Cây tỷ đô của Việt Nam sẽ mất vị trí dẫn đầu?

Google News

Thời tiết, dịch bệnh, khả năng vươn lên ở các vùng nguyên liệu thế giới đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành điều trong nước.

Đó là nhận định được nhiều doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo phát triển ngành điều bền vững mở rộng năm 2017 do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay (1.6) tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Duy Tuân - Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An Lafooco, cho rằng rõ ràng năng lực chế biến điều của ta đã vượt xa khả năng trồng trọt. Nhưng năng lực này còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập điều thô.
“Nếu không sớm tập trung theo hướng sản xuất bền vững, đảm bảo năng suất của nguồn nguyên liệu thì lợi thế sẽ chuyển sang các nước khác”- ông Tuân cảnh báo.
Cay ty do cua Viet Nam se mat vi tri dan dau?
Vườn điều trong nước cần thâm canh, cải tạo để nâng cao năng suất 
Ông Tuân lấy ví dụ như nguyên liệu điều thô ở châu Phi đưa về Việt Nam chế biến, xong lại xuất qua châu Âu. Trong khi nếu châu Phi đi trực tiếp thì khoảng cách sẽ gần hơn. Hay như Campuchia có khí hậu, thổ nhưỡng cũng tương tự Việt Nam trong khi thị trường của nước này cũng khá ổn.
“Với diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng chỉ chiếm 9% sản lượng điều thế giới thì quá nhỏ. Phải tăng lên 20% mới thì ngành điều mới bền vững và doanh nghiệp được lợi. Điều này có cơ sở vì trồng điều thâm canh có thể đạt 3 – 4 tấn/ha nhưng chưa đồng đều”, ông Tuân nói.
Bổ sung quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc nghiên cứu phát triển Tập đoàn Pan cho rằng hệ lụy từ việc giảm năng suất vụ vừa rồi tiềm ẩn nhiều rủi ro đến lợi thế dẫn đầu, nếu ta không sớm khắc phục.
Ông Trung Anh nói: “Một là cần đẩy mạnh thâm canh, cải thiện kỹ thuật để nâng cao năng suất vì cây trổ bông không đồng loạt ở nhiều vùng canh tác, nên khó làm tập trung. Hai là nhiều nơi, bà con không tỉa cành tạo tán, nhiều cây điều thậm chí cao 20m khó phun xịt thuốc và thu hái”.
Cải thiện giống điều cũng là vấn đề quan trọng nhận được nhiều ý kiến mổ xẻ. Cũng theo ông Trung Anh, nhiều vùng điều trồng từ hạt, khi đưa hạt thu hoạch vào chế biến thì không đồng đều làm khó cho dây chuyền sản xuất, tỷ lệ thu hồi điều nhân không cao. Thậm chí, điều nhập có chất lượng đang cao hơn nước ta, giá bán cũng tốt hơn.
Chia sẻ các ý kiến đưa ra, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết cần sớm nghiên cứu các gói kỹ thuật thâm canh thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động cảnh báo sớm sâu bệnh để phòng trừ.
Điều là ngành triển vọng nên cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Khâu chế biến đang rất tốt, nhưng liên kết canh tác theo chuỗi còn chưa chặt chẽ. “Hiệp hội điều có vai trò quan trọng trong vấn đề này. Cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với địa phương, tăng thâm canh cải tạo vườn điều, đồng thời tập trung vào công tác giống”, thứ trưởng cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2016 thì năm 2017, năng suất điều tỉnh Bình Phước giảm 2,09 tạ/ha (giảm 17,41%), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,8 tạ/ha (giảm 15,13%), tỉnh Đồng Nai có 19.647 ha thì 51% diện tích điều giảm năng suất, tỉnh Lâm Đồng giảm trên 50 % năng suất.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2016, lượng hạt điều nguyên liệu đưa vào chế biến 1,50 triệu tấn, trong đó nhập khẩu 1.025.000 tấn, mua trong nước 475.000 tấn, chiếm 31,67% nguyên liệu sản xuất của cả năm. Năm 2017, sản lượng đạt 252.038 tấn, giảm 51.860 tấn (giảm 17,07%) so năm 2016.
Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá hạt điều đứng ở mức cao từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. 4 tháng đầu năm 2017 đã xuất khẩu được 79 ngàn tấn, kim ngạch đạt 735 triệu USD, đạt 86,9% về lượng và 107,0% về giá trị so cùng kỳ năm trước.
Theo Nguyên Vỹ/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)