi tiêu không đáng có, đồng thời hãy tìm cách tiết kiệm tiền bằng cách gửi tiết kiệm hoặc gửi tiền hưu trí hàng tháng.

Cố thể hiện trước bạn bè

Cố thể hiện mình trước mặt bạn bè, đồng nghiệp là sai lầm của nhiều người hiện nay. Một cuộc khảo sát của Viện CPA (chuyên đào tạo về kế toán, kiểm toán) của Mỹ cho thấy có tới 78 % những người ở độ tuổi từ 25 đến 34 có thói quen chi tiêu “chạy theo bạn bè”. Không nhất thiết bạn phải mua những thứ hàng hiệu đắt tiền hay một chiếc iPhone đời mới nhất…Hãy dành số tiền đó để tiết kiệm.

Theo CTV Ngọc Loan / VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)