Cảnh báo: Những chiêu "lừa đảo" tinh vi dịp Black Friday

Google News

Người tiêu dùng đang rất quan tâm và hào hứng với lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm, Thứ 6 đen tối 2017.

Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối" được ấn định vào thứ 6 đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Đây được coi là ngày vàng mua sắm của người dân Mỹ. Những người bán coi dịp này là dịp "xả hàng" thanh lý tất cả hàng tồn trong kho đón chào năm mới, chính vì thế ngày này có rất nhiều khuyến mãi, giảm giá khủng.
Black Friday sau này lan rộng ra khắp châu Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Đây chính là lễ hội mua sắm trong năm mà cả người bán và người mua cùng có lợi.
Tuy nhiên trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển thì Black Friday cũng chính là thời điểm vàng cho các hacker để lừa đảo, trộm cắp thông tin và cài cắm các phần mềm độc hại cho người mua hàng thông qua các giao dịch trực tuyến và mạng xã hội.
Canh bao: Nhung chieu "lua dao" tinh vi dip Black Friday
Ảnh minh họa. 
Tráo hàng
Tráo hàng là một hình thức khá phổ biến bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, cửa hàng sẽ liên hệ với khách hàng để xin lỗi và đưa ra một sản phẩm mà họ cho rằng ngon bổ rẻ hơn sản phẩm khách hàng đặt mua.
Người dùng nên thận trọng với những lời chào mời này để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Xâm nhập mã độc vào email khách hàng
Nhiều hacker sử dụng hình thức gửi email tới khách hàng với các thông điệp dụ dỗ mua sắm với giá rẻ. Chỉ cần nhấn thử vào các liên kết, người dùng sẽ được đưa tới các website giả mạo hoặc bị âm thầm cài mã độc.
Nhắn tin, gọi điện lừa đảo tới người mua hàng
Kẻ gian thường lấy tên của các thương hiệu lớn và đưa ra các giao dịch dường như quá tốt để có thể từ chối. Nhiều người sẵn sàng bấm vào các đường link mua sắm ngay lập tức khi thấy mức các quảng cáo giảm giá mà không chú ý tới việc kiểm tra lại tính xác thực của nguồn tin.
Khai thác lỗ hổng từ thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng có liên kết bảo mật yếu nhất hiện nay bởi nhiều người dùng rất thiếu thông tin về các biện pháp bảo mật cũng như không thực hiện chúng khi sử dụng để bảo vệ cho chính tài khoản của mình. Một khi các hacker có dữ liệu của thẻ tín dụng, mã PIN hoặc mật khẩu, tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm.
Thu thập thông tin cá nhân bất chính
Vào mùa giảm giá Black Friday, các cửa hàng thường “tặng quà” tri ân khách hàng và người dùng chỉ cần điền một vài thông tin cá nhân để tham gia.
Tội phạm công nghệ sẽ lợi dụng lòng tham và sự cả tin này. Phần thưởng sẽ có giá trị cao như là iPhone, MacBook để làm mờ mắt khách hàng. Đây chính là miếng mồi ngon cho tội phạm công nghệ. Vì vậy người dùng luôn luôn ghi nhớ không được cung cấp thông tin cá nhân cho những website không uy tín.
Nâng giá cao rồi “giảm giá”
Đây cũng là một chiêu trò khá phổ biến của các cửa hàng và website bán lẻ. Họ sẽ nâng giá niêm yết của sản phẩm lên rất cao rồi đưa ra mức giảm giá vô cùng hấp dẫn đôi khi đến 5-60%. Thực tế, mức giá sau khi giảm “sâu” mới bằng giá bán ra của nhiều nhà bán lẻ khác. Đây là một cách đánh vào tâm lý thích giảm giá của người dùng.
Tuy đây không hẳn là lừa đảo và không gây thiệt hại về kinh tế cho người mua, nó cũng không phải là một cách bán hàng thật thà. Dù là mùa giảm giá, hãy luôn khảo giá một vòng quanh các site uy tín trước khi đặt mua một sản phẩm nào.
Cẩn thận với những lời chào khuyến mãi trong email
Chuyên gia về an ninh của Avast - Pete Turner nói rằng, người dùng nên thận trọng với tất cả những lời mời khuyến mãi nhận được qua email.
Tránh nhấp vào bất kỳ liên kết nào hoặc tải xuống bất kỳ tệp đính kèm nào trong email. Thay vào đó, hãy kiểm tra địa chỉ URL và địa chỉ của người gửi để đảm bảo rằng địa chỉ đó an toàn.
Không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang mua sắm khác nhau
Nhiều người thường đăng ký vào các trang mua sắm như eBay, Amazon để có cơ hội săn tìm hàng giá rẻ. Lời khuyên từ các chuyên gia đó là người dùng nên quản lý mật khẩu một cách thông minh và không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang mua sắm.
Đặt mật khẩu khác nhau và quản lý mật khẩu tốt thì trong trường hợp một trong những tài khoản của người dùng bị xâm nhập, kẻ xấu sẽ không thể tấn công các tài khoản khác của họ.
Không lưu thông tin trên các trang online
Một số trang web có thể cung cấp tại thời điểm thanh toán lệnh "nhớ" các thông tin thanh toán để tạo điều kiện thuận tiện cho những giao dịch tiếp theo của người dùng. Để tránh số thẻ ngân hàng lưu lại trên hệ thống dữ liệu bán hàng của trang web đó thì khách hàng không nên lưu thông tin gì liên quan.
Nếu vì lý do nào đó mà người dùng muốn lưu giữ thẻ này thì hãy chọn một mật khẩu hỗn hợp có cả chữ hoa, chữ thường, số và chữ để tránh tài khoản bị hack.
Theo PV/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)