Cảnh đời éo le của tỷ phú có tấm lòng vàng

Google News

(Kiến Thức) - Có những lúc trong túi không còn đến 1.000 đồng, bà Luyện Thị Măng vẫn lặn lội khắp nơi tìm lối thoát cho kinh tế gia đình.

Bà Măng đang hướng dẫn các em khuyết tật làm việc. 
Có những lúc trong túi không còn đến 1.000 đồng, bà Măng vẫn lặn lội khắp nơi tìm lối thoát cho kinh tế gia đình. Nhưng chính những năm tháng nhọc nhằn đó đã giúp cho bà có được sự cảm thông, giúp đỡ những số phận không may mắn. Bà là tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ biết vượt khó và có tấm lòng vàng.
Bà Luyện Thị Măng, sinh năm 1950, xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên trong một gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Chồng bà sau khi tham gia chiến trường trở về với thương tật nặng 3/4, đau ốm triền miên. Lại thêm bốn đứa con nhỏ chỉ trông chờ vào một tay bà nuôi dưỡng. Cuộc sống khổ cực lại càng thêm khó khăn khi vào năm 2000 người con trai út phải phẫu thuật van tim với số tiền lên đến 150 triệu đồng. Để cứu con, bà đành phải bán đất, bán nhà.
Không còn nhà cửa, công việc cũng không, bà dựng một túp lều nhỏ cạnh một cái ao trong làng để ngày ngày chồng sửa xe đạp. Sức khoẻ con trai hồi phục, bà mở cho con hiệu cắt tóc. Bản thân bà tần tảo với hơn 1 mẫu ruộng. Thấy hoàn cảnh éo le của gia đình bà, chính quyền địa phương cấp cho gia đình bà 100 m2 đất ở rìa làng và tạo điều kiện được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội với số tiền là 50 triệu đồng. 
Bà quyết định dùng số vốn ít ỏi đó vào việc đầu tư cho hai con trai đầu của mình đi học nghề khảm bạc và mở cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ngay tại mảnh đất được cấp. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm nên hàng hỏng thường xuyên. Bà động viên các con tìm cách khắc phục. Một mình bà miệt mài đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh để tìm chỗ tiêu thụ cũng như thuyết phục những người có tay nghề về giúp đỡ cho các con của mình. 
Trời không phụ lòng người, chỉ sau một năm cơ sở sản xuất của gia đình bà đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút được gần 40 lao động. Đến nay, cơ sở của bà có gần 100 công nhân tới làm việc, tổng số vốn sản xuất khoảng 350 triệu đồng, doanh thu một tháng đạt 100 triệu đồng, một năm thu được từ 1 - 1,2 tỷ đồng.
Do xuất phát từ cuộc sống khó khăn nên bà Măng rất thông cảm với những cảnh đời éo le, bất hạnh. Bà tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm ngay tại chính cơ sở của mình. Hiện nay, 2/3 nhân công trong cơ sở của bà hầu hết là người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, cơ nhỡ, người già từ 60 - 70 tuổi, học sinh tranh thủ trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, dịp hè... Những người ở xa cơ sở sản xuất sẽ nuôi ăn nghỉ và lương tháng từ 2,5 - 3 triệu đồng. Cuối năm bà cho xe chở công nhân về tận nhà bàn giao lương cho bố, mẹ họ. 
Tính đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình bà đã giúp đỡ tạo công ăn việc làm và dạy nghề cho hơn 100 lượt các em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Với cách làm việc hiệu quả và tấm lòng của mình, bà Luyện Thị Măng nhiều năm liền được cấp trên biểu dương, khen thưởng; gia đình bà được địa phương bầu là gia đình văn hóa. Năm 2010, bà được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích phụ nữ vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Bùi Quang Kha

Bình luận(0)