Cây cảnh “độc” vùng Đồng Tháp Mười

Google News

Góp mặt vào thị trường hoa kiểng Tết Nguyên đán hàng năm có mặt hàng dứa phụng – cây cảnh độc đáo xuất xứ từ Thạnh Mỹ, Đồng Tháp Mười. 

Một trong những cây cảnh độc đáo trong dịp Tết nguyên đán hàng năm là dứa phụng. Dứa phụng tương tự như các giống dứa Queen, dứa Cayen được trồng phổ biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu ở huyện Tân Phước. Có khác ở chỗ trái dứa phụng gồm một thân chính to gấp đôi trái dứa thường và nhiều trái nhỏ xung quanh mà người dân gọi là trái đeo. Nhìn trái dứa phụng làm người ta mường tượng hình ảnh chim công, chim phụng với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Trái càng to, có nhiều trái đeo quanh mình càng đẹp và có giá trị. Loại dứa này là dứa cảnh, chỉ để chưng trong mấy ngày Tết, không ăn được.
Theo người dân sở tại cho biết, trước đây, một vài nông dân trồng dăm gốc dứa phụng quanh nhà cho đẹp tươi trong ba ngày Tết ở quê. Cây giống có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhận thấy dứa phụng đẹp, thích hợp với thổ nhưỡng Đồng Tháp Mười đồng thời có giá trị kinh tế cao, được thị trường hoa kiểng tết ưa chuộng, nông dân Thạnh Mỹ đã ương, nhân giống trồng và bán rộng rãi. Đi tiên phong có các ông Hà Văn Bảy, Nguyễn Hữu Soi, Cao Văn Sáng… Năm nào cũng vậy, mỗi người trồng từ 1.000 đến 2.000 gốc dứa phụng bán Tết.
Thông thường, dứa phụng trồng từ 12 đến 18 tháng đã có thể xử lý để cho trái. Ông Nguyễn Hữu Soi, cư ngụ tại ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ có thâm niên nhiều năm trồng dứa phụng cho biết, trung tuần tháng 8 Âm lịch nông dân xử lý, chăm sóc để thu hoạch bán vào dịp Tết.
Ông Hà Văn Bảy, nông dân chuyên trồng dứa phụng cho biết, Tết Đinh Dậu, ông trồng được khoảng 1.500 gốc. Theo đánh giá, trà dứa phụng rất tốt, cho trái đẹp và to, hình dáng rất bắt mắt. Hiện nay, nhiều thương lái đã đến tìm hiểu, đặt mua nhưng nhiều hộ nông dân chưa chốt giá bán. Trong vườn của ông Bảy, có mấy cặp dứa phụng tốt nhất đã có người đặt trước với giá 400.000 đồng/ cặp.
Cay canh “doc” vung Dong Thap Muoi
Ông Hà Văn Bảy – người đi tiên phong trong nghề trồng dứa Phụng ở Thạnh Mỹ, Tân Phước. 
Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Mỹ đồng thời cũng là nông dân trồng dứa phụng cho biết, năm trước, ông từng bán dứa phụng với giá kỷ lục là 1 triệu đồng/cặp. Còn nhìn chung, trà dứa phụng năm nay đồng đều, kiểu dáng đẹp, hứa hẹn thị trường hoa cảnh tết rất ưa chuộng.
Ông Nguyễn Hữu Soi, nông dân trồng dứa phụng ở ấp Mỹ Lộc, Thạnh Mỹ cho biết, gia đình ông đang trồng gần 2.000 gốc trong đó khoảng 80% đạt chất lượng, kiểu dáng. Theo ông Soi đánh giá, nông dân trồng dứa phụng Tết Đinh Dậu đều đạt yêu cầu, dứa phụng cho trái chất lượng. Đây được xem là thắng lợi bởi dứa phụng lệ thuộc rất lớn vào thổ nhưỡng, đất đai đồng thời giống tốt luôn khan hiếm. Đó là lý do khó mở rộng diện tích vùng trồng dứa phụng mặc dù nhu cầu thị trường tết luôn lớn.
Phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu, nông dân Thạnh Mỹ trồng được khoảng 5.000 đến 6.000 gốc dứa phụng. Là cây cảnh độc, lạ của vùng Đồng Tháp Mười, cứ vào dịp trung tuần tháng 12 Âm lịch, thương lái từ các nơi đổ vào đây, tìm hiểu, đánh giá trà dứa và đặt hàng trước để khoảng 23 Âm lịch, khi đến ngày đưa ông Táo, ông Công về trời thu hoạch, đưa xuống tàu hoặc lên xe chở đi tiêu thụ khắp các nơi mang theo hương xuân của vùng Đồng Tháp Mười nhiều nắng gió, đầy thử thách một thời đang trên đường vươn lên giàu đẹp nhờ phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động để làm giàu.
Cây dứa phụng nhiều năm nay góp phần rất lớn vào việc cải thiện và nâng cao thu nhập, giúp người dân vùng đất khó ổn định cuộc sống một cách căn cơ. Các nông dân chuyên trồng dứa phụng mỗi năm thu hoạch từ 10 - 30 triệu đồng, tùy theo số lượng cây dứa phụng cung ứng thị trường, đủ ăn một cái Tết tươm tất và sung túc, đầy đủ. Rõ ràng, cây dứa phụng - mặt hàng hoa cảnh độc đáo của Đồng Tháp Mười đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân vùng đất mới hôm nay.
Theo Minh Trí/TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)