Vũ khí hiểm thời Hùng Vương khiến giặc “kinh hồn bạt vía“(1)

Google News

(Kiến Thức) – Thời Hùng Vương-An Dương Vương, tổ tiên ta đã sử dụng những thứ vũ khí rất thô sơ nhưng khiến quân thù bạt vía.

Các nguồn sử liệu cùng với những phát hiện khảo cổ học cho biết, vũ khí của lực lượng vũ trang thường trực và của dân binh thời Hùng Vương-An Dương Vương và trong các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đến chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) khá phong phú và đa dạng. Có thể phân thành các loại chính: vũ khí đánh xa, vũ khí đánh gần và vũ khí phòng hộ.

Cung, nỏ

Cung, nỏ là loại vũ khí đánh xa quan trọng bậc nhất trong hệ thống vũ khí thô sơ trước khi hỏa khí xuất hiện.

Ở giai đoạn đầu Hùng Vương, các mũi tên chủ yếu được làm bằng đá. Các mũi tên đá được chế tác đơn chiếc, không theo một quy chuẩn chặt chẽ nào. Chúng khá đa dạng về kích thước, chiều dài từ 2,3-5,6cm, rộng từ 1-3cm, dày khoảng 0,2-0,3cm. Cá biệt có chiếc dài 7cm. Đa số các mũi tên đá có hình thon dài, thân hình thon, dẹt, hoặc hình tam giác hay là hình bầu dục dẹt. Toàn thân trên được mài nhẵn, cạnh đáy được mài phẳng để có thể kẹp chặt vào đoạn đuôi dài bằng tre, gỗ.

Các mũi tên xương đa số được chế tạo từ những đoạn xương ống lớn. Với kỹ thuật chặt, chẻ, mài, tổ tiên ta đã tạo ra được các hình dạng mũi tên khác nhau. Mũi tên xương thường có kích thước lớn hơn mũi tên đá, đặc biệt về chiều dài. Nhiều mũi tên dài 9-10cm, chiều rộng thân tên khoảng 0,5-1cm. Mũi tên xương tuy dễ chế tác hơn và có lợi thế hơn về chiều dài so với mũi tên đá, nhưng lại thua mũi tên đá ở độ xuyên thủng do chất liệu xương nhẹ, xốp hơn.

 Mũi tên bằng đồng trong văn hóa Đông Sơn.

Mũi tên đồng thuộc loại vũ khí xuất hiện sớm nhất và phổ biến hơn cả trong số đồ đồng giai đoạn văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun. Mũi tên đồng là sự phát triển kế tục loại hình tên đá ở giai đoạn Phùng Nguyên. Thân tên cũng có hình tam giác nhưng cạnh đáy không phẳng do hai cạnh bên được kéo dài xuôi xuống tạo thành hai cánh cân đối như cánh én. Với hình dáng mới này, mũi tên đồng có khả năng giảm lực cản của gió trong khi bay và có sức xuyên thủng lớn hơn. Nhìn chung mũi tên đồng nhỏ hơn mũi tên đá, thường có chiều dài dưới 4cm.

Mũi tên đồng thực sự phát triển ở giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Hơn 1 vạn chiếc mũi tên đồng ở Cổ Loa, sự hiện diện của những chiến binh dùng cung nỏ được khắc họa trên các đồ đồng Đông Sơn, và những tài liệu thư tịch, truyền thuyết ca ngợi tài dùng cung nỏ của người Lạc Việt-Âu Việt, cho phép chúng ta khẳng định vai trò to lớn của vũ khí cung nỏ thời này.

Những mũi tên Cổ Loa có cấu tạo hoàn chỉnh, sắc bén, chắc chắn. Truyền thuyết về nỏ thần của An Dương Vương, những ghi chép trong Việt kiệu thư (một thư tịch cổ) ca ngợi công dụng của cung tên trong tay người Việt “mỗi phát xuyên qua hơn chục người...” đã phản ánh sự thật này.

