Làng “đại gia” giữa đại ngàn

Google News

Chấp nhận nợ nần, người dân làng Rú thi nhau dựng những căn nhà gỗ hàng trăm triệu đồng. 

Với người dân nơi đây, nhà càng to, càng nhiều nóc là hoành tráng. Và rồi, những nếp nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu đang dần biến mất.
Đua nhau dựng nhà nhiều nóc
Tuyến đường dẫn lên vùng biên giới Việt - Lào đoạn qua huyện Tây Giang (Quảng Nam) nham nhở, sình lầy sau trận mưa rừng. Hoa mắt, mỏi gối sau hành trình dài vừa đi, vừa đẩy xe, nhưng nhiều người không khỏi choáng ngợp khi làng Rú dần hiện ra. Tiếng máy cưa, máy bào ầm ào vang cả góc rừng, mùi gỗ xá xị thơm nức trùm lên không gian làng.
 Ngôi nhà sàn với kiến trúc mới của Bí thư xã Raih Đưm. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nhà anh Alăng Ruôi ở gần cuối thôn đang được một nhóm thợ người Nam Định dựng. Nhóm thợ vào đây làm đã gần 2 năm nay, nhận làm hàng chục nhà cho người dân trong vùng. Nhà nào cũng từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng tiền công.
Anh Nguyễn Văn Hưng, một thợ mộc đang làm nhà cho Alăng Ruôi, nói: “Ở đây dân làng làm nhà toàn gỗ xịn. Dưới xuôi nằm mơ cũng không có”. Căn nhà của Ruôi nhóm thợ đang dựng toàn bằng gỗ xá xị, thứ gỗ quý, hương thơm nức. Hưng bảo: Xá xị là gỗ quý, chỉ cần có miếng gỗ xá xị trong nhà là đuổi được ruồi muỗi trừ được gió độc, tà khí.
Nhìn bộ khung nhà của Ruôi, thầm nghĩ: Nếu đúng xá xị có tác dụng như lời đồn thì ruồi muỗi trên này rồi sẽ sống ở đâu? Theo nhẩm tính của anh Hưng, riêng bộ khung gỗ xá xị của nhà Ruôi tiền gỗ giá tại rừng không thôi cũng 70 - 80 triệu đồng. Chưa kể tiền công, tiền vận chuyển. Căn nhà khi hoàn thành cũng ngót hơn 300 triệu đồng. Nếu đưa về xuôi thì phải tiền tỷ.
Nhóm thợ Nam Định đang làm nhà cho người dân làng Rú. 
Già làng Alăng Hướch, là họ hàng với Ruôi, được nhờ trông coi khi Ruôi xuống dưới xuôi có công chuyện. Già Hướch cười: “Nhằm nhò gì. Nhà nó mới có 3 nóc”. Hỏi kỹ mới hay, người đồng bào Cơ Tu ngày trước so ai giàu có là dựa vào số chum ché, cồng chiêng. Nay, dân làng Rú họ đếm nóc nhà để so bì.
“Làng đẹp nhưng ai cũng thiếu nợ. Người dân có tiền đền bù dựng nhà mới, nhiều nhà không có tiền thì vay mượn làm nhà cho bằng hàng xóm, cho vừa cái bụng. Họ nói phải có nhà ở, ổn định thì mới làm ăn được. Nhiều hộ nợ nần, không biết mai mốt lấy gì trả nợ” - ông Pơloong Năng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Ch’ơm, cho biết. 

