Điểm danh vũ khí thô sơ mà... nguy hiểm thời Hùng Vương (2)

Google News

(Kiến Thức) - So với vũ khí đánh xa, vũ khí đánh gần thời Hùng Vương-An Dương Vương sử dụng trong chiến đấu phong phú hơn hẳn về số lượng và chủng loại.

Giáo

Cũng như mũi tên nhọn, lịch sử của ngọn giáo thời Hùng Vương-An Dương Vương được bắt đầu từ giáo đá Phùng Nguyên. Đến giai đoạn Đông Sơn, giáo thực sự trở thành vũ khí chủ đạo. Giáo là loại vũ khí chủ yếu được tổ tiên ta sử dụng từ thời Hùng Vương-An Dương Vương đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Trên trống đồng Ngọc Lũ, trong hai nhóm người đi thành hàng, có một người cầm vũ khí, đó là cây giáo, cán dài có trang trí tua hoặc lông chim. Trên các thuyền khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ mỗi thuyền có ba, bốn người cầm vũ khí thì thường thấy hai người cầm giáo, những người kia chia nhau cầm cung, người cầm rìu.

 Mũi giáo thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Trên mặt trống đồng Cổ Loa I, trong mỗi nhóm người đi thành hàng, có hai người cầm vũ khí đi đầu thì cả hai đều cầm giáo. Trên mặt trống đồng Hoàng Hạ, trong nhóm sáu người đi thành hàng, có bốn người cầm vũ khí thì cả bốn người đều cầm giáo.

Hình ảnh trên trống đồng cũng cung cấp thêm tài liệu khẳng định đa số các mũi giáo được khắc họa cùng một kiểu lưỡi hình tam giác cân, mũi nhọn có họng tra cán.

Rìu

Rìu là công cụ lao động, nhưng cũng được dùng làm vũ khí. Tuy nhiên chúng chỉ được dùng làm vũ khí trong từng trường hợp bất thường. Qua hình dáng, kích thước, có thể thấy một số loại rìu được chế tạo chủ yếu dùng làm vũ khí còn được gọi là rìu chiến.

 Rìu Đông Sơn.

Bên cạnh những loại rìu chiến thông thường, thời Hùng Vương-An Dương Vương còn có loại rìu hình lưỡi xéo, được coi là loại vũ khí độc đáo nhất. Điều này được khẳng định dựa vào sự có mặt phổ biến nhất của những chiến binh được vũ trang bằng những chiếc rìu xéo các kiểu khắc họa trên các trống, thạp Đông Sơn.

Dao găm

Dao găm là loại vũ khí chiến đấu và tùy thân được tổ tiên ta ưa chuộng. Phần lớn dao găm có phần lưỡi giống nhau, sự khác biệt nằm ở phần cán. Căn cứ vào hình dạng cán, có thể chia dao găm Đông Sơn thành 5 loại chính: hình chữ T, hình củ hành, dao găm có chắn tay, có chắn tay thẳng và dao găm cán tượng.

 Kiếm ngắn và dao găm.

Kiếm

Kiếm có hình dạng giống dao găm, chỉ khác ở kích thước. Theo phân loại chung, những dao găm dài 40cm trở lên được gọi là kiếm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp kiếm dài không đến 40cm. Chúng cũng được phân loại giống dao găm, gồm 3 loại: kiếm có chuôi chữ T, kiếm có tay chắn thẳng, và kiếm cán tượng.

Dao chiến

Chiếc dao chiến đầu tiên phát hiện thuộc giai đoạn Hùng Vương-An Dương Vương, cũng là chiếc dao chiến đầu tiên của loại hình vũ khí này trong lịch sử vũ khí dân tộc, được tìm thấy ở địa điểm Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). Đây cũng là chiếc duy nhất đã biết trong cả giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun.

Thân dao là một khối hình chữ nhật dẹt, rìa lưỡi nằm dọc thân, uốn lượn và rất sắc. Sống dao là họng tra cán, cũng nằm dọc thân, gần như song song với rìa lưỡi nhưng không uốn lượn giống rìa lưỡi. Mặt cắt ngang họng hình gần tròn. Một đầu dao cong vồng lên, đầu kia vát choãi thẳng từ đầu họng đến đầu mũi dưới. Dao dài 16,6cm, rộng 6,9cm và dày 0,4cm.

Dao chiến có chức năng chính là  chặt, chém và bổ. Các lưỡi dao đều nặng và chắc, khi được lắp thêm cán dài, lực tác động của chúng sẽ tăng lên.

Vũ khí phòng hộ

Vũ khí trang bị phòng hộ của tổ tiên ta từ thời Hùng Vương dựng nước đến thế kỷ X có tấm che ngực và lá chắn.

Tấm che ngực hay còn gọi là hộ tâm phiến, xuất hiện từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Căn cứ vào hình dáng, các tấm che ngực Đông Sơn được chia thành hai loại hình chữ nhật và hình vuông. Việc trang trí được thể hiện nhất quán trên các bộ tâm phiến là các hoa văn thể hiện những cặp cá sấu-con vật sống dưới nước, có sức mạnh đặc biệt, hoặc là hình người chèo thuyền thể hiện lối sống gắn bó với sông nước của chủ nhân những tấm hộ phiến này.

 Hộ tâm phiến với trang trí hình chữ X đặc trưng.

Về lá chắn, trên hầu hết những chiếc trống đồng có niên đại sớm được trang trí hoa văn tả thực như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Miếu Môn... đều tìm thấy những chiến binh cầm mộc trong tay. Trên những chiếc thuyền khắc trên tang trống cũng có một số người cầm mộc. Những chiếc lá chắn trên tay chiến binh ở thuyền trên thạp Đào Thịnh gồm hai phần: phần dưới-thân lá chắn và phần trên có hình như chiếc lông chim hay bông lau cắm vào phần thân dưới.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thủy

Bình luận(0)