3 công chúa “hồng nhan bạc mệnh” của triều Nguyễn

Google News

Ba người chị em ruột này nổi tiếng về tài năng thơ phú, nhưng đều phải chịu những cảnh ngộ trớ trêu trong đời tư giữa chốn cung đình của mình.

(Kienthuc.net.vn) - Ba người chị em ruột này nổi tiếng về tài năng thơ phú, nhưng đều phải chịu những cảnh ngộ trớ trêu trong đời tư giữa chốn cung đình của mình.

Cả ba đều là con gái của vua Minh Mạng với bà Thục Tần Nguyễn Thị Bửu. Họ lần lượt có tên tự là Trọng Khanh,Thúc Khanh và Quý Khanh, nên được mệnh danh là Tam Khanh của nhà Nguyễn.

Công chúa Nguyệt Đình

Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824-1892) tự Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, là con gái thứ 18 của vua Minh Mạng, chị cả trong Tam Khanh của nhà Nguyễn.

Thuở bé bà ở trong cung, đến năm 1849 thì cùng mẹ và hai người em gái ra ở Tiêu Viên trong phủ của anh trai là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, đồng thời cũng là một nhà thơ nổi tiếng đương thời.
 

Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được Tùng Thiện Vương dẫn dắt nên Nguyệt Đình sớm bộc lộ khả năng thi phú của mình.

Năm 1850, bà kết hôn với Phạm Đăng Thuật, là con trai của Phạm Đăng Hưng, em của Phạm Thị Hằng, mẹ vua Tự Đức sau này. Hai vợ chồng cùng có tài nghệ thuật nên sống với nhau rất tâm đầu ý hợp. Tuy vậy, hai vợ chồng chỉ sinh được một con gái tên Uyển La, lại mất sớm vì bệnh tật.

Năm 1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lược Việt Nam. Bi kịch tiếp tục xảy ra với Nguyệt Đình vào năm 1861, khi chồng bà vâng mệnh triều đình vào Nam Kỳ và chết vì việc nước.

Từ đó Nguyệt Đình thủ tiết, nuôi một đứa cháu là Phạm Đăng Tiến làm thừa tự, nhưng rồi thấy Tiến vô hạnh nên bà từ bỏ, dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng. Bà mất năm 1892, dưới triều vua Thành Thái, được táng chung một chỗ với chồng.

Công chúa Nguyệt Đình có để lại bản thảo thơ gọi là Nguyệt Đình thi thảo, nhưng chưa được in ấn và hiện nay đã thất lạc hoàn toàn.

Công chúa Mai Am

Nguyễn Phúc Trinh Thận (1826 – 1904), tự Thúc Khanh, Nữ Chi, hiệu Diệu Liên, bút danh Mai Am là con gái thứ 25 của vua Minh Mạng.

Cùng với hai người chị em khác trong Tam Khanh, Lúc nhỏ bà sống trong Tử Cấm Thành, sau dời về Tiêu Viên của Tùng Thiện Vương, được tiếp xúc với thơ phú từ khi còn nhỏ.

Trong Tam Khanh, Mai Am được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất. Bà là người sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, nơi bà chủ trì các đêm thơ có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ.

Năm 1850, bà kết hôn với hiệu úy Thân Trọng Di - cháu nội quan đại thần Thân Văn Quyền. Cuộc sống của bà với chồng tuy nhìn bề ngoài có vẻ yên ấm, nhưng bên trong thì không được hòa hợp.
 
Năm 1863, bà mới sinh con trai đầu lòng đặt tên Thân Trọng Mậu. Tuy nhiên, Mậu bị bệnh qua đời khi chưa đầy 5 tuổi. Vì đau đớn, bà đã làm 15 bài thơ khóc con. Sau này Mai Am không sinh thêm người con nào nữa.

Năm 1885, chồng bà theo vua Hàm Nghi ra Quảng Trị chống Pháp và mất tích giữa rừng trong một cuộc tấn công của kẻ thù, mãi mãi không tìm thấy xác. Mai Am lại viết 15 bài thơ khóc chồng, được khắc trên ngôi mộ giả của ông. Đến năm 1904 bà qua đời ở tuổi 79.

Hầu hết những sáng tác của Mai Am tập trung trong tập thơ chữ Hán mang tên Diệu Liên thi tập hay Lại Đức công chúa Diệu Liên tập, gồm 370 bài, còn được lưu giữ đến nay. Các tác phẩm của bà đã nhận được sự ca tụng của nhiều danh sĩ đương thời cũng như sau này.

Công chúa Tĩnh Hòa

Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1830 - 1882), tự Quý Khanh, Dưỡng Chi, hiệu Huệ Phố, biệt hiệu Thường Sơn, là con gái thứ 34 của vua Minh Mạng và là cô út trong Tam Khanh.

Cũng như hai người chị, Huệ Phố được lớn lên trong sự đào tạo bài bản về nghệ thuật. Vốn là người thông minh, bà sớm thông thạo kinh sử, thơ phú và âm nhạc.

Năm 1853, Tĩnh Hòa kết hôn với phò mã Đặng Huy Cát. Vì cùng yêu thích thơ ca nên hai người sống rất tâm đầu ý hợp. Nhưng đường con cái của Tĩnh Hòa cũng không được trọn vẹn. Bà sinh được 4 người con thì 3 người chết sớm. Người con còn lại là Đặng Hữu Phổ thi đỗ Cử nhân và làm đến chức Thị độc Nội các.

Khi Tôn Thất Huyết dấy binh chống Pháp, hai cha con Đặng Huy Cát - Đặng Hữu Phổ đã đi theo quân khởi nghĩa. Trong một cuộc tấn công quân Pháp ở Quảng Điền (Huế) năm 1885, cả hai đã bị bắt. Đặng Hữu Phổ bị kết án tử hình cùng năm, còn Đặng Huy Cát bị tù đày.

Dù vậy, bà đã không phải chứng kiến những biến cố đau đớn này vì đã qua đời trước đó ba năm (1882).

Công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa mất để lại cho hậu thế một tác phẩm duy nhất là Huệ Phố thi tập. Sáng tác này gồm bốn quyển với 216 bài thơ chữ Hán do bà viết từ năm 1845 cho đến những ngày cuối đời.

Hoàng Phương
[links()]

Bình luận(0)