“Báu vật” ruối cổ 500 năm tuổi mang thế độc “mâm xôi con gà”

Google News

Như chứng nhân bao biến cố lịch sử, đời sống dân làng từ bao đời nay, cây ruối cổ “mâm xôi con gà” đã trở thành báu vật đối với người dân nơi đây…

Ruối cổ 500 năm - “kỳ mộc” của làng
“Bau vat” ruoi co 500 nam tuoi mang the doc “mam xoi con ga”
"Kỳ mộc" 500 năm tuổi ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Xã Nam Dương cũng là quê hương của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Đăng Trình. 
Cổ mộc này vốn được coi là “kỳ mộc” thân thương, niềm tự hào của người dân thôn Bái Dương, xã Nam Dương (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Theo các bậc cao niên trong thôn, cây ruối cổ đã trên dưới 500 năm tuổi. Từ xa xưa, cây ruối cổ đã được bậc tiền nhân trồng ở ven ngã ba đường tiếp giáp giữa xóm 6 (tên chữ là xóm Liên- PV) và xóm 7 của thôn. Người xưa tạo tác dáng thế cây ruối cổ “mâm xôi con gà” bởi niềm tin sâu sắc vào thế giới tâm linh. “Các cụ xưa kính ngưỡng trời đất đã tạo tác cây ruối mang dáng thế mâm xôi con gà với ngụ ý coi đây là một “cây thờ”, một vật tế dâng kính thần linh, mong cầu cuộc sống no đủ, sung túc cho làng”, một cao niên nói.
“Bau vat” ruoi co 500 nam tuoi mang the doc “mam xoi con ga”-Hinh-2
Hình ảnh mâm xôi con gà thân thương. Ảnh: Đăng Trình. 
Trải qua thăng trầm, cây ruối cổ 500 năm tuổi như chứng nhân gắn bó thiết thân với bao thế hệ người làng. Hình ảnh kỳ thú của cây “mâm xôi con gà” đã ăn sâu vào tâm thức bao người. Cây ruối cổ không chỉ là biểu tượng thiêng liêng, cây còn là “người bạn thân lớn trong cuộc đời, trong chuỗi ngày tuổi thơ những người con quê hương Bái Dương.
“Bau vat” ruoi co 500 nam tuoi mang the doc “mam xoi con ga”-Hinh-3
Ruối là loài sinh trưởng chậm, cây ruối 10 năm tuổi gốc chỉ bằng cổ tay người lớn. Cây ruối cổ 500 năm năm tuổi ở xã Nam Dương có đường kính thân khoảng 60cm là điều hiếm thấy. Ảnh: Đăng Trình. 
Quan sát của phóng viên, cây ruối cổ “mâm xôi con gà” cao khoảng 4m, gốc cây có đường kính trung bình khoảng 60cm, đường kính tán lá ước chừng 3,5m, chiều cao từ gốc đến tán lá khoảng 1,8m, chiều cao tán lá khoảng 2,2m. Ấn tượng phần tán lá của cây được tạo tác thành hình “mâm xôi con gà” với 2 phần liên kết. Phần 1 là mâm xôi có độ dày khoảng 60cm, phần còn lại là “con gà” có chiều cao khoảng 1,6m, dài 2,5m. Phần 2 – “con gà” được tạo hình “ngự” trên mâm xôi, xòe hai cánh chầu, ngước đầu chầu về phía trong làng. Hàng trăm năm “gội gió” tắm mưa, thân cây mốc thếch, sần xì. Do phần tán lá “mâm xôi con gà” quá nặng, thân cây bị nghiêng, người dân đã dùng luồng làm khung đỡ tán lá cho “kỳ mộc”.
Bao nỗi thân thương dưới bóng ruối
Cụ Nguyễn Văn Ích (82 tuổi, xóm 6, thôn Bái Dương) tâm sự: “Thủa cha, ông chúng tôi còn cây ruối đã được tiền nhân truyền lại. Ước chừng cây vài trăm năm tuổi. Xóm 6 chúng tôi vốn có tên chữ là xóm Liên được đặt theo tên ngôi chùa cổ. Ở đầu làng xa xưa có cây đa, cây muỗm đại thụ. Cùng đó, cây ruối cổ mâm xôi con gà là cây thờ, đầu gà chầu về phía cây muỗm. Biến cố thời gian, cây muỗm, cây đa không còn, người làng trồng cây si thay thế rồi cây si cũng chết, chỉ còn cây ruối vẫn tồn tại đến nay”, cụ Ích kể.
Cũng theo cụ Ích, ngày xưa cây ruối rất đẹp, mâm xôi được các cụ tạo tác tròn tít, lùm lùm dầy dặn, con gà tròn trịa mầm mẫm, cây xanh tốt tràn nhựa sống. “Khi còn bé tôi thường trèo lên cây ruối hái quả ăn, mỗi khi vào mùa trổ quả cả cây ruối nhuộm vàng một sắc màu quả chín trông rồm rộm rất đẹp mắt. Bây giờ, cây ruối cỗi đi nhiều, thế hệ sau có tu sửa nhưng không khéo tay chăm chút được như các cụ xưa”, cụ Ích tâm sự.
Tìm hiểu, mỗi năm 2 lần, người dân thôn Bái Dương lại cắt tỉa, chỉnh trang vẻ đẹp cho “linh mộc”. Hiện nay, cây ruối quý nằm ngay ven trục đường chính của thôn, cũng là đường liên xã khiến “kỳ mộc” càng trở lên thân thiết với mỗi người dân trong thôn. Được biết, vẻ đẹp của cây ruối cổ lan xa có nhiều đại gia tìm về vùng đất Nam Dương hỏi mua cây ruối đẹp là này. Có người trả giá tới 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên, người dân trong thôn không mảy may động lòng.
Nằm bên bóng ruối cổ trầm mặc quán phở Thuận kinh doanh phát đạt. Trân quý cây “linh mộc” chủ quán phở đổi tên quán thành “Nhà hàng Cây Ruối” như để khẳng định, lan tỏa niềm tự hào về biểu tượng của quê hương.
Ngày nay, dù đi xa về gần với mỗi người con quê hương Bái Dương mỗi dịp về thăm quê, đi ngang cây ruối cổ lòng chộn rộn ký ức tuổi thơ bên “người bạn ruối”. Mỗi sáng, dưới bóng ruối trăm năm đông đảo thực khách của “Nhà hàng cây ruối” vui vẻ thưởng thức vị phở thơm, rôm rả sẻ chia những câu chuyện đời thường bao nỗi thân thương…
Theo Đăng Trình/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)