Cần bao nhiêu tiền để vào Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán VN?

Google News

Cách đây 1 năm để vào Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán VN cần phải có khối tài sản trị giá ít nhất 1.800 tỷ.

Kết thúc năm 2015, Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán VN có 6 đại gia và 4 nữ đại gia. Ngoài trừ bà Nguyễn Hoàng Yến, phó tổng giám đốc Masan Group được công chúng biết đến thì ba người còn lại đều khá “bí hiểm”, gồm 2 chị em Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng), Phạm Thúy Hằng và bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long).
Hiện tổng giá trị cổ phiếu mà 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang nắm giữ đạt hơn 49.200 tỷ đồng – tương đương với một năm trước. Tuy nhiên, cách đây 1 năm để vào Top 10 cần phải có khối tài sản trị giá ít nhất 1.800 tỷ, trong khi năm nay chỉ với 1.500 tỷ đã đứng trong Top 10.
Ngoại trừ các đại diện của Vingroup có tài sản tăng hơn 10% thì tài sản của những người còn lại hầu hết đều giảm (trừ những trường hợp mua thêm cổ phiếu như ông Nguyễn Văn Đạt hay ông Nguyễn Duy Hưng).
Số liệu tạm tính tới ngày 30/12/2015 (theo Trí thức trẻ). 
Tính đến ngày 30/12, lượng cổ phiếu do ông Vượng nắm giữ có trị giá hơn 24.200 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2014 và gấp hơn 4 lần so với mức 5.400 tỉ đồng của người đứng thứ 2 là ông Trần Đình Long. Trong năm 2015, Vingroup khá bận rộn với việc triển khai một loạt dự án mới như Vinhomes Central Park, Park Hill, Vinpearl Phú Quốc… cũng như mua thêm nhiều doanh nghiệp để bổ sung quỹ đất, mặt bằng kinh doanh.
Sau khi bàn giao và ghi nhận phần lớn doanh thu từ dự án Mandarin Garden trong năm 2014, nguồn thu bất động sản của Hòa Phát trong năm nay không đáng kể. Với sự tăng trưởng tốt từ ngành thép, lợi nhuận của Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng dù cho năm 2014 ghi nhận lãi đột biến từ bất động sản. Bất chấp kết quả kinh doanh được cải thiện thì cổ phiếu HPG vẫn giảm hơn 10% trong năm 2015. Những kết quả đạt được cũng khiến đại gia Trần Đình Long – chủ tịch Hòa Phát vươn lên vị trí thứ 2 trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã rơi xuống vị trí thứ 4 sau bà Phạm Thu Hương, phó chủ tịch Vingroup. Như vậy sau nhiều năm liền ở vị trí thứ 2 thì nay bầu Đức đã bị 2 người khác vượt qua.
Với việc cổ phiếu HAGL mất ½ giá trị trong năm thì bầu Đức cũng là người có khối tài sản “bốc hơi” nhiều nhất, lên đến gần 4.000 tỷ đồng. Một sự thay đổi nữa là chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đã thay thế bà Trương Thị Lệ Khanh ở vị trí thứ 10. Đây là lần đầu tiên ông Hưng gia nhập Top 10.
Theo Đời Sống Pháp Luật

Bình luận(0)