Bệnh nhân viêm tụy cấp thoát chết nhờ lọc máu liên tục

Google News

(Kiến Thức) -Thấy đau bụng, khó chịu trong người, anh Hoàng Đắc Hoan (44 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội) bảo vợ cho đi viện. Gần như cùng lúc đó, anh cũng quỵ luôn. Anh được bệnh viện nơi cấp cứu ban đầu chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì phát hiện các biểu hiện lâm sàng nặng nề.

Mỗi ngày 2 lít dịch đen!
Tại Bệnh viện Bạch Mai, khi tiếp nhận bệnh nhân Hoan, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân ở trong tình trạng nặng với biểu hiện suy đa phủ tạng tiến triển nhanh bao gồm suy hô hấp, tuần hoàn, suy gan, suy thận... Bệnh nhân đã được đặt ống thở hỗ trợ hô hấp rồi chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục đánh giá, điều trị.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, với sự phối hợp các triệu chứng diễn biến, chụp cắt lớp ổ bụng và các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận định đây là một tình trạng viêm tụy cấp hoại tử nặng với biến chứng suy đa phủ tạng. Để điều trị tích cực bệnh nhân, các bác sĩ đã cho thay huyết tương, lọc máu liên tục đồng thời dẫn lưu ổ bụng để lấy dịch hoại tử.
Nói về ca này, BS Mai Văn Cường – bác sĩ điều trị cho bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân đến khoa khi đã vào ngày thứ 3 của bệnh. Trong 1 tuần lọc máu liên tục và chọc dẫn lưu, mỗi ngày ra gần 2 lít dịch đen xì... giống như nước cống thải. Dịch hoại tử quá nhiều, dẫn lưu không thể hết khiến các bác sĩ phải mời hội chẩn ngoại khoa. Bệnh nhân đã được đưa lên bàn mổ để lấy các tổ chức hoại tử, đồng thời lấy hết các dịch còn tồn đọng. Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân được bỏ máy thở, dừng lọc máu, bắt đầu cho ăn qua đường miệng.
Benh nhan viem tuy cap thoat chet nho loc mau lien tuc
Bệnh nhân Hoan trên giường bệnh. 
Bệnh do rượu
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Hoan bị viêm tụy cấp do rượu. Trước đây, các trường hợp như thế này, tỷ lệ tử vong là 50%. Nay nhờ kỹ thuật lọc máu và dẫn lưu ổ bụng, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống chỉ còn 10%. Đây là trường hợp nặng bởi lọc máu và dẫn lưu ổ bụng vẫn chưa đủ cứu sống, bệnh nhân đã phải mổ để hút dịch, đồng thời thay huyết tương, tức là phải kết hợp nhiều cách mới có thể cứu được.
Phóng viên KH&ĐS có mặt ở Khoa Hồi sức tích cực khi bệnh nhân Hoan đã qua cơn “thập tử nhất sinh”. Anh nằm trên giường bệnh, tỉnh nhưng còn yếu. Hỏi anh có hay uống rượu không, anh thều thào: “Uống nhiều. Ngày 1 lít”. Hỏi: “1 lít thì có say không?”, anh gật. Hỏi: “Uống rượu trắng à?”, lại gật. Do còn mệt nên trước các câu hỏi, anh chỉ gật và lắc, nhưng khi hỏi: “Ra viện, anh có uống rượu nữa không?”, anh quả quyết: “Bỏ 100%”.
BS Mai Văn Cường thì tỏ ra chưa tin lắm với lời quả quyết của bệnh nhân, bởi “Nhiều bệnh nhân khi nằm viện thì nói “chắc như đinh đóng cột” là bỏ rượu, ra viện một thời gian lại thấy nhập viện với bệnh cảnh tương tự, bác sĩ biết ngay là lại uống”.
Vẫn với sự thận trọng, BS Mai Văn Cường cho biết: Dù cấp cứu và điều trị được 22 ngày, nhưng thời điểm hiện tại mới chỉ dám chắc qua khỏi được 80 - 90%. Chỉ khi bệnh nhân được rút hết các ống dẫn lưu, ngồi dậy được thì mới khả quan hơn.
Theo BS Mai Văn Cường, bệnh viêm tụy cấp rất dễ tái phát vì người bệnh dù ra viện vẫn như “viên gạch non”, do đó phải hết sức giữ gìn, tái khám định kỳ và theo dõi chặt chẽ. Nhiều trường hợp sau khi về, bệnh nhân ăn uống kém, đi ngoài phân sống (do tụy bị hoại tử nên ảnh hưởng đến tiêu hóa); một số lại mắc tiểu đường do viêm tụy. Bệnh nhân cũng có thể gặp những biến chứng liên quan đến suy kiệt, viêm tụy mạn tính, hình thành các nang giả trong tụy... Vì vậy, cứu được bệnh nhân là một thành công, nhưng nếu ngay từ đầu, người dân không uống rượu thì sẽ hạn chế được khả năng viêm tụy cấp, hạn chế việc tổn thương không hồi phục nhiều cơ quan trong cơ thể.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):
Hoài Hương

>> xem thêm

Bình luận(0)