Những doanh nhân “quá tuổi nghỉ hưu” lớp trẻ “đuổi không kịp"

Google News

Họ là những doanh nhân tài năng đã gây dựng nên những thương hiệu Việt lớn mà tên tuổi vượt qua biên giới quốc gia. 

Ngoài đời nhiều người đã lên ông, lên bà, nhưng họ vẫn là những trụ cột không thể thiếu vắng trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.
Doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT
Nhắc đến vấn đề về tuổi, ông Trương Gia Bình trở thành tâm điểm trong những ngày gần đây khi ông đã bước sang tuổi 60 và bị nhân viên của mình hát chế giục ông về hưu trong gala mừng sinh nhật FPT hôm 13/09.
Ông Trương Gia Bình cùng các cộng sự của mình thành lập FPT từ năm 1988 với chỉ 13 nhân viên, đến nay FPT đã có quy mô nhân sự lên đến 27 nghìn người, hoạt động ở 4 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ; Viễn thông; Phân phối – bán lẻ; Giáo dục. Năm 2015, tập đoàn này đạt doanh thu lên đến 40.000 tỷ đồng.
Nhung doanh nhan “qua tuoi nghi huu” lop tre “duoi khong kip
 
Ngoài việc trở thành ông lớn số 1 về công nghệ trong nước, FPT đã hiện diện ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2016, tạp chí Forbes Việt Nam xếp FPT trong Top 5 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam.
Xét về độ tuổi, ở tuổi của ông chưa phải là đã già nếu so với hàng loạt doanh nhân tên tuổi khác. Tuy nhiên, một tập đoàn về công nghệ luôn cần những ý tưởng táo bạo mới từ những người trẻ tuổi năng động. Trong khi đó, câu chuyện chuyển giao thế hệ đã được FPT đặt ra trong 10 năm qua. Cho dù thế nào, Chủ tịch Trương Gia Bình vẫn đang là linh hồn, là thuyền trưởng của FPT.
Doanh nhân Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk
Mặc dù đã 63 tuổi, nhưng bà Mai Kiều Liên vẫn được tín nhiệm giữ chức Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Bà từng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này từ năm 2003 đến năm 2015. Bà là người Việt Nam duy nhất trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á bình chọn bởi Forbes.
Nhung doanh nhan “qua tuoi nghi huu” lop tre “duoi khong kip
 
Dưới sự điều hành của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk (VNM) niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm 2006 với 159 triệu cổ phiếu, sau 10 năm VNM đã tăng gấp 10 lần quy mô vốn lên 1.451 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong cả quá trình tăng vốn, chỉ hai lần VNM huy động vốn từ cổ đông và nhà đầu tư mới với tổng khối lượng hơn 25 triệu cổ phiếu. Còn lại phần lớn là Công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Năm 2009, VNM phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 để thưởng, liên tiếp 2 năm 2011 và 2012 chia thưởng cp tỷ lệ 50% và trong 3 năm gần đây 2014 – 2016 duy trì tỷ lệ thưởng 20%. Bên cạnh cổ phiếu thưởng, Vinamilk còn khiến cổ đông hài lòng với mức cổ tức tiền mặt bình quân 35,4% mỗi năm, điều này đồng nghĩa với việc hằng năm Công ty chi ra khoảng hơn 2.200 tỷ đồng để chia lại cho cổ đông.
Như vậy, tính một cách tương đối, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VNM (tương ứng với mức vốn bỏ ra ban đầu là 53.000 đồng/cp) kể từ buổi đầu niêm yết cho đến nay đều đã tăng lên gần 10 cổ phiếu (trị giá 1,4 triệu đồng, khoảng 140.000 đồng/cp) và hưởng cổ tức tiền mặt tổng tỷ lệ 354% (3,54 triệu đồng). Nói cách khác, nếu bỏ ra 53.000 đồng để mua 1 cổ phiếu VNM từ thời điểm chào sàn, đến nay cổ đông đã bỏ túi tới 4,94 triệu đồng.
Trải qua 10 năm niêm yết, VNM đã nhân gấp 8 lần tổng mức doanh thu từ 5.659 tỷ đồng năm 2005 lên 40.223 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015, lãi ròng tăng trưởng gấp gần 12 lần từ mốc 605 tỷ lên 7.770 tỷ đồng. VNM cũng đang có một cơ cấu vốn ở mức an toàn, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trong 3 năm gần đây duy trì quanh ngưỡng 30%.
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, Vinamilk giữ vị trí dẫn đầu thị trường ngành sữa nước với hơn 50% thị phần. Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống tại khu vực Trung Đông và Đông Nam Á, Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh các thị trường ở khu vực châu Phi và cả những thị trường khó tính đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Mỹ. Vinamilk đến nay đã có 3 công ty con gồm Driftwood (Mỹ), Angkor Dairy Products Co., Ltd (Campuchia), Vinamilk Europe Spostka Z Ograniczona Odpowiedzialnoscia (Ba Lan) và một đơn vị liên kết là Miraka Limited (New Zealand) vừa sản xuất, vừa phân phối sản phẩm sữa ở thị trường nước ngoài.
Bà Mai Kiều Liên từng chia sẻ với báo chí vào tháng 8/2016 rằng để hoàn thành giấc mơ trở thành 1 trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 thì việc đầu tư ra nước ngoài là chiến lược chính trong thời gian tới.
Doanh nhân Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco
Bà Vũ Thị Thuận năm nay cũng vừa tròn 60 tuổi, bà trở thành Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Traphaco vào năm 2003, Tổng giám đốc Traphaco năm 2011 và Chủ tịch HĐQT Traphaco từ năm 2013.
Nhung doanh nhan “qua tuoi nghi huu” lop tre “duoi khong kip
 
