Chuyện hiếm 1 thập kỷ: Dân đầu cơ quá ngán vàng với USD

Google News

Tỷ giá ổn định, thị trường vàng gần như lặng sóng, GDP tăng cao chưa từng thấy. Đây là những diễn biến tích cực hiếm có trong khoảng 1 thập kỷ qua. 

Điều này đã khiến cho dân đầu cơ mất đất sống, những khái niệm thổi giá, tạo sóng... đã gần như biến mất. Tuy nhiên, vẫn có những cảnh báo khiến nhà điều hành phải thận trọng và vững tay nhất là khi giá dầu đã tăng trở lại.
Diễn biến chưa từng có
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo tổng hợp hoạt động ngành ngân hàng trong những tháng đầu 2018 với khá nhiều các tín hiệu khả quan. Nổi bật nhất là tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản ngân hàng được đảm bảo.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt.
Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11% trung hạn và 4-5% đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao.
 
Tỷ giá ổn định, tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,6% từ mức 22.425 đồng/USD lên 22.562 đồng như hiện tại. Tỷ giá ở các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do chỉ tăng khoảng 0,53% trong hơn 5 tháng qua.
Nhờ tỷ giá ổn định và xuất khẩu tăng mạnh, NHNN đã mua được lượng ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục. Tính tới đầu tháng 5 đã đạt trên 63 tỷ USD, gấp 2 lần so vối thời điểm cách đây 2 năm.
Tính trong 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng 6,16% lên 6,7 triệu tỷ đồng (294 tỷ USD). Điều đáng nói là, cơ cấu tín dụng có xu hướng bền vững hơn: dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất trong khi NHNN kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay BĐS, chứng khoán, tiêu dùng… Tới cuối 5/2018, dư nợ tín dụng cho vay nông lâm tăng 6,8%, cho vay công nghiệp - xây dựng tăng 6,83%, cho vay dịch vụ thương mại tăng 5,7%,...
Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn biến khá tốt. Sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tới cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm 2,18% tổng dư nợ. Lũy kế từ 15/8/2017 (khi Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 ngàn tỷ đồng (4,4 tỷ US) nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Thị trường vàng trong khi đó tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Trong 5 tháng đầu năm, gần như không có 1 đợt tăng giảm sốt nóng lạnh nào. Sức cầu đối với vàng miếng giảm, trong khi vàng trang sức tăng đều.
Trong quý 1/2018, nền kinh tế chứng kiến một diễn biến thuận lợi chưa từng có trong thập kỷ qua: GDP tăng 7,38%, cao hơn nhiều so với mức 4,5%-6% trong quý 1 của các năm trước đó nhờ đà tăng trưởng mạnh trước đó và các diễn biến từ khối FDI.
Những kết quả vĩ mô tích cực, nhờ vào các CSTT, tài khóa và chính sách vĩ mô là cơ sở khiến hàng loạt các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ANZ… đưa ra dự báo cao hơn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018. Trong đó, ANZ cho rằng tăng trưởng Việt Nam 2018 ở mức 6,8%, cao hơn mục tiêu 6,7% của Chính phủ và lạm phát ở mức 3,6%, thấp hơn mục tiêu 4%.
Thận trọng và vững tay
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực hiếm có trong khoảng 1 thập kỷ qua nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với khá nhiều cảnh báo ở phía trước khiến các nhà làm chính sách thận trọng và phải vững tay điều hành hơn.
 
Theo báo cáo "Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á" do Oxford Economics soạn thảo, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ có nhiều thách thức hơn 2017.
Theo đó, mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến kịch bản chiến tranh thương mại theo "tình huống xấu" và kinh tế Việt Nam sẽ chịu các tác động tiêu cực. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ giảm. Và sức cầu trong nước chỉ có thể phần nào bù đắp sự giảm sút của sức cầu ngoài nước.
Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ, nhưng nhập siêu nguyên liệu từ Trung Quốc.
Theo bà Sian Fenner, sức cầu trong nước được dự báo tăng cao (vốn dựa trên FDI và chi tiêu tiêu dùng, cùng CSTT nới lỏng) có thể phần nào bù đáp cho tăng trưởng xuất khẩu giảm.
Tuy nhiên, một đồng USD tăng giá mạnh, giá dầu tăng cao và tình trạng lạm phát bùng nổ ở nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Venezuela… khiến các nhà tạo lập CST T phải thận trọng.
Trong những ngày gần đây, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó có tình trạng thiếu hụt tài chính và sự bất ổn định của đồng tiền nội địa.
Trong khi đó, Malaysia cũng đã chứng kiến một đợt tháo chạy chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998. Chỉ trong vài ngày, TTCK Malaysia mất sạch toàn bộ lượng vốn nước ngoài đổ vào trong năm 2018.
Trong phiên họp 12/6, gần như chắc chắn Mỹ sẽ tăng lãi suất và có thể còn đẩy mạnh tốc độ tăng trong thời gian tới. Nó khiến đồng USD tăng giá và gây áp lực hút dòng tiền từ các thị trường mới nổi về Mỹ.
Theo PSG.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã và đang có những thay đổi căn bản, với việc tập trung nhiều hơn vào những vấn đề dài hạn. Tuy nhiên, tình trạng manh mún của nền kinh tế vẫn còn thì Việt Nam khó lòng bứt phá đi lên. Bên cạnh đó, theo ông Thiên, hiện nay việc lựa chọn FDI vẫn theo tư duy ngắn hạn nên công nghệ thấp vào nhiều.
Một mối lo nữa, theo ông Trần Đình Thiên, là giá dầu thô tăng cao. Theo đó, giá dầu thô tăng lên sẽ tác động đến lạm phát và qua đó tác động toàn diện đến nền kinh tế. Theo bà Sian Fenner, nếu Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt Iran, giá dầu thô có thể tăng lên tới 100 USD/thùng, ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, để kiểm soát lạm phát tăng vọt giống như đa số các nền kinh tế mới nổi khác, Chính phủ có thể phải thận trọng hơn.
NHNN cho biết từ giờ tới cuối 2018 sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoản và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. NHNN cũng cho biết sẽ kiểm soát dòng vốn giảm vào chứng khoán, bất động sản, BOT, BT…
Theo M. Hà/VNN

>> xem thêm

Bình luận(0)