Dịch vụ cho người cô đơn: Thị trường đang lên tại Trung Quốc

Google News

Một tầng lớp những người trẻ tuổi và cô độc tại các thành thị lớn của Trung Quốc đang mở ra những cơ hội kiếm tiền cho vô số dịch vụ, ngành hàng tại đất nước này.

Kelly Hui, một nhiếp ảnh gia 26 tuổi, chia sẻ một căn hộ 60 m2 ở Thâm Quyến nhưng hiếm khi nói chuyện với bạn cùng nhà của cô. Thay vào đó, Hui chìm đắm trong Tabikaeru, một trò chơi điện tử trên điện thoại thông minh. "Bạn đồng hành" của cô trong trò chơi là một con ếch ảo, Chú Ếch Du Lịch.
Tabikaeru đứng đầu danh sách các trò chơi mô phỏng được tải nhiều nhất trên Apple App Store tại Trung Quốc đại lục trong vài tháng qua. Trong hơn 10 triệu lượt tải xuống đối với trò chơi này trên toàn thế giới, người chơi Trung Quốc chiếm đến 95%.
Hui sẽ thu lượm cỏ bốn lá mọc trong khu vườn ảo để trang trải "chi phí" cho chuyến đi vòng quanh nước Nhật của chú ếch. Đổi lại, con vật ảo sẽ gửi về quà lưu niệm và ảnh chụp trên những chặng đường nó đi qua. Người chơi không thể điều khiển nơi con vật muốn đến.
"Tôi không có tin tức gì của nó trong 3 ngày. Khi tôi nhận được một bưu thiếp từ chú ếch, tôi đã bật khóc", Hui nói với South China Morning Post. "Nó giống như một người bạn thân thương với tôi".
"Nhiều lần (khác), tôi cảm thấy nó giống mình, độc lập và tự làm bất cứ điều gì tôi muốn".
Hui là đại diện cho một tầng lớp người tiêu dùng mới tại Trung Quốc: trẻ tuổi, có học, sẵn sàng tiêu tiền, nhưng là tiêu tiền một mình.
Tabikaeru, Chú Ếch Du Lịch, trò chơi Nhật Bản nhưng có lượng người chơi chủ yếu đến từ Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. 
Nền kinh tế của nỗi cô đơn 
Một báo cáo mang tên Nền kinh tế của Sự cô đơn công bố hồi tháng 1 cho biết "Thanh niên tổ rỗng" là một khái niệm đang lên trong nền kinh tế Trung Quốc. Khái niệm dùng để chỉ những người trẻ tuổi "thường là độc thân", "thuê một căn hộ" và "sống ở một thành phố xa với gia đình và người thân".
"Áp lực phải sinh tồn và thành công ở các thành phố lớn làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn của họ, họ tìm cách giải tỏa bằng việc chiều chuộng nỗi cô đơn và tiêu xài nó", báo cáo cho biết.
Báo cáo này là công trình hợp tác giữa Momo, một ứng dụng hẹn hò và là nhà điều hành nền tảng phát video lớn nhất Trung Quốc đại lục, với Xiaozhu, một ứng dụng chia sẻ nhà tương tự Airbnb.
Khoảng 67% trong số hơn 10.000 người tuổi dưới 47 được khảo sát năm 2017 nói rằng họ xem phim hoặc truyền hình để bớt cô đơn; hơn 49% chơi trò chơi trên điện thoại thông minh; 46% đi bar; 39% đến phòng tập gym và gần 25% nghe nhạc hoặc hát karaoke.
Dù không có thống kê chính thức về quy mô "nền kinh tế cô đơn" của Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp, từ các nhà hàng lẩu đến nhà sản xuất thiết bị giải trí, đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu của lối sống này.
Các quầy hát karaoke mini, nằm ẩn sâu trong các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, sân bay và thậm chí là cả ga tàu điện, đang mọc lên như nấm ở các thành phố của Trung Quốc trong 3 năm qua. Các quầy này, thường được trang bị máy điều hòa, 1-2 chiếc ghế và tai nghe, cũng tương tự những phòng karaoke thông thường nhưng nhỏ và thân thiện hơn.
Một buổi chiều chủ nhật, cô Zuo Yiran, khoảng 20 tuổi, quét mã QR để thanh toán 25 nhân dân tệ (khoảng 4 USD) rồi hát trong khoảng 15 phút ở một quầy karaoke như thế trong một siêu thị tại Bắc Kinh.
"Tôi chỉ định đi mua ít đồ ăn vặt", cô nói. "Bị quầy karaoke mini kích thích, tôi đã hát 8 bài. Chúng làm tôi đỡ chán trong một ngày mùa đông lạnh thế này".
Một quầy karaoke mini nằm trong một trung tâm mua sắm ở Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. 
