Chúa Trịnh có dã tâm cướp ngôi báu của Vua Lê?

Google News

Việc Trịnh Cương phế con trưởng của Vua Lê, lập cháu ngoại Duy Phường làm Thái tử, khiến dư luận thời đó cho rằng, nhà chúa thực chất đã cướp ngôi báu...

Việc Trịnh Cương phế con trưởng của Vua Lê, lập cháu ngoại Duy Phường làm Thái tử, khiến dư luận thời đó cho rằng, nhà chúa thực chất đã cướp ngôi báu...

Trịnh Cương (1686 - 1729) là vị Chúa Trịnh thứ 6 thời Lê Trung Hưng. Ông là con của chúa Trịnh Căn. Năm Kỷ Sửu (1709), Trịnh Căn mất, Trịnh Cương nối ngôi, gia phong là Nguyên soái tổng quốc chính An Ðô vương. Tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714), Trịnh Cương lại được tiến phong Ðại nguyên soái tổng quốc chính Thượng sư An vương... Ông rất chú trọng đến việc bổ dụng và làm trong sạch đội ngũ quan lại; có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị.
 
Mất ở tuổi 44, cầm quyền 20 năm, Trịnh Cương không giống như các Chúa Trịnh trước và sau mình, dù sinh ra và trưởng thành cũng như cai trị trong thời hoà bình, ông đã sớm tỏ ra là người chín chắn, tận tụy khi tiếp quản cơ nghiệp của nhà chúa và củng cố thêm nền cai trị ở Bắc Hà. Ông không có biểu hiện xa hoa hưởng thụ, không có thái độ hống hách kiêu căng, luôn giữ đúng lễ nghĩa vua tôi...

Vua Lê Chúa Trịnh.
Vua Lê Chúa Trịnh.

Minh chứng là khi được tiến phong Đại nguyên soái Tổng quốc chính Thượng sư An vương, Chúa Trịnh Cương đã đích thân vào bái yết Thái Miếu và chầu Vua Lê Dụ Tông. Ông cũng đã từ chối không làm theo lời khuyên của một số quần thần thân tín như Nguyễn Công Hãng hay Trịnh Quán về việc dùng y phục màu vàng để tiếp kiến bề tôi và chỉ dùng y phục màu tía cho khác các quan chút đỉnh vì ông không muốn vi phạm độc quyền của nhà vua trong việc này. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục dẫn lời Trịnh Cương: "Ta nối giữ cơ nghiệp chúa, giúp rập nhà vua. Về sự tôn kính nhà vua, ta luôn luôn để trong bụng. Sắc vàng là đồ mặc của thiên tử, ta đâu dám dùng. Nay phủ liêu từ quan tứ phẩm trở lên dùng áo sa hoặc đoạn, thì về phần ta chỉ nên dùng sắc tía để phân biệt mà thôi”.

Không dừng ở đó, vào tháng Giêng năm Giáp Thìn (1724), Vua Lê bị đau chân, Trịnh Cương được thay mặt lên tế đàn Nam Giao. Các triều thần thân cận lại khuyên ông theo như nghi lễ của nhà vua mà thân vào lễ. Thế nhưng, Chúa Trịnh Cương đã lựa chọn chỗ đứng lễ ở sân điện Chiêu Sư, khác chỗ vua Lê vẫn đứng để giữ nghiêm đạo vua tôi... Và có lẽ vì thế, thiên hạ rất kính phục Trịnh Cương.

Sử sách chép rằng, ở điều kiện như Trịnh Cương mà làm được như Trịnh Cương không phải dễ và cũng không có nhiều trong lịch sử Việt Nam. Một vị chúa cẩn trọng và mực thước như thế trong việc giữ đạo vua tôi hiển nhiên là đã khiến thiên hạ thêm phần tin phục. Tuy nhiên, lật lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Trịnh Giang, có một việc làm của ông từng khiến dư luận một thời bàn ra tán vào, gây điều tiếng xấu.

