Bảo quản vắc xin: Học xứ người

Google News

(Kiến Thức) - Vắc xin là loại chủng ngừa cần phải được bảo quản rất nghiêm ngặt ở nhiệt độ, ánh sáng quy chuẩn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Vắc xin được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Y tế công cộng trong thế kỷ 20. Đây là loại dược phẩm đặc biệt đã góp phần rất lớn đẩy lùi nhiều bệnh tật và giảm tỷ lệ tử vong cho con người. 
Vắc xin cũng là vũ khí hữu hiệu chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bại liệt, sởi, viêm não, góp phần quan trọng hạn chế những di chứng gây tàn phế dai dẳng cho bệnh nhân; tiết kiệm được nhiều chi phí cho gia đình và xã hội. 
Tuy nhiên, quy trình bảo quản vắc xin phải tuân thủ những nguyên tắc rất nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn cho loại dược phẩm được gọi là "mỏng manh" này.
Quy trình bảo quản vắc xin nghiêm ngặt tại Mỹ
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), quy trình tiêm chủng và bảo quản vắc xin ở nước này được thực hiện rất nghiêm ngặt, phải được thực hiện bảo quản đúng cách, kể từ khâu sản xuất cho đến khâu dự trữ.
Quy trình bảo quản và lưu trữ vắc xin ở Mỹ được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Theo tài liệu lưu trữ và xử lý vắc xin của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC, vắc xin được lưu trữ theo một quy trình rất nghiêm ngặt được gọi là “dây chuyền lạnh”. Một dây chuyền lạnh thích hợp phải kiểm soát được nhiệt độ quy chuẩn trong việc vận chuyển và lưu trữ và xử lý các loại vắc-xin từ thời điểm nhà sản xuất để quản lý.
Vắc xin là loại chủng ngừa cần phải được bảo quản rất nghiêm ngặt, ở nhiệt độ, ánh sáng khuyến cáo của nhà sản xuất. vắc xin vẫn còn có tác dụng nếu được bảo quản trong môi trường đóng băng, nhưng tác dụng sẽ ngắn hơn nếu bị tan chảy.
Vắc xin cũng có thể bị hư hỏng hoặc vô dụng do tiếp xúc với nhiệt độ biến động (từ quá nóng chuyển sang quá lạnh).
Trong đó tài liệu ghi rõ nhiệt độ trung bình để bảo quản vắc xin là từ 2 đến 5 độ C. Các thiết bị lưu trữ vắc xin phải được lựa chọn cẩn thận, sử dụng đúng cách và được theo dõi, giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo nhiệt độ quy chuẩn được duy trì. Nếu để vắc xin tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài có thể giảm hiệu quả và thay đổi cấu trúc.
Bởi lưu trữ vắc xin lỗi có thể dẫn tới thiệt hại hàng tỷ USD, không những thế nó còn gây nguy hiểm tính mạng cho người dùng, làm mất lòng tin ở bệnh nhân.
Tài liệu cũng nhấn mạnh các sự cố như mất điện hoặc thảm họa tự nhiên không phải là những yếu tố duy nhất khiến vắc xin biến đổi. Các cơ sở lưu trữ vắc xin luôn phải trong tình trạng sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu nhất. Bảo quản không đúng nhiệt độ hoặc tiêm chủng không đúng cách có thể biến vắc xin thành liều thuốc độc chết người.
Bảo quản vắc xin tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng
Phản ứng sau tiêm vắc xin gồm các mức độ: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc, trụy mạch, sốt cao, thậm chí sốc, nguy hiểm đến tính mạng (rất hiếm).
Trở lại vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng trị, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa cho biết, vắc xin được bảo quản đúng quy trình, còn hạn sử dụng và được tiêm bởi 1 nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm có trên 20 năm công tác.
Lô vắc xin tiêm cho 3 trẻ sơ sinh do Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hướng Hóa nhận từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, tên vắc xin là viêm gan B do Cty TNHH MTV vắc xin sinh phẩm số 1- Việt Nam sản xuất thuộc số lô V-GB-020812E và V-GB-030812E, có hạn dùng đến tháng 7/2015. 
vắc xin được vận chuyển trên xe có hệ thống điều hòa, có thùng lạnh (coldbox) đựng vắc xin rồi xuất cho bệnh viện Hướng Hóa.
Tuy nhiên, tại bệnh viện vào sáng 20/7 xảy ra mất điện từ lúc 5h đến hơn 7h. Trong thời gian đó, vắc xin được bảo quản ở tủ lạnh không có điện
Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo BVĐK Hướng Hóa cho biết, điện bị mất trong vòng 2 tiếng, vắc xin được bảo quản không có vấn đề gì. Trước đó vào ngày 19/7, có một trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin này, người nhà của trẻ là chị Nguyễn Thị Hòa (trú tại khóm 2, TT. Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) cho biết, cháu khỏe mạnh và bình thường.
Đến ngày 20/7, trong số 3 liều vắc xin được tiêm cho 3 trẻ sơ sinh thì có một liều còn lại cùng lô với liều vắc xin đã tiêm cho trẻ vào ngày 19/7 ở trên, thế nhưng cả 3 trẻ sau khi tiêm đều tử vong ngay sau đó. 
Điều này khiến dư luận nghi ngại về quy trình bảo quản vắc xin. Liệu việc bảo quản trong tủ lạnh bị mất điện hơn 2 giờ đồng hồ có ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin không?
Trong khi đó, kết luận của cơ quan chức năng cho thấy: quy trình bảo quản vắc xin ở bệnh viện này chưa đúng quy định: để vắc xin cùng sinh phẩm khác; không ghi chép quản lý vắc xin hằng ngày, không lưu vỏ, lọ theo quy định; y tá đã không triển khai tiêm vắc xin tại phòng tiêm riêng mà tiêm tại phòng bệnh...

Theo phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, một số vắc xin ở Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ cũ, vì thế tỷ lệ phản ứng và một số chuyện rắc rối thường gặp hơn. 

 

vắc xin cũng như các loại thuốc điều trị khác, khi sử dụng đều có phản ứng nhất định không thể tránh khỏi dù thế hệ cũ hay mới. Lý do vì cơ địa mỗi người có phản ứng khác nhau. 

HL (CDC/TH)

Bình luận(0)