 

Nhà của già làng Hướch cũng hoàn thành gần năm nay, 3 nóc. Thấy dân làng đua nhau làm nhà 5-6 nóc, già Hướch có vẻ tiếc nuối: “Mình làm trước đành chịu. Nhà làm sau, nhiều nóc hơn nhà mình rồi”.
Già Hướch cho hay: Căn nhà của già làm hết một tháng, chỉ tính riêng tiền xẻ gỗ đã là gần 20 triệu. Già Alăng Hướch trước đây làm trưởng công an xã, nghỉ hưu, ông nhận tiền chế độ được gần 90 triệu.
Con đường liên xã Axan - Gary được mở, ông nhận đền bù 100 triệu đồng nữa. Toàn bộ số tiền già dồn hết vào làm nhà 3 nóc, 7 người ở.
Tuy làm trước, nhà có 3 nóc nhưng già Hướch vẫn tâm đắc vì nhà dựng toàn bằng gỗ tùng đỏ, một loại gỗ còn quý hơn cả gỗ xá xị của nhà Ruôi kề bên. Dẫn khách tham quan nhà, già kể chuyện rất hào hứng về chuyện xẻ gỗ, xẻ ván làm nhà bởi vùng rừng trên đây gỗ quý còn nhiều.
Vợ và con Tơngôl Thư chưa vào nhà mới vì chưa quen mùi sơn dầu.
Dân làng chỉ cần bỏ tiền ra thuê người đốn hạ, thuê thợ xẻ rồi kéo về tận làng. Nhà rộng hoành tráng, nhưng bên trong vẫn nền đất, trống trơn. Hỏi già sao không lát gạch cho đẹp, già gãi đầu: “Hết sạch tiền rồi”.
To nhất, đẹp nhất phải kể đến căn nhà sàn, theo kiểu kiến trúc mới của Bí thư Đảng ủy xã ông Raih Đưm. Căn nhà to, hoành tráng, sơn PU bóng lộn, ngước nhìn ai cũng phải trầm trồ khen. Hôm đến thăm, ông Bí thư đi khỏi. Hỏi về chuyện làm nhà bà vợ ông dè chừng cho chồng. Bà chỉ bảo riêng tiền công thợ hết đúng 100 triệu đồng. Nhìn căn nhà bề thế, dân làng nhẩm tính phải gần nửa tỷ đồng.
Bà bảo: Làm nhà khỏe re. Có tiền, giao hết cho thợ làm, chủ nhà không phải đụng tay. Hỏi bà tiền đâu làm nhà to thế? Bà trả lời chặt khúc: Tiền đền bù. Tiền chế độ. Tiền vay.
Kề bên, nhà ông Bí thư là nhà của Tơngôl Thư cũng đẹp đẽ, hoành tráng. Gia đình Thư nhận được 30 triệu đồng tiền đền bù, nhưng vẫn quyết vay mượn ngân hàng chính sách, vay mượn bà con để dựng nhà cả trăm triệu đồng.
Vào nhà mới, nhưng vợ con Thư vẫn còn ở nhà cũ phía dưới. Vợ Thư cùng con ngồi hút thuốc lào bên hiên. Hỏi sao chưa vào nhà mới ở, chị vợ gãi đầu cười: “Chưa quen. Mùi sơn khó chịu lắm”. “Tiền đâu trả nợ”. Chị đáp trống trơn: “Không biết. Hỏi làm gì?”.
Vợ và con Tơngôl Thư chưa vào nhà mới vì chưa quen mùi sơn dầu
Thách thức bảo tồn
Những căn nhà mới dựng lên, chủ nhà giao hết cho đội thợ từ Nam Định vào làm từ thiết kế đến thi công. Chủ nhà chỉ nói giá, giao gỗ, thợ mặc sức làm. Mỗi nhà một kiểu, chẳng theo quy chuẩn nào.
Cách đây không lâu, thôn 2 (xã Tà Pơơ, Nam Giang, Quảng Nam) nổi tiếng với những biệt thự gỗ hàng tỷ đồng nhờ tiền đền bù thủy điện. Dân làng Rú không giàu như dân thôn 2 Tà Pơơ, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ hết tiền, vay mượn để có căn nhà hoành tráng không kém. Làng Rú hiện có 42 hộ thì quá nửa trong số đó đã dựng nhà. Những ngôi nhà na ná nhau về vẻ bề ngoài và bên trong trống hoác.
Một nhà gỗ đẹp như mơ tại làng Rú. 
