Hái ra tiền nhờ máy bay cũ

Google News

Khi đã tới tuổi “nghỉ hưu”, nhiều máy bay hết hạn sử dụng được đưa đến một cơ sở xử lý ở hạt Gloucestershire nằm trong vùng nông thôn của Vương quốc Anh.

Những chiếc máy bay tuy đã tới tuổi “nghỉ hưu” nhưng vẫn còn các bộ phận có giá trị cao và đôi khi có thể tìm thấy một số tài sản của hành khách đánh rơi. Những chiếc máy bay hết hạn sử dụng được đưa tới khu nhà xưởng nằm giữa hai thị trấn Cirencester và Swindon, Vương quốc Anh.
Tại đây đang có 5 chiếc Jumbo Jets (Boeing 747), 2 chiếc Boeing 777, một số máy bay Airbus A320 và 20 máy bay chở khách lớn khác nằm rải rác trên một sân bay không quân cũ. Nhiều người thường nghĩ đây là bãi phế liệu nhưng thật ra điều đó là không đúng.
Hai ra tien nho may bay cu
Máy bay "quá hạn sử dụng" nằm rải rác trong sân. Ảnh: Richard Gray 
Những thứ này sẽ không phải là đống gỉ sắt bình thường, thay vào đó chúng là yếu tố quan trọng cho một ngành công nghiệp sử dụng và tái tạo những chiếc máy bay bị vứt bỏ. Mark Gregory, cựu kỹ sư của Dan Air đã sử dụng khoản tiền thôi việc của mình để thành lập công ty Air Salvage International chuyên về việc tháo dỡ các bộ phận trên những chiếc máy bay chở khách.
"Các động cơ và phụ tùng máy bay có giá trị hơn khi tháo ra và bán lẻ, chúng sẽ mất giá nếu chúng ta bán chung toàn bộ như một món đồ phế thải” ông Gregory nói. Công ty của ông đã hoạt động trong lĩnh vực này 20 năm qua tại sân bay Cotswolds, đây là một sân bay riêng gần Kemble thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng cho đến năm 1993.
Khoảng 50 đến 60 máy bay chở khách “hết hạn sử dụng” được đưa đến đây mỗi năm, khi máy bay được đưa đến Gregory, nhóm của ông Gregory bắt đầu tháo dỡ máy bay một cách tỉ mỉ.
Tuy máy bay đã đến tuổi “nghỉ hưu” nhưng các phụ tùng và động cơ vẫn còn khoảng 80 đến 90% giá trị; "Sau khi tháo dỡ máy bay xong, chúng tôi sẽ xem xét và tận dụng những phần có giá trị khác của khung máy bay”, ông Gregory cho biết.
Hai ra tien nho may bay cu-Hinh-2
Nhóm của ông Gregory xem xét các bộ phận để quyết định tái sử dụng hay loại bỏ. Ảnh: Richard Gray 
Quá trình tháo dỡ có thể mất khoảng 8 tuần đối với những chiếc máy bay thân hẹp như Boeing 737 hoặc Airbus A320, còn đối với những “người khổng lồ” như Boeing 747 hay 777 thì có thể mất từ 10 đến 15 tuần. Trước khi tháo dỡ bất cứ bộ phận nào của máy bay, nhóm của ông Gregory đều phải kiểm tra và chắc chắn rằng bộ phận đó đã được rút hết nhiên liệu.
Sau đó các động cơ, bộ phận bắt đầu được tháo dỡ bằng cần cẩu và được bơm chất bảo quản để chống bị gỉ. Ông Gregory nói: "Việc này giống như cách mà người ta ướp xác, chúng tôi bơm chất bảo quản để đẩy hết dầu và nhiên liệu ra ngoài nhằm bảo vệ các bộ phận, động cơ không bị ăn mòn”. Các bộ phận này sau đó được bọc bằng nhựa dẻo, bìa mềm trước khi được đưa đến một ngôi nhà mới.
Theo Gregory, mỗi động cơ của Boeing 777 20 tuổi có thể bán được khoảng 2,35 triệu bảng Anh (3 triệu USD). Những động cơ này có đơn đặt hàng nhiều và thường được tái sử dụng trên các máy bay mới hơn hoặc sẽ được các hãng hàng không mua về để thay thế khi cần.
