“Ngả mũ” cách quảng bá trái cây “vua” sầu riêng Malaysia

Google News

Bộ Nông nghiệp Malaysia đang nỗ lực để có thể xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang Trung Quốc trong vòng một năm tới.

Bộ trưởng chuyên của Malaysia Datuk Seri Ahmad Shabery Cheek đã kiến nghị Chính phủ xúc tiến việc phê chuẩn thủ tục thật nhanh để tận dụng tốt cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Quyết định này được đưa ra sau khi làn sóng người Trung Quốc ồ ạt mua sầu riêng Maylaysia, đặc biệt là loại sầu riêng Musang King tại lễ hội Sầu riêng Malaysia được tổ chức đầu tháng 11 vừa qua tại Nanning.
Malaysia nhắm đến thị trường Trung Quốc không phải là chuyện gần đây. Họ đã thấy tiềm năng của thị trường đông dân nhất thế giới này đối với mặt hàng tài nguyên bản địa của họ cách đây gần chục năm, âm thầm quảng bá loại quả này ra các thị trường trong khu vực, từ việc Thủ tướng Malaysia tặng 43 quả sầu riêng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến tổ chức một lễ hội sầu riêng vừa rồi.
 Sầu riêng Malaysia tại festival du lịch văn hóa sầu riêng quốc tế 2017. Trong ảnh là giống sầu riêng Musang King được ưa chuộng.
Cách mà Malaysia quảng bá trái cây thật bền vững. Họ không nhắm tới việc cạnh tranh về giá mà là cạnh tranh về chất lượng, dù sầu riêng không phải là sản phẩm duy nhất họ có (ngoài Việt Nam, Singapore, còn có Thái Lan, quốc gia đang đứng đầu xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc) nhưng luôn khẳng định và thể hiện sầu riêng của họ là ngon nhất.
Mà đúng là họ làm hay thiệt, trái nào trái nấy đều tăm tắp, vàng ươm, nhìn thiệt bắt mắt, luôn nhấn mạnh sự khác biệt là sầu riêng được thu hoạch chín cây.
Để khẳng định sầu riêng “high-tech”, tuần vừa rồi bộ Khoa học, công nghệ và đổi mới (MOSTI) của Malaysia thông báo áp dụng một loạt công nghệ cao như MyTrace, hệ thống phân tích dữ liệu (big data analytics) để truy xuất nguồn gốc và theo dõi xem khách hàng ưa thích sản phẩm ở khu vực nào để thiết kế các dịch vụ vận chuyển tốt hơn, và IoT để xây dựng làng thông minh (smart villages, smart-farming). Những nỗ lực này nhằm mục đích tăng 20% lượng sầu riêng xuất khẩu sangTrung Quốc.
… Ngẫm đến ta
Sầu riêng Malaysia được xếp là một trong những loại trái cây “vua” của vùng nhiệt đới. Ở nước ta, sầu riêng có 60 loại và chỉ cho quả ngon nhất nếu trồng ở Nam Bộ. Đặc biệt là sầu riêng của vùng đất phù sa Tây Nam Bộ. Bến Tre được mệnh danh là vùng đất vạn dừa, còn nổi tiếng sầu riêng Cái Mơn.
Sầu riêng Cái Mơn có cơm màu trắng hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt lép có mùi đặc trưng, cơm càng dày vị càng ngọt, càng béo đậm đà. Ăn vào có cảm giác như tan trong miệng. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển cây sầu riêng ở Việt Nam vẫn mang tính chất manh mún, tự phát và chưa có quy hoạch tổng thể, mạnh ai nấy làm và thường xuyên bị rơi vào tình huống “được mùa mất giá”.
Chín tháng đầu năm 2017, xuất khẩu quả – rau – hoa của Việt Nam đạt 2,62 tỉ USD, lớn hơn 2,2 tỉ USD của xuất khẩu dầu thô và 2,04 tỉ USD của xuất khẩu gạo. Như vậy, quả – rau – hoa đã trở thành một lợi thế cạnh tranh xuất khẩu quốc tế của Việt Nam.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM đã tuyên bố “cần cổ vũ xuất khẩu quả – rau – hoa, Việt Nam vươn tới mục tiêu 10 – 15 tỉ USD vào năm 2025”. Sát vách với Trung Quốc, có đường biên dài với quốc gia này. Tuy nhiên, chúng ta đã không hề tận dụng tốt thị trường này mà có khi còn ngược lại.
Xuất khẩu trái cây rau củ của Việt Nam sang Trung Quốc không phải là nhỏ nhưng lại khá bấp bênh, manh mún và thường qua đường tiểu ngạch. Việt Nam chưa có sự chủ động thâm nhập thị trường này mà đa số giao cho các thương lái Trung Quốc mua gom đầu mối, dẫn đến dễ bị thương lái “bỏ bom”. Số lượng các loại hoa quả vào được các siêu thị, kênh bán lẻ của Trung Quốc rất ít do muốn vào các kênh này phải đáp ứng các yêu cầu về quy trình sản xuất sạch, độ đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vậy từ nguồn du khách Trung Quốc thì sao? Mỗi năm số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam khá lớn, chiếm xấp xỉ 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam và đều tăng qua từng năm, điển hình năm nay còn tăng đến 50%. Nhưng vấn nạn “tour du lịch 0 đồng” của các công ty lữ hành Trung Quốc, Việt Nam hầu như chẳng kiếm được đồng nào từ những vị khách này, chứ đừng nói đến quảng bá các tài nguyên bản địa và nông sản của Việt Nam.
Phải làm gì?
Nâng cao chất lượng sản phẩm cho đạt chuẩn quốc tế. Muốn xuất khẩu nông sản bền vững không chỉ riêng tới thị trường Trung Quốc mà xa hơn là các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, chẳng còn cách nào hơn là phải theo luật chơi quốc tế, không thể “chạy”, “lo” lấy chứng nhận mà phải làm thực sự. Đấy cũng là lý do thôi thúc hội DN.HVNCLC phải làm cho được dự án “Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập”.
Cập nhật công nghệ. Ba hoạt động mà doanh nghiệp áp dụng công nghệ để cải tiến là: dây chuyền sản xuất, tiếp thị sản phẩm, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. Và còn vô vàn nguyên nhân mà doanh nghiệp chưa áp dụng hoặc áp dụng kém hiệu quả, như: (1) thiếu kỹ năng nghiệp vụ và nguồn thông tin để tìm kiếm công nghệ phù hợp; (2) không biết đánh giá công nghệ nên dễ bị mua hớ; (3) không chú trọng đầu tư, cải tiến, làm chủ công nghệ; (4) phòng IT không cập nhật thông tin về công nghệ mới, tiêu chuẩn mới.v.v.
Liên kết cùng quảng bá. Doanh nghiệp Việt khi tiến ra nước ngoài đa phần hoạt động riêng lẻ, thiếu sự liên kết cũng như cập nhật thông tin về thị trường bản địa. Tại các hội chợ quốc tế như Thaifex, doanh nghiệp thường tự đăng ký riêng lẻ, thiết kế, trang trí gian hàng còn sơ sài, chưa hiệu quả trong việc quảng bá.
Bên cạnh đó, thương hiệu quốc gia nhiều khi còn chưa được coi trọng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chạy theo lợi nhuận trước mắt làm ăn gian dối, bán phá giá làm hình ảnh sản phẩm và nông sản Việt bị đánh giá không tốt, ảnh hưởng đến cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo Ngân Giang/ Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)