Có ít nhất 20.000 quầy karaoke mini hoạt động trên khắp Trung Quốc đại lục với giá trị thị trường trong năm 2017 ước tính khoảng 3,18 tỷ nhân dân tệ (hơn 500 triệu USD), tăng 93% so với năm 2016. Báo cáo của hãng tư vấn iiMedia Research (trụ sở ở Quảng Châu) cũng dự đoán thị trường này sẽ tăng trưởng 120% trong năm nay.
Trong khi đó, Xiabu Xiabu là một chuỗi nhà hàng cung cấp "một người, một lẩu". Sản phẩm của Xiabu Xiabu đã chiến thắng nhiều nhà hàng truyền thống danh tiếng trong năm 2017 và chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng gấp 3 lần.
Thế hệ thích "một mình"
Sự phát triển của công nghệ cũng giúp những người độc thân dễ dàng tận hưởng cuộc sống của họ hơn. Việc chia sẻ phòng tập gym đã "nở rộ" ở các khu dân cư tại Bắc Kinh trong năm 2017. Người ta có thể tập gym trong một không gian 5 m2 với một chiếc máy chạy, màn hình tivi và máy làm sạch không khí, có thể chạy bộ trong lúc xem video hoặc nghe nhạc, cách ly với thế giới bên ngoài bằng cánh cửa kính.
Mark Greeven, chuyên gia về doanh nghiệp và cải tiến ở Đại học Chiết Giang, nói rằng công nghệ hỗ trợ việc tạo ra một tầng lớp thanh niên mới, khác biệt với cha mẹ họ.
"Chúng ta có thể thấy một hiện tượng, được hỗ trợ bởi công nghệ, nơi những thanh niên Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ thiên niên kỷ, tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân và những dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn thế hệ trước. Họ không khác gì những người đồng trang lứa ở các nước khác", ông nói.
Một thế hệ người tiêu dùng mới đang hình thành và tăng trưởng tại Trung Quốc, họ là những người có học, có tiền, nhưng tiêu tiền một mình. Ảnh: AFP. 
Người tiêu dùng Trung Quốc, vốn thường phải đối mặt với việc di chuyển mỏi mệt, công việc vất vả và sự cạnh tranh ở công sở, tìm kiếm sự an ủi trong các công nghệ giải trí. Chúng cho phép họ thoát ra khỏi thực tại hàng ngày nơi những cung cách truyền thống và mối quan hệ chi phối.
"Thật tuyệt là bạn có thể tự vui và không phải nói chuyện hay chịu đựng cơn ám ảnh với micro của những người khác. Nếu bạn muốn chia sẻ, bạn có thể thu lại bài hát và gửi đến bạn bè thông qua điện thoại thông minh", Zuo nói về quầy karaoke mini.
Cô đơn vì công nghệ hay xã hội?
"Tuy nhiên, tôi sẽ lập luận rằng công nghệ đang thúc đẩy nỗi cô đơn thay vì hỗ trợ người tiêu dùng Trung Quốc nâng niu nó", ông Greeven nói. "Có nhiều bằng chứng cho thấy thanh niên thay vì ra ngoài chơi với bạn bè, hẹn hò, làm việc, đi đây đi đó thì lại muốn ngồi ôm điện thoại".
"Tôi không phản đối công nghệ, nó là một trong những kỳ quan của xã hội chúng ta nhưng bản chất hơi gây nghiện của một số mạng xã hội và việc nhiều 'ông lớn' công nghệ kiểm soát các dòng thông tin khiến tôi lo lắng về hệ quả xã hội lâu dài của chúng".
Hu Xingdou, một nhà nghiên cứu kinh tế - chính trị tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định: "Nền kinh tế cô đơn ở Trung Quốc được dự báo sẽ lớn hơn cả Nhật Bản, nơi mà nỗi cô đơn rất phổ biến và đất nước đang gặp phải vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng trong lúc các mối quan hệ cá nhân ngày càng bị cô lập".
Các nhà quan sát cho rằng công nghệ và thiết chế xã hội đang làm trầm trọng thêm nỗi cô đơn của tầng lớp thanh niên thành thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. 
Trong quá trình đô thị hóa như "vũ bão", hàng trăm triệu người nhập cư đã đổ về các thành phố lớn của Trung Quốc. Sự cạnh tranh khốc liệt để theo đuổi thành công đồng nghĩa với việc họ sẽ đối mặt với những căng thẳng nghiêm trọng. Đôi khi họ còn gặp phải một hệ thống bất công.
Theo Phương Thảo/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)