Bản thân mũi tên chưa tạo thành một loại vũ khí hoàn chỉnh, nó mới chỉ là một phần của vũ khí cung nỏ. Qua hình ảnh khắc họa trên một số trống, thạp đồng Đông Sơn có thể thấy, những chiếc cung thống nhất gồm 2 bộ phận: phần cánh cung là một đường cong và dây cung, các cây cung đều có hình chữ D. Những hình cung không được cầm trên tay mà được tì xuống bệ, giá đỡ, được các nhà nghiên cứu coi là nỏ.

 Lẫy nỏ được tìm thấy ở Cổ Loa.

So với cung, nỏ có cấu tạo phức tạp hơn, ở vào trình độ phát triển cao hơn. Sách cổ Trung Quốc thường ca ngợi tài cung nỏ của người Việt. Khảo cổ học cung cấp một bằng chứng về sự tồn tại của máy nỏ thời Đông Sơn. Đó là chiếc lẫy nỏ Làng Vạc khá nguyên vẹn còn đầy đủ các bộ phần hợp thành. Theo tài liệu dân tộc học, trước đây người ta đã đào được ở chân thành Cổ Loa một cái trống đồng dài khoảng 0,5cm, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như lỗ cây sáo được cho rằng đây là một bộ phận của chiếc nỏ thần.

Từ những tài liệu cũ, tuy chưa khẳng định được chính xác “nỏ thần” của người Âu Lạc làm giặc ngoại xâm phải khiếp vía nhưng cũng đủ khẳng định sự tồn tại có thực của loại vũ khí đánh xa lợi hại của tổ tiên ta thời dựng nước.

Lao

Lao cũng là một loại vũ khí được sử dụng thời Hùng Vương-An Dương Vương. Lao là vũ khí tầm trung được sử dụng bằng cách phóng. Chiếc lao có hình dáng tương tự như giáo và một số mũi tên. Lao, giáo, mũi tên được phân biệt trước hết ở kích thước: lớn nhất là giáo, nhỏ nhất là tên, lao thuộc cỡ trung bình, nằm giữa giáo và tên. Mũi lao được mài nhọn, chuôi lao được mài vát đều hai bên nhỏ lại hơn bề rộng thân, giữa thân và chuôi bao giờ cũng có phần gờ nổi tạo thuận tiện cho việc buộc thêm cán.

Lao xương đặc biệt phát triển ở giai đoạn Đồng Đậu. Hình dáng các mũi lao cơ bản giống nhau: thân thon dài, hai đầu đều vót nhọn, mặt cắt ngang thân hình trong hoặc bầu dục dẹt khuyết một mặt dấu vết của ống xương.

 Một số mũi lao đồng.

Những mũi lao đồng xuất hiện lần đầu tiên vào giai đoạn văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun. Từ cuối Văn hóa Đông Sơn trở đi, mũi lao đồng được thay thế bằng mũi lao sắt. Cũng như những vũ khí bằng đồng, sắt khác ở giai đoạn này, lao còn mang những yếu tố của các loại vũ khí tiền thân như mũi tên từng có mặt từ giai đoạn trước hoặc phỏng theo hình dáng của những mũi lao bằng xương trong cùng giai đoạn.

Lao giống tên ở chỗ chỉ sử dụng được một lần nhưng lại không cơ động, tiện dụng bằng tên, vì rõ ràng nó cồng kềnh hơn, người ta chỉ cầm theo người từ 1-2 chiếc chứ không cầm được cả nắm như tên. Cũng chính vì thế, trong thực tế chiến đấu, lao được sử dụng không phổ biến bằng cung tên. Trên trống đồng Ngọc Lũ, người cầm lao không chỉ cầm một thứ vũ khí là lao ở tay phải mà tay trái còn cầm thêm một cây giáo có cán dài. Sau khi đã phóng lao đi rồi thì chiến binh sẽ chiến đấu bằng giáo ở tầm gần.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thủy

Bình luận(0)