Ghế Chủ tịch HĐQT từ lâu đã bị nhòm ngó bởi SCIC khi cổ đông nhà nước muốn đưa người của mình vào thế chân bà Thuận. Tuy nhiên, tại Traphaco, bà Thuận được coi là “linh hồn” của công ty này cho dù cơ cấu cổ đông của công ty hiện nay đã khá đa dạng với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông nhà nước là SCIC. Tại ĐHCĐ năm 2016, bà được cổ đông tín nhiệm bầu lại vào chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2016-2020 với tỷ lệ phiếu tín nhiệm lên đến 98,65%.
Tỷ lệ trên cho thấy bà Thuận rõ ràng đã giành được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người hiểu rất rõ về vai trò của bà trong những thành công của Traphaco.
Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu 35,67% vốn cổ phần của Traphaco, SCIC vẫn nắm quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng của công ty theo nội dung điều lệ này.
Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 6,38% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 16,6%. Traphaco cũng đặt kế hoạch doanh thu là 2.100 tỷ đồng, tăng trưởng 6,38%, trong đó doanh thu thuốc sản xuất và thuốc do Traphaco phân phối độc quyền sẽ tăng trưởng 12,02%. Traphaco đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2016 đạt 210 tỷ đồng, tăng trưởng 16,67%.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang, đến năm 1974 sang định cư tại Philippines. Ông được biết đến là ông trùm buôn hàng hiệu ở Việt Nam. Hệ thống Imex Pan Pacific (IPP) do ông làm chủ hiện là nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… cũng như là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Piazza…
Nhung doanh nhan “qua tuoi nghi huu” lop tre “duoi khong kip
 
Vợ và các con của ông hiện cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh của IPP. Ngoài ra chị em gái của ông cũng đang là người điều hành chuỗi siêu thị Citimart và Maximark.
Gần đây, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với việc ông cùng 3 cổ đông là các nhà đầu tư nổi tiếng đến từ Mỹ đã đề xuất lên UBND TP HCM đầu tư dự án 4 tỷ USD tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự án là tổ hợp gồm một tòa tháp cao 70 tầng cùng nhiều tòa nhà thấp và khu thương mại văn phòng, mua sắm, vui chơi giải trí khép kín.
Doanh nhân Trần Thị Hường: Tập đoàn Hoàn Cầu, ngân hàng Nam Á
Doanh nhân gốc Bình Định Trần Thị Hường (Tư Hường) năm nay vừa tròn 80 tuổi. Tuổi trẻ bà từng phải đi ở, đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, sau khi lấy chồng bà chuyển sang làm công nghiệp, sau đó phất lên nhờ buôn bán bất động sản.
Nhung doanh nhan “qua tuoi nghi huu” lop tre “duoi khong kip
 
Hai thương vụ ghi dấu ấn trong giới của bà Tư Hường là vào đầu những năm 90 với việc đầu tư nhà máy bia tại Khánh Hòa sau đó bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD, kiếm lãi 5 triệu USD. Không lâu sau đó bà tiếp tục xây nhà máy Sài Gòn Cola tại Tp.HCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca-Cola với giá 15 triệu USD.
Cùng với chiến lược trên, bà Tư Hường tiếp tục xây và bán nhà máy nước tăng lực Lipovitan với giá khoảng 17 triệu USD. Hiện gia đình bà chủ yếu kinh doanh bất động sản (Chung cư Saigonland-Điện Biên Phủ, Chung cư cao cấp Cantavil- Hoàn Cầu,…); Du lịch khách sạn (Diamond Bay City, Diamond Bay Gofl & Villas,..); Xây dựng- sản xuất, hạ tầng- khu công nghiệp; Truyền thông- y tế- giáo dục (Đại học Quang Trung, Saint Luke). Trước đây, bà được nhắc đến nhiều nhất với vai trò là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á, nhưng hiện nay bà đã rút lui và chỉ đóng vai trò làm cố vấn HĐQT, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàn Cầu với 8 công ty thành viên. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của bà tại Nam Á Bank vẫn còn lớn.
Doanh nhân Đỗ Minh Phú, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Chủ tịch Tienphong Bank
Ông Đỗ Minh Phú, 64 tuổi, được biết đến chủ yếu với vài trò là Chủ tịch của Doji Group, một doanh nghiệp lớn chuyên về kinh doanh vàng bạc đá quý. Tại Doji Group, cá nhân ông Đỗ Minh Phú sở hữu 70% cổ phần, 30% còn lại được chia đều cho hai người con của ông Phú là bà Đỗ Vũ Phương Anh và ông Đỗ Minh Đức, cả hai đều là Phó TGĐ Doji Group.
Nhung doanh nhan “qua tuoi nghi huu” lop tre “duoi khong kip
Ông Đỗ Minh Phú và vợ trong tiệc mừng sinh nhật lần thứ 62. 
Doanh thu của Doji tăng trưởng mạnh kể từ năm 2007 khi mua lại 2 công ty vàng bạc, đá quý của SJC là SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng và biến chúng trở thành công ty con của Doji. Những động thái này giúp ông Phú nhanh chóng giành lấy vị trí dẫn đầu thị trường phân phối vàng miếng và đá quý ở miền Bắc và miền Trung, trên cả 2 kênh bán sỉ và bán lẻ (hơn 100 đại lý lớn).
Ông Đỗ Minh Phú còn đại diện Doji nắm 8% cổ phần tại TienphongBank, em trai ông là Đỗ Anh Tú cũng nắm 5% cổ phần Tienphong Bank. Hai người lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.
Ông Đỗ Minh Phú còn là Chủ tịch HĐQT Artex Saigon, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Mời quý độc giả xem video Top tỷ phú giàu nhất Việt Nam 2015 (nguồn Youtube):

Theo Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)