“Trâu già, cỏ non”: Ăn rồi bảo chưa ăn

Google News

Cả 3 chị em tôi thì đều lấy chồng già. Thế là trong nhà tôi đã xảy ra bao nhiêu chuyện buồn vui

(Kienthuc.net.vn) - “Bố tôi ít hơn mẹ 3 tuổi. Nhưng cả 3 chị em tôi thì đều lấy chồng già. Thế là trong nhà tôi đã xảy ra bao nhiêu chuyện buồn vui” - độc giả Nguyễn Minh An, Vĩnh Phúc chia sẻ.

Cười ra nước mắt

Chị cả tôi kém anh rể tới 27 tuổi. Mẹ tôi lúc ấy mới 50, còn mẹ anh rể đã 81 tuổi. Lần đến nhà anh rể chơi cho “biết nhà biết cửa”, vừa bước vào mẹ tôi đã ngay lập tức lễ phép “con chào cụ” khiến chồng tương lai của chị tôi sững ra còn mọi người thì bấm  nhau cười thầm.

Suốt bữa cơm dù đã cố gắng nhưng thi thoảng mẹ tôi vẫn nhầm, xưng “con” một tiếng. Sau ấy, tất cả các cuộc gặp mặt thông gia sau này, mẹ tôi và mẹ anh đều không tham dự mà ủy quyền cho người khác đi thay.

Bây giờ anh chị cả tôi đã lên chức ông bà. Cuộc sống mấy chục năm tưởng đã xuôi chèo mát mái thì ở tuổi thất thập cổ lai hi, anh tôi lại rơi vào trạng thái lẫn mà nhất nhất những việc anh lẫn đều liên quan đến chị tôi.

Hàng xóm sang chơi, hỏi thăm bác đã ăn cơm chưa, anh rể cả tôi dõng dạc: “Chưa. Đói lắm, dạo này bà ấy toàn bắt tôi nhịn”. Cứ gặp con cháu là kể lể: “Mẹ mày lấy hết tiền của tao cất rồi”. Anh còn khóc hu hu bảo bị đánh.

Anh rể hai của tôi thì chỉ hơn vợ 15 tuổi. Anh tôi giữ vợ như giữ vàng. Anh đối với chị, với nhà tôi thật không gì có thể chê trách, trừ một điểm – anh quá ghen.

Chị hai tôi ra khỏi nhà là không được mặc đẹp. Lúc anh chị tôi mới cưới nhau, anh rể tôi chỉ cho chị mặc đồ rách vá ra khỏi nhà. Nếu chị chải chuốt một tí thì y như rằng anh đá thúng đụng nia, rằng làm đẹp cho thằng nào ngắm rồi xầm xầm xì xì.

 

Ảnh minh hoạ

 

Cứ tưởng cái sự ghen tuông sẽ mất đi khi chị tôi về già, ai dè nó càng nhiều hơn. Chị tôi đi làm, anh thuê xe ôm đến ngồi quán trà đá cạnh cơ quan; chị tôi đi công tác anh đòi các con mua vé cho để… đi cùng. Trong nhà, anh không cho treo gương.

Có lần, thấy chị có cái gương nhỏ xíu cất trong túi xách anh đã bù lu bù loa ầm nhà: “Mẹ mày soi gương để tiếc mình là bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu chứ gì? Đi ra ngoài cho lắm vào, nhìn bọn trai trẻ cho lắm vào, giờ về nhà chê chồng”. Chị tôi đã phải xin nghỉ hưu trước tuổi để ở nhà… cho anh yên tâm.

Quên đi oái oăm

Vợ chồng hai anh chị tôi, trừ những lúc vui buồn ấy, vẫn luôn rất hạnh phúc. Anh - chị nhìn vào điểm tốt của nhau mà hài lòng, mà quên đi những sự “oái oăm” khác.

Còn chồng tôi, cũng hơn tôi tới 20 tuổi nhưng vẫn tham gia các thú vui, các sở thích của vợ. Tôi cũng học uống tí nước chè, chơi mấy ván cờ. Có lúc chúng tôi tự biến nhau thành đôi vợ chồng già mẫu mực, có lúc tự đổi gió xì – tin.

