Bàng hoàng nhiều tàu bay bị cắt lốp ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Google News

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc tàu bay bị cắt lốp được phát hiện sau khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất gây lo ngại nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Mỗi tháng phát hiện cả chục vụ tàu bay bị cắt lốp
Nguồn tin của PV từ 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho biết, có rất nhiều vụ việc tàu bay bị cắt lốp sau khi hạ cánh được phát hiện. Dù đại diện TCT Cảng hàng không VN (ACV) khẳng định số vụ phát hiện đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng thống kê cho thấy mỗi tháng, có cả chục vụ xảy ra tại 2 đầu sân bay đông đúc nhất cả nước này.
Trao đổi với Báo, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Thái Trung cho biết, tình trạng lốp tàu bay bị cắt đã và đang xảy ra từ nhiều năm nay. Vietnam Airlines đã phối hợp với ACV, nhà sản xuất lốp tàu bay hàng đầu thế giới như BridgeStone Nhật Bản và Good Year Thái Lan để xác định nguyên nhân. Qua quá trình tổng hợp, theo dõi, phân tích và đánh giá, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do vật ngoại lai (Foreigner Object Debris - FOD) trên sân đường và khu vực bảo dưỡng tàu bay gây nên như: Đất, đá, sắt vụn, ốc vít rơi vãi trên sân, đường, từ các công trình đang thi công, xây dựng và từ chính các phương tiện hoạt động trên sân đỗ rơi ra.
 Vật ngoại lai trên đường băng, đường lăn là một trong những nguyên nhân gây ra việc cắt lốp khi tàu bay cất, hạ cánh.
“Một số trường hợp vật ngoại lai còn gắn ngay trên vỏ lốp khi bị cắt. Điều này chứng minh rõ nguyên nhân lốp tàu bay bị cắt chủ yếu do vật ngoại lai”, ông Trung nói.
Ông Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN cũng khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cắt lốp trong quá trình tàu bay cất, hạ cánh, trong đó không loại trừ nguyên nhân có vật ngoại lai trên đường băng, đường lăn. Cùng đó, một nguyên nhân khác phải kể đến theo ông Long là việc bê tông hư hỏng khiến đá bung ra và bắn lên. Nhiều trường hợp, vết cắt rất sắc như bị cắt bằng dao, nhưng trên thực tế, những viên đá nhỏ bắn với tốc độ cao cứa vào hoàn toàn có thể tạo ra những vết cắt sắc lẹm.
“Áp lực bánh lốp của tàu bay rất lớn có thể lên tới 18 - 20kg/cm2. Chỉ cần một viên đá nhỏ bắn lên thôi cũng có thể tạo ra vết cắt này. Khả năng phá hoại là cực kỳ hiếm. Bởi lốp máy bay được sản xuất rất đặc biệt. Kể cả dao chưa chắc đã cắt được”, ông Long phân tích.
E ngại mất an toàn bay
Khẳng định các vụ việc lốp tàu bay bị cắt có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ uy hiếp an toàn bay, ông Trung cho biết thêm: “Riêng với Vietnam Airlines, chúng tôi đã ghi nhận những vụ việc lốp tàu bay bị cắt gây bong tróc phần cao su đắp. Thậm chí, có vụ việc lốp tàu bay bị nổ do vật ngoại lai”.
Theo ông Trịnh Như Long, việc phát hiện các vật lạ ở khu bay là trách nhiệm của các nhà khai thác cảng. “Trên thế giới cũng có những hệ thống có thể phát hiện những vật lạ nhỏ chỉ 1cm ở trên đường bang. Hiện công nghệ của thế giới đã cho phép lắp những camera trên từng chiếc đèn trên đường băng, đường lăn, có khả năng phát hiện vật lạ nhỏ tới một vài cm và tự báo động khi phát hiện vật lạ trên đường băng”, ông Long thông tin.
Cũng theo ông Long, sắp tới, khi đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, dù muốn hay không, hệ thống đèn lắp đặt tại đây sẽ phải kèm hệ thống phát hiện vật thể lạ luôn chứ không có chuyện phát hiện kiểu thủ công như đang áp dụng tại sân bay Nội Bài cũng như Tân Sơn Nhất hiện nay.
Phía ACV, Chủ tịch HĐQT Lại Xuân Thanh cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, với sân bay mật độ lớn như ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, nên có máy phát hiện sinh vật lạ, để thay thế cho nhân lực con người, đảm bảo an toàn hàng không. Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO cũng khuyến cáo việc lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ. “Tôi muốn nhấn mạnh là khuyến cáo chứ không phải là tiêu chuẩn, tức là không bắt buộc phải lắp đặt”, ông Thanh nói.
Theo thông tin của PV, việc kiểm tra, đảm bảo an toàn cho đường cất, hạ cánh đang được CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang được thực hiện bằng phương pháp kiểm tra trực quan bằng mắt với tần suất tối thiểu 7 lần/ngày cho mỗi đường hạ, cất cánh. Đã từng có DN đề xuất đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh (FODetect) tại hai CHK Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Dự án trị giá tới hơn 1.160 tỷ bằng vốn xã hội hóa này được “quảng cáo” là: “Có thể đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đường hạ, cất cánh, nâng cao năng lực cho đường hạ, cất cánh, qua đó nâng cao năng lực khai thác của cảng, đảm bảo không gián đoạn khai thác”. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc vốn đầu tư quá lớn, phương án hoàn vốn không phù hợp, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được triển khai.
Riêng Vietnam Airlines, số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, đã có 50 vụ tàu bay của hãng này bị cắt lốp. Trong số này, 23 vụ xảy ra tại Nội Bài, 26 vụ tại Tân Sơn Nhất và 1 vụ tại Đà Nẵng.
Theo Báo Giao thông

>> xem thêm

Bình luận(0)