“Đeo vòng” cho heo, chủ trại bị… đá vào mặt

Google News

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai phản ánh, các thao tác “đeo vòng” cho heo khá nguy hiểm, đã có người bị heo… đá vào mặt...

Sáng 17/3, gần 100 trang trại chăn nuôi heo tại Đồng Nai đã có buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc thịt heo với Sở NNPTNT, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.
Bà Bùi Thị Thủy - chủ trang trại heo ở Tân Hòa (Biên Hòa - Đồng Nai) cho biết, con heo từ trang trại đã được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm dịch, đến khi vận chuyển lên TP.HCM phải kiểm qua qua nhiều chốt, đến lò mổ phải lăn cả đống con dấu của cơ quan chức năng. Chưa kể trước đó, trong quá trình chăn nuôi, cơ quan thú y và Hiệp hội cũng theo dõi sát sao.
“Deo vong” cho heo, chu trai bi… da vao mat
Một trại nuôi heo tập trung tại Đồng Nai. 
Đến nay, cơ quan chức năng lại yêu cầu thêm việc “đeo vòng cho heo” khiến việc chăn nuôi càng thêm… rắc rối. Chưa kể, với những trang trại lớn, việc đeo vòng cho heo một cách thủ công rất nguy hiểm. Đã xảy ra việc người đeo vòng vào hai chân sau của heo đã bị đá vào mặt, gây thương tích.
Theo bà Thủy, chi phí mua vòng 6.000 đồng/vòng, chi phí đeo thuê người đeo là 10.000 đồng/con, như vậy mỗi con heo 16.000 đồng/con. Nếu trang trại nuôi 1.000 heo thịt thì số tiền mua vòng đã lên đến 16 triệu đồng.
“Con số này không hề nhỏ trong lúc người nuôi heo đang lỗ, chờ chực phá sản. Áp dụng đeo vòng truy xuất kiểu này chẳng khác nào “đá vào mặt” nông dân”, bà Thủy nói.
Trong khi đó, nhiều thương lái tại Đồng Nai cho rằng, đeo vòng này chưa chắc đã truy xuất nguồn gốc được vì chỉ đeo vòng ở chân. Hơn nữa, nhiều cơ sở gom heo từ nhiều người nuôi rồi mới đeo vòng để đưa về TP.HCM bán.
Trả lời thắc mắc của các chủ trang trại, ông Nguyễn Nguyên Phương - Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, Kinh phí sắp tới các hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ được hỗ trợ 50%. Tới đây việc đeo vòng sẽ do chủ trại chứ không phải thực hiện qua thương lái. Tiếp theo đó, các trại nuôi còn phải làm quen dần với việc truy xuất sâu hơn là từ con giống, quá trình chăn nuôi, tiêm phòng…
Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Đồng Nai, cũng cho biết, việc đeo vòng vào chân sau heo tưởng đơn giản nhưng trên thực tế khá phức tạp, khó hơn cả việc… lấy nước tiểu.
Trong khi đó, thương lái thường mua gom từ nhiều nơi, việc đeo vòng diễn ra chỉ… “lấy lệ” nên việc truy xuất nguồn gốc gần như không có tác dụng. Do đó, ông Quang đề xuất “tích hợp” vòng truy xuất nguồn gốc này vào “thẻ tai” của heo.
Theo ông Phương, với diễn biến thị trường hiện nay giá heo rớt khiến chi phí đeo vòng thêm gánh nặng, nhưng khi giá heo ổn định, người nuôi có lời sẽ thấy chi phí này không đáng kể. Về lâu dài, khi sản phẩm được kiểm soát tốt, thương hiệu sản phẩm được tạo lập, giá trị sẽ được nâng lên.
“Sẽ không có chuyện ngưng áp dụng đeo vòng truy xuất cho heo…” ông Phương khẳng định.
Theo Thuận Hải/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)