Nghệ An: Bí xanh 2.000 đồng/kg vẫn không ai mua

Google News

Giá bí xanh chỉ còn 2.000 đồng/kg nhưng cũng không có người thu mua khiến bà con nông dân xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An như đang ngồi trên đống lửa.

Những ngày này về thôn Lĩnh Hồng, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An đâu đâu cũng thấy cảnh người dân tấp nập ra đồng thu hái bí xanh. Đang vào vụ thu hoạch chính, dù bí xanh rớt giá xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua.
Bên ruộng bí trĩu quả, ông Nguyễn Văn Liên (70 tuổi) cùng đứa cháu nội gom từng xe bí về nhà để cất giữ. Ông Liên cho biết, nhiều năm liên tục thấy bí xanh được mùa được giá nên vụ xuân năm nay, gia đình ông trồng gần 2 sào bí. Có lúc giá bí đạt đỉnh 16.000 đồng/kg, lúc thấp nhất 4.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ 2.000 đồng/kg cũng không bán được.
"Lần đầu tiên trồng bí xanh lại rớt giá thảm hại. Nếu để ngoài đồng thì sợ mưa bão làm đổ nên gia đình phải cắt bí đem về nhà bảo quản, chờ thương lái đến thu mua", ông Liên ngậm ngùi.
 Ông Nguyễn Văn Liên bên ruộng bí trĩu quả - Ảnh: DOÃN HÒA
Niềm vui được mùa cũng không trọn vẹn với gia đình bà Trần Thị Thủy (57 tuổi) khi hơn 3 sào bí xanh với sản lượng đạt hơn 7 tấn đến thời điểm thu hoạch không bán được. "Bí" đầu ra, gia đình bà Thủy phải dành hẳn một gian nhà để cất giữ bí.
"Mấy năm trước người đến mua bí xanh rất nhiều nhưng năm nay các thương lái trong tỉnh và ngoài miền Bắc đều từ chối vì thị trường ngoài đó cũng xuống giá, khó tiêu thụ. Nếu bí để lâu không bán được thì rất dễ hỏng", bà Thủy thở dài.
Nóng ruột khi bí không có người mua, gia đình bà Thủy đành thu hoạch nhỏ giọt đưa đi các chợ trong vùng tiêu thụ nhưng số lượng cũng không đáng kể.
 Người dân xã Thanh Lĩnh thu hoạch bí về nhà cất giữ - Ảnh: DOÃN HÒA
Ông Nguyễn Văn Hồng - chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh - cho hay ở xã có khoảng 30 hộ dân chuyên độc canh cây bí trên diện tích khoảng gần 5ha nằm cạnh sông Lam, mỗi năm trồng 4 vụ, từng cho thu nhập ổn định khoảng từ 500 - 600 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, năm nay bí "được mùa, mất giá" nên người dân đã thu gom, biến nhà ở thành kho cất giữ chờ giá lên. Hiện tại có trên 20 hộ gia đình ở đây đang cất giữ từ 4-6 tấn bí/hộ, chưa kể lượng bí còn rất lớn ở ngoài ruộng.
"Bí  xanh rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, chắc chắn bà con sẽ phải chịu lỗ. Hiện nay, dù giá bí xuống thấp nhưng không có thương lái đến thu mua, lượng bí tồn đọng còn cả trăm tấn. Xã đang liên hệ một số siêu thị tìm thị trường tiêu thụ, giải cứu bí giúp bà còn", ông Hồng nói.
 Bí xanh rớt giá còn 2.000 đồng/kg vẫn ‘bí’ đầu ra - Ảnh: DOÃN HÒ.
Dân thất thu, nhiều nông sản rớt giá chờ "giải cứu"
Không riêng gì bí xanh, nhiều loại nông sản khác như cà, dưa chuột, dưa hấu… ở các vùng trồng rau của Nghệ An cũng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá khiến bà con nông dân thất thu.
Gần 30ha cà tím ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn đang trong thời kỳ thu hoạch 30 đến 40 tấn/ha nhưng bà con bỏ héo ngoài ruộng. Nếu như năm trước giá mỗi kg cà dao động từ 8.000-10.000 đồng thì đến nay giá rớt chỉ còn 700 đồng/kg.
Người dân xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) thất thu vì giá cà tím rớt thảm - Ảnh: DOÃN HÒA 

 Cà đến vụ thu hoạch nhưng rớt giá, khó tiêu thụ, người dân không mặn mà hái - Ảnh: DOÃN HÒA
Ông Hồ Mạnh Hùng - chủ tịch UBND xã Xuân Hòa - cho biết trung bình một sào cà tím, người dân phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng tiền giống và phân bón cộng với công sức chăm sóc gần 4 tháng để thu hoạch. Giá cà tím xuống rất nhanh khiến cho người nông dân bất an và lo lắng.
Tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, giá dưa chuột dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg nhưng vào chính vụ thu hoạch, giá giảm chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ.
Những ngày qua, các đoàn viên thanh niên huyện Diễn Châu cùng các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện đã tập trung về cánh đồng xã Diễn Lộc để "giải cứu" dưa chuột cho bà con.
Ông Lê Thế Hiếu - trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu - cho biết năm nay, toàn huyện trồng 30 ha dưa chuột vụ xuân hè. Dưa đạt năng suất cao, gần 2 tấn/sào, chất lượng an toàn nhưng khó tiêu thụ bởi hiện tại, các vùng rau phía Bắc cũng đang tập trung thu hoạch dưa chuột, dẫn đến việc hàng miền Trung bị tồn nhiều. Hiện xã đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp cùng các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Theo Doãn Hòa/Tuổi trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)