Người nổi tiếng quảng cáo mỹ phẩm TS group đối mặt bản án nặng nhất nào?

Google News

Khó xác định trách nhiệm đối với việc quảng cáo sản phẩm không đáng tin cậy của các đại sứ thương hiệu, người nổi tiếng vì pháp luật hiện nay không quy định rõ ràng vấn đề này.

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện kho mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của T'S Group trị giá 11 tỷ đồng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, dư luận dậy sóng khi các sản phẩm này đã được hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng trong showbiz Việt như Ốc Thanh Vân, Lã Thanh Huyền, Ngọc Hân, Huyền Lizzie... làm đại sứ thương hiệu trong thời gian dài.
PV có cuộc trao đổi với luật sư Lê Minh Hải, Trưởng văn phòng Luật sư Royal về trách nhiệm của những người nổi tiếng trong việc quảng bá các sản phẩm của TS Group.
- Theo quy định pháp luật hiện nay, những người là đại sứ thương hiệu, tham gia quảng cáo cho mỹ phẩm TS có phải chịu trách nhiệm gì đối với việc quảng cáo sản phẩm không đáng tin cậy hay không, thưa ông?
Quảng cáo sản phẩm không đáng tin cậy là một trong những hành vi quảng cáo gian dối, được quy định tại Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 (cụ thể là khoản 7 Điều 109) và Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 (khoản 9 Điều 8).
Nguoi noi tieng quang cao my pham TS group doi mat ban an nang nhat nao?
 
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, rất khó xác định trách nhiệm đối với việc quảng cáo sản phẩm không đáng tin cậy của các đại sứ thương hiệu bởi vì pháp luật hiện nay không quy định rõ ràng về vấn đề này.
Điểm mấu chốt để xác định trách nhiệm của họ như thế nào phụ thuộc vào yếu tố "biết hay không biết". Rõ ràng, phần lớn các đại sứ thương hiệu tham gia quảng cáo sản phẩm dựa trên hợp đồng dân sự, quyền và nghĩa vụ của họ được quy định cụ thể trong hợp đồng đối với công ty.
Tuy nhiên, việc xác định được nguồn gốc hàng hóa nằm ngoài khả năng của họ vì đơn giản, họ không phải là các chuyên gia. Thậm chí, có xuất trình đầy đủ các giấy tờ pháp lý chứng minh thì đại sứ thương hiệu cũng khó mà xác định được tính xác thực của những giấy tờ đó. Do đó, phần lớn trách nhiệm của họ là trách nhiệm phát sinh từ và/hoặc liên quan tới hợp đồng mà họ đã ký với doanh nghiệp (chứ hiếm khi liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật), tức là họ chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp về hình ảnh và hành vi quảng cáo của mình.
Vì vậy, trước sự việc này pháp luật phải có chế tài cụ thể để các “đại sứ thương hiệu” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về hình ảnh và hành vi của mình khi thực hiện quảng cáo.
- Xin ông chia sẻ quan điểm, khi một người nổi tiếng quảng cáo, làm đại diện, đại sứ hình ảnh cho nhãn hàng quảng cáo sản phẩm ra công chúng thì trách nhiệm cá nhân/trách nhiệm cộng đồng của họ trước công chúng như thế nào?
Hầu hết các đại sứ thương hiệu là những người nổi tiếng, sử dụng hình ảnh của bản thân để quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp nào đó ra công chúng. Tuy nhiên, để được gọi là “đại sứ thương hiệu” chuẩn mực, bên cạnh sự nổi tiếng theo đúng nghĩa (không có xì-căng-đan), họ phải trải nghiệm thực tế đối với sản phẩm mà họ định quảng cáo trước công chúng, và tất nhiên, những thông tin mà họ chia sẻ đối với công chúng phải là những thông tin đã qua kiểm chứng.
Mời độc giả xem clip "Nguồn gốc mỹ phẩm TS Group": (Nguồn VTV24)
Song trên thực tế có những sản phẩm họ thử nghiệm là một sản phẩm có tác dụng tốt nhưng khi phân phối ra thị trường đến người tiêu dùng thì lại là một sản phẩm khác, điều đó cũng khó có thể lường trước được. Rủi ro lớn nhất đối với họ sẽ bị công chúng lên án, tẩy chay hình ảnh. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ. Một giải pháp thường thấy hiện nay đối với các đại diện thương hiệu và đại sứ hình ảnh đó là đăng đàn xin lỗi công chúng. Tôi thiết nghĩ, pháp luật và dư luận xã hội cần chặt chẽ và nghiêm khắc hơn nữa để những người nổi tiếng thực sự có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước khi quyết định sử dụng hình ảnh của mình làm đại diện cho thương hiệu nào đó.
- Theo ông, nguyên nhân dẫn đến việc người nổi tiếng bị “rớt điểm” vì trót quảng bá sản phẩm dởm là gì?
Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng dù khách quan hay chủ quan thì trước khi quyết định sử dụng hình ảnh của mình trước công chúng họ phải biết được gì và mất gì rồi (thậm chí có thể bị “rớt điểm”). Người nổi tiếng thì có sức lan tỏa ghê gớm, nhất là thời đại công nghệ số như hiện nay. Chính vì vậy nếu quảng bá phải sản phẩm rởm, hàng giả thì hình ảnh, uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Vậy trước khi nhận lời quảng cáo sản phẩm, người nổi tiếng cần làm gì để tránh những tai tiếng như vụ quảng cáo và bán hàng cho TS vừa qua, thưa ông?
- Người ta thường nói, "sinh nghề, tử nghiệp". Nghề nào cũng vậy, muốn lâu dài phải có trách nhiệm với nghề. Tạo ra danh tiếng là một điều rất khó mà giữ gìn danh tiếng của mình lại càng khó khăn hơn.
Đại sứ thương hiệu thực ra không phải là nghề nghiệp chính của những người nổi tiếng nhưng là một công việc thường xuyên và mang lại cho người nổi tiếng về thu nhập, thậm chí là danh vọng. Nhưng đồng thời cũng có rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực mà công việc đó mang lại.
Để hạn chế được những rủi ro như vậy, khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp, họ cũng cần phải kiểm tra các thông tin về uy tín doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, phải đặt mình vào tâm thế của khách hàng, dùng và trải nghiệm sản phẩm, chia sẻ những tính năng thật sự của sản phẩm mà mình đại diện.
Hơn nữa, vấn đề mấu chốt và tiên quyết ở đây đó là các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, sản xuất và phân phối những sản phẩm đạt chất lượng như đã quảng cáo thì sẽ không có những hệ lụy tới người tiêu dùng cũng như các đại sứ hình ảnh của mình.
Theo Hương Giang/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)