Ở làng Rú, nay chỉ còn sót lại một căn nhà truyền thống nằm cô đơn lọt thỏm giữa ngổn ngang đất đá đang san ủi mặt bằng. Và nó rồi sẽ biến mất trong nay mai. Nhìn căn nhà lại nhớ đến câu chuyện về căn nhà dài từng chứa 150 nhân khẩu ở thôn Atu, được dân làng hò nhau dỡ, khiêng xuống tận trung tâm huyện để bảo tồn.
Có người nói: Nếu để lại làng hẳn những bếp lửa sẽ không bao giờ tắt. Nhưng cũng có người bảo: Nếu không mang về, liệu nó có được gìn giữ vẹn nguyên để trở thành ngôi nhà độc nhất vô nhị vùng cao hay không?
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, từng chia sẻ tại một hội thảo về bảo tồn nghệ thuật kiến trúc Cơ Tu tổ chức ở huyện Tây Giang, rằng: Nhà của người Cơ Tu bây giờ do người Bắc vào làm, kiến trúc mới đang bào mòn dần giá trị nghệ thuật truyền thống trong tạo hình, trong điêu khắc và xây dựng nhà ở người bản địa.
Rời làng Rú về xuôi, cứ ám ảnh trong đầu rằng, nay mai trở lại có còn mái nhà truyền thống của người Cơ Tu.
Theo tìm hiểu, người dân thôn Rú có được khoản tiền đền bù nhờ đường liên xã Axan – Gary. Người ít cũng hai ba chục triệu đồng, người nhiều lên đến trăm triệu đồng. Người có tiền đền bù làm nhà cũng dễ hiểu. Nhưng nhiều hộ gia đình không có tiền đền bù, cũng làm nhà theo phong trào: Dân làng làm được mình làm được. Vậy là đi vay. Vay người thân không được, vay ngân hàng chính sách. Dân thường vay, cán bộ xã cũng vay.
Một cán bộ xã Ch’ơm tâm sự rằng: Ở đây là thế, khi vay người ta nói vay để làm ăn, phát triển kinh tế. Có tiền họ làm nhà. Cán bộ khuyên, họ ầm ờ, nhưng rồi vẫn làm. Tiền họ nên đành chịu. Mình đâu có quyền.
Ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang khi nhắc đến nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu cũng ngậm ngùi: Văn hóa của người dân tộc Cơ Tu đang dần mai một, lai tạp là lẽ đương nhiên khi kinh tế phát triển, cái mới du nhập.
“Mình nói dân làm nhà sàn truyền thống dân có chịu nghe? Họ thấy lạ, đẹp, thích là làm. Người dân làm nhà là quyền của người ta, làm sao bắt dân ở trong những căn nhà lụp xụp, vài ba năm phải làm lại” - ông Liếc nói.
Cũng theo ông Liếc, điều quan trọng nhất là nét văn hóa làng của người dân tộc Cơ Tu vẫn còn, trái tim làng là ngôi nhà Gươl vẫn còn. Người dân vẫn sinh hoạt cộng đồng, nét văn hóa làng đặc trưng vốn có của người đồng bào Cơ Tu.
Huyện làm mặt bằng sạch đẹp, người dân làm nhà kiên cố lâu dài là điều tốt, đừng vội chê bai gì cả. Hãy nhìn dưới góc độ phát triển kinh tế, dân an cư rồi mới lạc nghiệp được.
Hôm chúng tôi rời làng Rú, một tốp thợ người Bắc mới đến ở, bắt đầu hì hục xẻ bào gỗ ở đầu làng. Một căn nhà mới nữa sẽ lại mọc lên, hoành tráng như những căn nhà kế bên.
Ám ảnh chúng tôi là tiếng thở dài của vợ Tơngôl Thư, ngồi bệt cùng ống điếu thuốc lào và đứa con nheo nhóc ngay trước căn nhà mới. Bảo tồn văn hóa, vẫn còn là dấu hỏi lớn trong câu chuyện phát triển kinh tế, thay đổi tập tục của người dân vùng biên.
Theo Nguyễn Thành/Tiền Phong

Bình luận(0)