Mặc bikini được khuyến mãi: "Chiêu" PR thiếu vải, thiếu cả tầm nhìn

Google News

Liên quan đến việc khai thác hình thể “mát mẻ” của chị em, thi thoảng mọi người lại thấy cơ quan quản lý nhà nước phải xuống tay xử phạt...

Thú thực, nhìn ảnh một số cô gái xinh xắn với áo 3 mảnh sắp hàng chờ đến lượt nhận ly trà sữa miễn phí mà không khỏi băn khoăn. Chúng ta chưa quen với cảnh này, nên khó chấp nhận. Thậm chí, thấy các thiếu nữ kia đáng thương, còn nhà hàng kia mới đáng bị xử lý nghiêm minh.
Liên quan đến việc khai thác hình thể “mát mẻ” của chị em, thi thoảng mọi người lại thấy cơ quan quản lý nhà nước phải xuống tay xử phạt...
Điển hình như vụ phạt 45 triệu đồng dành cho Công viên nước Đầm Sen đã để 4 cô gái trong trang phục thiếu vải nhảy khiêu dâm trước mắt hàng trăm trẻ em. Trước đó, một số nhà hàng, siêu thị (điển hình là điện máy Trần Anh) tại Hà Nội cũng từng bị phạt vì để nhân viên mặc bikini bưng đồ ăn, tiếp thị sản phẩm.
Mac bikini duoc khuyen mai: "Chieu" PR thieu vai, thieu ca tam nhin
Nhân viên mặc bikini bưng đồ ăn, tiếp thị sản phẩm. Ảnh: Internet 
Đấy là các thương hiệu “be bé”. Còn sự kiện gây ấn tượng mạnh với chiêu thức trên, phải kể đến việc hãng hàng không Viet Jet, từng bị phạt vì cho tiếp viên biểu diễn bikini trên máy bay, năm 2012.
Tóm lại, cách thức PR trên đều do các doanh nghiệp học bên Tây, vốn được coi là bình thường. Nhưng, ở ta, như đã phân tích, khó ai chấp nhận. Nếu con gái bạn trong cảnh áo quần thiếu vải, chỉ vì ly trà sữa mấy chục nghìn mà hạ thấp hình ảnh, chắc bạn sẽ vô cùng đau lòng.
Đến đây, có lẽ cần bàn một chút đến thực trạng PR ở Việt Nam. Rõ ràng, chúng ta chưa có ngành công nghiệp PR độc lập dù ngành này có lịch sử hơn 100 năm. Hoạt động truyền thông còn thuần túy tung tiền đăng các mục trên các trang báo nhằm quảng bá và thổi phồng thương hiệu, cùng cố gắng cải thiện quan hệ với giới báo chí. Hầu như các doanh nghiệp Việt Nam còn nhận thức sai lệch về hoạt động PR, nên đầu tư không thích đáng (hoặc mất nhiều tiền mà thiếu hiệu quả), trong khi đầu tư còn hời hợt vào việc xây dựng bộ phận nhân sự PR chuyên nghiệp.
Mặt khác, pháp luật Việt Nam chưa có một quy định và nguyên tắc cụ thể hướng dẫn các doanh nghiệp làm PR, trong khi pháp lệnh quảng cáo đã không kịp cập nhật. Thiếu một hành lang pháp lý cụ thể dẫn đến hoạt động PR trong nước hiện tại rất khó kiểm soát và chất lượng không cao, dù tốc độ sản sinh ra các công ty làm dịch vụ PR là phi mã.
Đấy là những rào cản, và có thể là những nguyên nhân chính khiến các thương hiệu Việt rất khó vươn ra được tầm thế giới. Trong khi đó, không ít Việt kiều đã xây dựng được thương hiệu Việt trên đất khách mà mọi người không khó kể ra.
***
Bạn đã từng nghe kể về câu chuyện kim cương vì sao trở thành biểu tượng cho quyền lực, giàu sang, tình yêu và hôn nhân vĩnh cửu, khi giá trị thật của nó chưa bằng một nửa số tiền đã mua. Năm 1938, Công ty De Beers tổ chức 1 chiến dịch PR nhằm kêu gọi cộng đồng mua kim cương nhiều hơn bằng việc gán kim cương với tình yêu và hôn nhân. Thông qua việc trả cát sê khổng lồ để các siêu sao Hollywood huyền thoại hóa kim cương và sử dụng truyền hình để quảng bá.
Thông điệp "Kim cương là mãi mãi" dần phổ biến, không chỉ ca ngợi kim cương vĩnh hằng như tình yêu, mà còn khiến mọi người không còn muốn đem kim cương đi bán lại cho ai nữa.
Vậy nên, chỉ một sự kiện mặc bikini được hưởng trà sữa miễn phí của một doanh nghiệp tí hon, đã cho thấy rất nhiều góc khuất trình độ PR của các doanh nghiệp trong nước, thiếu ý tưởng, thiếu đạo đức, thích chạy theo những xu hướng tầm thường, thay vì khát vọng tạo nên những giá trị “kim cương”.
Không tin, bạn hãy thử ngẫm xem các chiêu thức PR ở mọi lĩnh vực, nhất là showbiz.
Theo Hữu Quý/TT&VH

>> xem thêm

Bình luận(0)