Nghề mưu sinh nơi đáy biển

Google News

“Chén cơm, manh áo… tất cả đều dưới biển”. Đó là câu nói vui của những người làm nghề lặn biển đặt lọp bắt cá mú xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Vừa mưu sinh vừa vui thú cảnh biển
Một trưa cuối đông, chúng tôi có mặt trên chiếc xuồng nhỏ cùng cha con anh Bùi Văn Tư, ngụ xã Nam Du vượt biển mưu sinh. Chiếc tàu quá nhỏ so với đại dương mênh mông chở các vật dụng: Bình oxy, nước uống, mì gói bếp gas mini và thứ không thể thiếu là các chiếc lọp dùng để đặt cá mú.
Làn nước trong xanh màu ngọc bích của vùng biển Tây Nam vốn dịu nhẹ, êm đềm khác xa với màu nước biển xanh ngắt màu da trời của miền Trung thường làm cho người ta choáng gợp. Chắc vậy mà nhiều người khi đến đây đều rất thích màu nước biển. Khi chúng tôi đang còn ngắm nhìn trời biển bao la, thì anh Tư đã lặn xuống biển đặt lọp tự lúc nào. Trên tàu chỉ còn con của anh ngồi canh máy chạy oxy cho cha, để người lặn tránh gặp sự cố.
Nghe muu sinh noi day bien
Anh Bùi Văn Tư đang sửa lại các chiếc lọp chuẩn bị cho chuyến ra biển. 
Với nghề lặn biển đặt lọp bắt cá mú, người dân sẽ không tốn quá nhiều chi phí cho các dụng cụ hành nghề. Họ chỉ cần vài ba chục chiếc lọp tự chế, chiếc ghe hoặc xuồng nhỏ và ống oxy là đủ. Thế nhưng, bù lại để bắt được nhiều cá họ phải chịu khó thay đổi địa điểm, độ sâu để đặt chiếc lọp ít nhất cách mặt nước từ 5m trở xuống nên khi lặn người thợ sẽ bị áp suất nước là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất. Thời điểm để đặt lọp không quan trọng nhưng phải để qua một đêm, bởi theo những người thợ đặt lọp thì cá mú thường ăn vào ban đêm.
Lọp làm bằng tre, chung quanh bao bọc bằng các tấm lưới. Do đó, khi đăt lọp xuống đáy biển, ngư dân phải dùng tảng đá đè lên để chúng không bị nước cuốn trôi. Anh Bùi Văn Tư, người gắn bó với nghề lặn biển này hơn chục năm, chia sẻ: “Làm nghề này thường đối mặt với hiểm nguy luôn chực chờ. Đó là khi đang lặn bị kẹt ống thở oxy mà người đi cùng không kịp xử lý thì người lặn sẽ rất nguy hiểm. Tôi cũng hơn 2 lần bị như vậy nhưng may mắn vẫn bình an”.
Cũng theo anh Tư, “ngán” nhất khi đi đặt lọp một mình. Bởi, khi đó phải tự biết cân nhắc mức độ an toàn, phải tự kéo dây oxy và xử lý sự cố kẹt dây, máy hết oxy... Để theo nghề, phải chịu khó và có sức khỏe rất tốt mới lặn sâu và lâu được.
Vất vả, hiểm nguy, song những ngư dân này vẫn say mê theo nghề, bởi nó có thể giúp cải thiện đáng kể, cuộc sống gia đình do đồng vốn bỏ ra không lớn nhưng hiệu quả tương đối khá.
Điều khá thú vị là hầu hết những người làm nghề lặn biển đặt lọp bắt cá mú thường có tâm hồn khá lãng mạn. Họ thường bảo, khi lặn xuống biển, họ mới tìm được niềm vui, được ngắm những rạn san hô nhảy múa, từng đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội ngay trước mắt… Và ở đó, có một thế giới rất đẹp rất duyên với người lặn biển.
Cuộc sống mới cho những người cần lao
Ông Huỳnh Văn Lời - Bí thư Đảng ủy xã Nam Du, cho biết: “Nghề lặn biển đặt lọp bắt cá mú được nhiều người dân ở xã làm. Nhất là những năm gần đây khi mô hình nuôi cá lồng bè ở địa phương phát triển mạnh. Cá mú bắt được bán cho chủ nuôi cá lồng bè hoặc họ tự làm con giống. Do là con giống tự nhiên nên giá trị nó khá cao và rất được người nuôi ưa chuộng”.
Được biết, với mỗi con cá mú con dài chưa tới 10cm được bán với giá 50 đến 70 ngàn đồng. Ngoài cá mú con, cá mú lớn cũng chui vào lọp khá nhiều do bản tính háo ăn. Nhờ vậy, cứ bình quân một ngày những ngư dân này thu về trên dưới triệu đồng là chuyện bình thường. Hơn thế, nhiều ngư dân chịu khó từ nghề này vươn lên thoát nghèo, xây được nhà cửa tương đối khang trang, nuôi con ăn học nên người.
Đơn cử, gia đình anh Bùi Văn Tư, ngụ ấp An Phú, vốn là hộ nghèo, nhờ cần cù, chịu khó theo nghề, dần dần tích cóp đến nay đã xây ngôi nhà kiên cố. Anh Tư còn đầu tư vốn làm lồng bè nuôi cá mú và trong vụ vừa rồi anh xuất bán được cả trăm triệu đồng.
Không chỉ vậy, hiện anh Tư còn cùng con trai làm thêm nghề câu mực và đưa đò cho khách. Nghị lực, chịu khó đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn.
Rời xã đảo Nam Du, xa xa chúng tôi vẫn thấy nhiều ngư dân với bản tính chịu thương, chịu khó đang ngâm mình dưới lòng biển mẹ để mưu sinh. Bên tai vẫn nhớ lời anh Tư: “Anh lặn biển quen rồi, bỏ không được, nhớ lắm. Vị mặn chát của nước biển vậy chứ hay lắm đó em, hình như nó diệt khuẩn cho mình hay sao mà khi lặn đến nay anh chẳng bệnh tật gì hết”, khi chúng tôi hỏi anh có bỏ nghề không do nó khá nguy hiểm và cuộc sống gia đình anh giờ đã ổn định hơn nhiều.
Theo Trung Hiếu/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)