Chuyện xảy ra vào tháng 7 năm Đinh Mùi (1727), Chúa Trịnh Cương đã lập con thứ của Vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Phường làm Thái tử khiến cho triều thần xôn xao, bởi lẽ trước đó hơn 10 năm, con trưởng của nhà vua là Lê Duy Tường đã được lập làm Thái tử và điều quan trọng là, trong suốt thời gian đó, Duy Tường chưa hề làm việc gì phạm lỗi để phải chịu nỗi đau này.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Đầu tiên, con trưởng của nhà vua là Lê Duy Tường (28 tuổi) được phép ra ở Đông cung được hơn 10 năm. Sau đó, có một người em cùng cha khác mẹ là Duy Phường (19 tuổi) do bà Trịnh Thị sinh ra. Trịnh Cương muốn phế người này lập người kia, nhưng lại khó bề kiếm cớ. Trịnh Cương bèn cùng bọn Tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn luận việc ban cấp tước hiệu cho hoàng thân một cách rõ ràng hơn và nhân đó, trao cho Lê Duy Tường tước Quận công, hàm tứ phẩm và lập Lê Duy Phường làm Thái tử".

Như vậy, con trưởng của Dụ Tông đã ra ở Đông cung thì hiển nhiên ngôi vua sẽ là của Thái tử Duy Tường, nên hà cớ gì Trịnh Cương được phép phế Duy Tường để lập Duy Phường? Giải thích chuyện này, sử cũ ghi rằng, Duy Phường do chính cung sinh ra, mà Chính cung lại chính là con gái của Chúa Trịnh, nên chẳng qua là Trịnh Cương muốn lập cháu ngoại - trước là để con gái được quý hiển và sau là để mượn danh của con cháu để thỏa lòng riêng của mình.

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vì chuyên quyền và manh tâm làm chuyện phế lập, Trịnh Cương mới bày trò quanh co, cho các quan bàn việc phong quan ban tước. Nhờ đó, chẳng bao lâu sau, Trịnh Cương ép Vua Lê nhường ngôi cho Duy Phường, bề ngoài là giả thác truyền ngôi, nhưng bên trong thực chất là cướp ngôi cho cháu ngoại. Trịnh Cương coi đặt ngôi vua như đánh cờ và các quan cứ thế phụ họa theo...

Bàn về việc làm này của Chúa Trịnh, Nguyễn Khắc Thuần đã viết trong Việt sử giai thoại: Trịnh Cương đã làm một việc mà được ba điều lợi. Một là khẳng định cho thiên hạ biết "cả đến ngôi vua cũng do mình sắp đặt, muốn cho ai thì người đó được hưởng, nên với các quan thì lấy đó làm điều khắc cốt ghi tầm, đừng làm điều gì trái ý Chúa". Hai là việc thay Thái tử lớn bằng Thái tử bé sẽ giúp nhà chúa càng dễ dàng điều khiển và từ đó, ngôi vị của Chúa lại càng thêm vững chắc. Và cuối cùng là Trịnh Cương làm Chúa, con gái làm Thái hậu, cháu ngoại làm Vua thì giang sơn tuy không chính thức trên giấy tờ của Trịnh Cương nhưng thực chất bên trong là của nhà chúa.

Năm 21 tuổi, Lê Duy Phường lên ngôi vua, tức Lê Đế Duy Phường, đặt niên hiệu là Vĩnh Khánh. Thế nhưng, chỉ 3 năm sau đó, năm 1732, Vua Vĩnh Khánh bị ép ra ở cung riêng. Những thứ cung đốn cho vua dùng đều bị Chúa Trịnh Giang (nối ngôi sau khi Trịnh Cương mất năm 1729) hạ lệnh xén bớt đi.

Tháng 8 năm 1732, Trịnh Giang vu cho Vua Vĩnh Khánh tư thông với vợ Trịnh Cương, rồi phế bỏ ông làm Hôn Đức Công; lập Lê Duy Tường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông. Duy Phường bị dời đến ở một ngôi nhà ở bên ngoài.

Tháng 9 năm 1735, Trịnh Giang sai người thắt cổ giết Lê Duy Phường. Lúc đó, ông 27 tuổi.

(Theo Đất Việt)

[links()]

Bình luận(0)