Giá của các động cơ, bộ phận đã qua sử dụng này rẻ hơn so với các động cơ mới, giá của một động cơ mới cho chiếc Boeing 777 có thể lên đến 24 triệu bảng (30 triệu USD). Ngoài ra, các bộ phận có giá trị khác của khung máy bao gồm bánh đáp hạ cánh, bộ phận phụ trợ (tuabin ở mặt sau của máy bay), một số hệ thống điện tử, hệ thống điều hòa không khí và lối thoát hiểm cũng có thể được đem tái sử dụng.
"Sau khi đem tái sử dụng các bộ phận, động cơ, chúng tôi còn lại phần thân máy bay. Chúng tôi cũng có thể bán phần thân cho các trường đào tạo phi công, trường dạy sửa chữa để họ sử dụng. Thậm chí một chiếc dây an toàn cũng có thể bán được đến 20 bảng (25 USD), ngoài ra có những người còn muốn mua ghế ngồi và những cánh cửa trên máy bay”, ông Gregory cho biết.
Ngành công nghiệp hàng không đang phải đối mặt với một thách thức đó là làm thế nào để xử lý những chiếc máy bay đến tuổi “nghỉ hưu”. Tại Mỹ, có những nghĩa trang máy bay khổng lồ ở giữa sa mạc Arizona, nơi đây chứa hàng trăm, hàng ngàn máy bay và các khung máy bay cũ.
Một số thay đổi về các quy định an toàn và tiếng ồn cùng với việc gia tăng sản xuất của các nhà sản xuất máy bay đã khiến nhiều máy bay phải “nghỉ hưu non”. Hiện nay có khoảng 400 - 600 máy bay thương mại được tháo rời trên toàn thế giới mỗi năm, từ đó tạo ra những đống rác thải khổng lồ với khoảng 30.000 tấn nhôm, 1800 tấn hợp kim, 1000 tấn sợi carbon và 600 tấn các bộ phận khác được lấy ra khỏi máy bay cũ mỗi năm.
Việc này có thể trở nên tồi tệ hơn, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khoảng 18.000 chiếc máy bay có thể sẽ “nghỉ hưu” trong 13 năm tới. Năm ngoái, ICAO tuyên bố sẽ hợp tác với Aircraft Fleet Recycling Association để tăng khối lượng các bộ phận có thể tái sử dụng hoặc tái chế, Aircraft Fleet Recycling Association hi vọng sẽ có thể tái sử dụng 95% các bộ phận của máy bay “nghỉ hưu”.
Fang Liu, Tổng thư ký ICAO nói: "Tiêu thụ và sản xuất bền vững có nghĩa là không chỉ giảm sử dụng tài nguyên mà còn giảm rác thải trong suốt vòng đời của máy bay”.
Ông Gregory cũng đã tìm ra một cách để có thể tận dụng tối đa những chiếc máy bay đã nghỉ hưu, "Chúng tôi đã bán khung máy bay cho các viện bảo tàng, công viên giải trí và thậm chí các công ty điện ảnh. Chúng tôi thích cách mà nhà sản xuất Star Wars đã thực hiện, họ sử dụng rất nhiều mảnh vỡ từ máy bay và dùng một số giá treo máy bay để đẩy nhanh tốc độ ghi hình trong bộ phim gần đây nhất”, ông Gregory nói.
Các nhân viên và ông Gregory thường xuyên phát hiện ra đồ đạc của hành khách bị mất hoặc bị kẹt giữa các ghế. Một lần họ tìm thấy chiếc ví chứa 600 USD nằm dưới ghế cơ trưởng của một chiếc máy bay thuộc hãng hàng không New Zealand. Chủ nhân của chiếc ví đã rất hồi hộp và xúc động khi nhận lại ví của mình từ các nhân viên, anh cho biết mình đã làm mất nó gần 10 năm trước.
Ngoài ra, một số đồ đạc khác cũng được tìm thấy như smartphone, hàng hóa thất lạc. Sáu năm trước, nhóm của Gregory đã phát hiện ra một số đồ vật hình chữ nhật giống băng cát-xét được đóng gói cẩn thận. Nhóm của ông đã thông báo cho cảnh sát và bất ngờ khi biết những đồ vật đó thật ra là 3kg cocaine trị giá khoảng 300.000 bảng (385.000 USD).
Theo Quốc Bảo/ Công An TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)