Ai là nhà thầu của BOT Phú Mỹ?

Google News

Hai trong số 6 dự án BOT, BT tại TP.HCM bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm đều do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ (kết nối Q.7 và Q.2 tại TP.HCM) được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ là chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2.077 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 23,6%, nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước là 76,4%. Quy mô của cây cầu này có chiều dài cầu chính là 2.034 m, chiều rộng là 27,5 m. Thời gian xây dựng từ tháng 2.2007 đến tháng 8.2009 và thời gian khai thác hoàn vốn là 26 năm.
Ai la nha thau cua BOT Phu My?
Cầu Phú Mỹ là dự án BOT nổi tiếng tại TP.HCM (Ảnh: IT) 
Hàng loạt sai phạm với BOT Phú Mỹ
Tuy nhiên, kết quả Thanh tra Chính phủ cho thấy, về công tác chuẩn bị đầu tư, UBND TP.HCM đã không kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục dự án này để kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, phía nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ trong quá trình gửi hồ sơ đề xuất còn thiếu một số nội dung phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn khác để thực hiện dự án. Phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND TP.HCM đã thiếu trách nhiệm xem xét tính đầy đủ của hồ sơ về khả năng huy động nguồn vốn của nhà đầu tư.
Đặc biệt, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, UBND TP.HCM đã không lập hồ sơ và có báo cáo thẩm định nhưng đã phê duyệt điều chỉnh dự án 2 lần, điều chỉnh tổng mức đầu tư 1 lần từ trên 1.806 tỷ đồng lên 2.077 tỷ đồng, điều này đã vi phạm Nghị định 16/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Về tiến độ dự án, hợp đồng BOT quy định thời điểm khởi công xây dựng công trình là tháng 12.2005 nhưng đến tháng 2.2007 thì công trình mới bắt đầu; thời điểm bắt đầu thu phí hoàn vốn là tháng 1.2009 nhưng đến tháng 4.2010 mới bắt đầu thu phí hoàn vốn. Việc chậm trễ khởi công xây dựng công trình thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT khi thực hiện công tác thẩm định và trách nhiệm của UBND TP.HCM trong phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bàn giao mặt bằng, bảo lãnh vay vốn nước ngoài.
Việc công trình chậm khởi công, không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với nhà thầu thi công nên nhà thầu thi công đã phạt chủ đầu tư với số tiền trên 60 tỷ đồng. Số tiền nhà đầu tư bị phạt đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào chi phí công trình.
Về công tác quyết toán, theo Thanh tra Chính phủ, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8.2009 nhưng đến tháng 11.2012, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ mới có văn bản về việc trình phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng Dự án BOT Phú Mỹ (theo quy định thì trong vòng 6 tháng từ khi hoàn thành công trình nhà đầu tư phải lập hồ sơ quyết toán dự án). Đáng nói, đến ngày 18.2.2014, UBND TP.HCM mới có văn bản phê duyệt kết quả kiểm toán chi phí đầu tư, trong đó giá trị đầu tư được phê duyệt trên 2.914 tỷ đồng.
Không chỉ có dự án BOT xây dựng cầu Phú Mỹ, dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 1.440 tỷ đồng cũng sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện UBND TP.HCM không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế mà... “chỉ định thầu” cho Công ty Cổ phần BOT Phú Mỹ đầu tư. Theo đó, trong quá trình thực hiện, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ cũng không đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp mà tiếp tục “chỉ định nhà thầu” cho Công ty TNHH Xây dựng How Yu (Việt Nam) thực hiện. Tuy nhiên, sau khi triển khai xây lắp, Công ty TNHH Xây dựng How Yu không nhận trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định của hợp đồng BOT mà Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ lại phải thuê một đơn vị khác thực hiện và đề nghị quyết toán với số tiền trên 41,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện chi phí quản lý dự án được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ đề nghị quyết toán vượt quy định trên 61,7 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ là ai?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ được thành lập từ năm 2003 với tên gọi ban đầu là Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ, có vốn điều lệ là 745 tỷ đồng. Nghĩa là công ty này chỉ được thành lập 2 năm trước thời điểm khởi công xây dựng công trình (tháng 12.2005) theo hợp đồng BOT. Các cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng; Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM; Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới và Công ty TNHH và Thương mại Thanh Danh.
Đại diện pháp luật và cũng là Tổng Giám đốc của Công ty là ông Nguyễn Thành Thái, Tiến sĩ ngành Hóa, sinh ra tại Pháp và từng là viên chức của Viện Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp. Ông Thái về Việt Nam từ năm 1993 và đã kết nối với Công ty Freyssinet (tại Pháp và là một trong những công ty xây cầu dây văng nổi tiếng nhất thế giới) để tiến hành sửa chữa cầu Chữ Y (kết nối Q.5 và Q.8) vào năm 1990, kế đến là cầu Tân Thuận, cầu Niệm, cầu An Dương (Hải Phòng), cầu sông Gianh, đường hầm xe lửa qua đèo Hải Vân, cầu Sài Gòn…
Có lẽ bởi những nguyên nhân này nên ông Thái đã được “ưu ái” khi được lựa chọn làm cây cầu dây văng đẹp và hiện đại nhất TP.HCM chăng? Đặc biệt hơn, dù tên công ty là Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ và được thành lập từ 2003 nhưng đến 2004, UBND TP.HCM mới phê duyệt dự án cầu Phú Mỹ với tổng mức đầu tư là 1.806 tỷ đồng.
BOT Phú Mỹ xây dựng hết bao nhiêu?
Trong quá trình thiết kế và thi công dự án, Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ đã đề xuất điều chỉnh vốn lên 2.176 tỷ đồng, chưa kể lãi vay ngân hàng nước ngoài trong thời gian thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, sau xem xét về điều chỉnh tổng mức đầu tư nêu trên, tháng 4.2007 UBND TP.HCM ra quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư mới xây cầu Phú Mỹ là 2.077 tỷ đồng (tạm tính). Bởi, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, cần phải có thẩm tra của Bộ Xây dựng mới xác định tổng mức đầu tư thật sự của dự án.
Tháng 2.2011, sau gần 1,5 năm hoàn thành dự án, Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thông báo kết quả thẩm tra dự toán tổng mức đầu tư cầu Phú Mỹ là 3.293 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm này, mỗi sở của TP.HCM lại đưa ra một số liệu khác nhau về tổng mức đầu tư. Chẳng hạn, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng tổng mức đầu tư là 2.941 tỷ đồng, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM lại là 2.382 tỷ đồng, còn Sở Giao thông Vận tải TP là 1.873 tỷ đồng (chưa tính thuế, trượt giá ngoại tệ, lãi vay...).
Trước tình hình đó, UBND TP tiếp tục giao cho cơ quan kiểm toán độc lập. Đến tháng 5.2013, đơn vị kiểm toán lại xác định tổng mức đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ lên tới 3.250 tỷ đồng.
Theo Quốc Hải/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)