Chúng tôi trao đổi với nhau mọi chuyện, từ chuyện cơ quan đến chuyện gối chăn, từ chuyện hài lòng đến những điều không vui để thông cảm cho nhau. Chuyện gì có thể cải thiện được vợ chồng tôi cùng nhau cố gắng, chuyện gì không, chúng tôi rõ ràng “xin hàng”.

Chồng tôi sẵn sàng đi học nhảy với tôi trong lớp học toàn người trẻ hơn. Tôi sẵn sàng cùng anh đi nghe thời sự ở câu lạc bộ hưu trí. Ở đâu người ta chào anh là bác thì tôi xưng cô, ở đâu người ta gọi tôi là chị thì chồng tôi cũng xưng anh ngọt xớt.

Tôi đã đọc, đã thấy các bạn kêu ca rất nhiều chuyện “trâu già, cỏ non”. Nhà tôi có “gien” cộc lệch. Thế mà tất cả chị em tôi đều sống rất hạnh phúc. Ấy là bởi chúng tôi tự biết mình, biết người. Vợ chồng sống với nhau, tôi tin rằng, chỉ cần có đủ yêu thương, chân thành, sự cởi mở tất sẽ có sự chia sẻ. Mà cuộc sống có chia sẻ, là đã đủ 90% nhân tố cho hạnh phúc rồi.

Huyền Thanh (ghi)

[links()]

Bình luận(4)

Minh Hiền

Nguyễn Hường

Nhẹ nhàng, dễ chịu, rất cần thiết nữa. Nói một cách lí thuyết, tôi thấy bài viết này đúng là kiểu "điển hình tiêu biểu" cần nhân rộng để người đọc nhìn vào thấy tin yêu cuộc sống không; chứ nếu cứ quẩn quanh trâu già lừa cỏ non; cỏ non mê tài sản trâu già... thì cuộc sống thật là bi kịch.

Minh Hiền

Nguyễn Hường

Nhẹ nhàng, dễ chịu, rất cần thiết nữa. Nói một cách lí thuyết, tôi thấy bài viết này đúng là kiểu "điển hình tiêu biểu" cần nhân rộng để người đọc nhìn vào thấy tin yêu cuộc sống không; chứ nếu cứ quẩn quanh trâu già lừa cỏ non; cỏ non mê tài sản trâu già... thì cuộc sống thật là bi kịch.

Minh Hiền

Hoàng Duy

Trong loạt bài trâu già của quý báo, tôi thấy bài viết này có ý nghĩa nhất. Gia đình nào cũng có sự khập khiễng về cái này hay cái khác, có đầm ấm hay không là ở cách ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau. Tôi nhận thấy rõ ràng đây là một gia đình rất nền nếp, có văn hóa, xứng đáng là điển hình mẫu mực để các gia đình cùng hoàn cảnh nhìn vào mà học tập.

Minh Hiền

Lê Thị Bình

Xin chúc mừng!
Đọc câu chuyên trên thấy các anh chị ứng xử với nhau thật "quá phải đạo". Người xưa có nói đại ý rằng "phu thê tương kính như tân" thật đúng với cảnh của các anh chi. Quá ngưỡng mộ. Tôi thì lại "có phúc hơn chồng 2 tuổi", cho nên cứ phải "chạy theo" lão ấy suốt. "Lão"nuôi cá cảnh, "lão thích chăm chim- chim cảnh, thích chăm cây cảnh, thích yên tĩnh, tôi cũng cứ theo y như vậy, chẳng qua lúc đầu là kệ "lão" nhưng sau này dần dần ngẫm ra thấy .."hay hay..." thế là "ông " thích gì tôi chiều. Cho nó yên và vui cửa vui nhà, cái "thói" ấy có hại gì đâu nhưng nó khiến người ta nghĩ về đời, về mình. Lắm lúc thấy cũng thương, đi làm về tối mịt còn lụi hụi thay nước bể cá, dọn chuồng gà, xem xem hôm nay con bạc má sao lại hót tiếng nghe lạ quá...dần dần tôi "nhiễm" cái bệnh " sống chậm" của "lão". Thấy cũng tốt .
Chia sẻ với các anh chị