Vì sao Hồ Quý Ly quyết định dời đô về An Tôn?

Google News

Việc dời đô về An Tôn của Hồ Quý Ly là để phòng chống giặc xâm lăng từ phía bắc là chủ yếu.

- Việc dời đô về An Tôn của Hồ Quý Ly là để phòng chống giặc xâm lăng từ phía bắc là chủ yếu. Mặt khác, ông cũng muốn rời Thăng Long bởi đó là nơi gắn với vương hầu quý tộc nhà Trần gần hai thế kỷ. Tầng lớp vương hầu quý tộc này đang là đối thủ một mất một còn của ông. Do vậy việc dời đô được Hồ Quý Ly tính toán cân nhắc cẩn thận.
[links()]
 
Nhiều quần thần can ngăn

Những sự kiện xảy ra liên tiếp trong 5 năm (1395 - 1400) phải kể đến là những việc có tác động đảo lộn lớn thu hút sự quan tâm của giới sử học: Trong đó phải kể đến việc dời đô về An Tôn.

Hơn 2 năm sau khi Nghệ Tông qua đời, tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly quyết định dời đô về An Tôn. Sử chép: "Mùa thu, tháng Giêng sai Lại bộ thượng thư kiêm thái sử lệnh đỗ tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hoa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc mở đường phố, có ý muốn dời đô đến đó. Tháng ba thì công việc hoàn thành".

Việc dời đô đã có nhiều quần thần phân tích và can ngăn, nhưng Hồ Quý Ly vẫn quyết định, vì theo ông, vào cuối thời Trần không còn là thời "trị" mà thực sự bước vào thời loạn". Cái "loạn" thể hiện ở sự bất lực của bộ máy nhà nước quý tộc nhà Trần, ở mâu thuẫn giữa Hồ Quý Ly và vương hầu quý tộc và ở nguy cơ xâm lược của kẻ thù kể cả phía Bắc và phía Nam. Vì vậy, Hồ Quý Ly phải dời đô đến nơi đất hiểm.

Di tích thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Di tích thành nhà Hồ thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Việc dời đô không hề phiêu lưu

An Tôn là một vùng đất bằng phẳng rộng rãi thuộc trung du lắm sông nhiều núi vây bọc, địa thế hiểm nhưng tiện đường thủy bộ thông thương ra Bắc vào Nam. Về đường thủy từ An Tôn có thể theo dòng sông Mã đến Đồng Cổ để theo hệ thống sông đào thời Tiền Lê qua các huyện Thiệu Hoá, Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia vào Nam; hoặc xuôi dòng sông Lạch Trường ra biển, sông Lèn ra Bắc.
 
Về đường bộ, có thể theo đường thượng đạo đi Kim Tân (Thạch Thành) - Rịa - Nho Quan để ra Bắc; theo đường Quan Hoá liên lạc với Mai Châu (Hoà Bình), Mộc Châu (Sơn La) ở phía Tây Bắc và Lào ở phía Tây. Về phía Nam theo đường núi qua Thường Xuân hoặc Như Xuân đến Quý Châu hoặc Nghĩa Đàn miền tây Nghệ An hoặc theo đường Nông Cống, Như Xuân đến Quỳnh Châu (tây Quỳnh Lưu) đến miền đồng bằng ven biển Nghệ An. Rõ ràng đây là vùng đất hiểm nhưng không phải là nơi hẻo lánh cùng đường như một số ý kiến đưa ra can ngăn.

Thành An Tôn là một toà thành bằng đá, kiên cố, đồ sộ có một không hai ở nước ta. Một tác giả người Pháp đánh giá "công trình này là một trong những kiệt tác đẹp nhất của kiến trúc An Nam". Toà thành có hình gần vuông, chiều Nam - Bắc dài hơn 900m, chiều Đông - Tây hơn 700m, chu vi 3.200m, cao 6m, bốn mặt ngoài đều ốp đá phiến hình chữ nhật ghè đẽo vuông vắn với bốn cửa Đông - Tây - Nam (cửa chính), Bắc đồ sộ đều xây vòm cuốn.

Việc dời đô về An Tôn của Hồ Quý Ly là để phòng chống giặc xâm lăng từ phía bắc là chủ yếu. Mặt khác, ông muốn rời Thăng Long bởi đó là nơi gắn với vương hầu quý tộc nhà Trần gần hai thế kỷ. Tầng lớp vương hầu quý tộc này đang là đối thủ một mất một còn của ông. Do vậy, việc dời đô là ý muốn chủ quan của Hồ Quý Ly nhưng hoàn toàn không phiêu lưu, được Hồ Quý Ly tính toán cân nhắc cẩn thận.
(còn nữa)
Dương Tuấn

Bình luận(0)