Chuyện éo le ở phòng “canh trứng” viện sản

Google News

Cuộc “hôn phối” của “nàng trứng” và “chàng nòng nọc” là niềm hạnh phúc tột đỉnh của nhiều người, nhưng cũng có khi là nỗi đau đến cắt da cắt thịt của không ít người mẹ. 

Cuộc “hôn phối” của “nàng trứng” và “chàng nòng nọc” là niềm hạnh phúc tột đỉnh của nhiều người, nhưng cũng có khi là nỗi đau đến cắt da cắt thịt của không ít người mẹ. 

1001 chuyện éo le

Nằm trong phòng hậu phẫu của Bệnh viện Phụ Sản T.Ư, khuôn mặt chị Thúy (28 tuổi, Thanh Hóa) chưa hết vẻ thất thần. Chị vừa trải qua một cơn thập tử nhất sinh cũng chỉ bởi sự đỏng đảnh của “nàng trứng và chàng nòng nọc”.

Chị Thúy sinh đứa con đầu lòng cách đây 5 năm. Vợ chồng chị dự định sinh tiếp một em bé nữa. Gần 2 năm nay, anh chị thôi dùng các biện pháp kế hoạch, soi ngày rụng trứng, uống thuốc kích noãn… mà không vẫn hoàn không.

Thời gian gần đây, anh chị chán nản, không quan tâm đến chuyện sinh con nữa, thì bỗng nhiên chị thấy người khang khác, tuy nhiên, chu kỳ vẫn bình thường. Chị chưa kịp đi khám lại thì phải nhập viện vì trứng làm tổ ngay trên vòi dẫn, có nguy cơ vỡ phải mổ gấp.

Bệnh nhân Hà (Quảng Ninh) lấy chồng đã gần 10 năm mà chưa có con. Từ thầy thuốc Tây học đến các bà lang, cứ nghe ở đâu có người chữa vô sinh là chị đến. Với các bác sỹ khoa hiếm muộn của Bệnh viện Phụ Sản T.Ư, chị cũng quen mặt như người nhà.

Sau khi sử dụng hết các biện pháp có thể để mang thai tự nhiên nhưng không được, chị dự định sau một thời gian ngưng dùng các loại thuốc, bồi bổ cơ thể, chị sẽ dùng biệp pháp cuối cùng là thụ tinh trong ống nghiệm. Thật bất ngờ khi chị phát hiện mình đã có “hai vạch”.

Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu khi bác sỹ cho biết trứng đã làm tổ ngoài tử cung, và phải mổ, cắt bỏ một bên vòi trứng.

Không nằm trong kế hoạch sinh con vì đã có 3 đứa đủ nếp đủ tẻ, đứa lớn đã học năm thứ 4 đại học, nên chị Thủy (Gia Lâm) “phòng ngừa” rất kỹ. Mới đây, do chiếc vòng để lâu quá phải thay, chưa kịp đặt lại, sau lần sinh hoạt không an toàn, chị đã dùng viên tránh thai khẩn cấp. Một tuần sau đó, chị bị rong kinh nửa tháng, nghĩ là tác dụng phụ của thuốc tránh thai, đặc biệt khi “đến hẹn”, chị vẫn “thấy tháng” như bình thường nên chị khá yên tâm.

 Ảnh minh họa.

Đến khi bị một cơn đau bụng dữ dội, quặn lên từng cơn như khi chuyển dạ, chị vẫn chắc mẩm việc loại trừ khả năng có thai. Đưa vợ đã ngất lịm đi cấp cứu mà chồng chị Thủy vẫn hoang mang không biết vợ mình bị căn bệnh gì. May mà bệnh viện phụ sản thuộc tuyến bệnh viện trung ương gần nhà nhất nên chị đã may mắn được cấp cứu đúng bệnh và kịp thời, thoát chết trong gang tấc.

Mối đe dọa chỉ đứng sau vi khuẩn HPV

Theo thuật ngữ y khoa, chửa ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí ngoài buồng tử cung. Đây là một bệnh lý cấp cứu sản phụ khoa thường gặp.

Xác định nguyên nhân chửa ngoài tử cung rất khó. Nó có thể do các bệnh phụ khoa như các khối u, dị dạng vòi trứng, viêm nhiễm vòi trứng… chất nicotin, trực khuẩn lao cũng bị coi là một thủ phạm của chứng chửa ngoài tử cung.

Không xác định rõ nguyên nhân, các triệu chứng của chửa ngoài tử cung cũng rất khó nhận biết. Ví như rong kinh, trễ kinh, cũng có trường hợp, sản phụ bị ốm nghén biểu hiện ở việc buồn nôn và nôn hay đau âm ỉ ở vùng bụng dưới… Những triệu chứng đó dễ kiến sản phụ nhầm lẫn với việc mình bị rối loạn kinh nguyệt hoặc bị lẫn với triệu chứng có thai giai đoạn đầu.

Tuy khó nhận biết, nhưng chửa ngoài tử cung lại có biến chứng rất nguy hiểm. Nếu phát hiện sớm, khối thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng cách tiêm thuốc để thai ngừng phát triển, tự loại trừ khỏi cơ thể.

Nhưng nếu phát hiện muộn cần phải phẫu thuật để lấy khối thai. Hầu hết các ca bệnh khi phát hiện muộn, đặc biệt là khối chửa đã vỡ phải can thiệp bằng phẫu thuật đều phải cắt bỏ vòi trứng nơi có khối chửa. Nhiều trường hợp khối chửa đã vỡ còn khiến bệnh nhận nguy hiểm đến tính mạng vì mất máu cấp, trụy tim mạch như trường hợp của chị Thủy.
Sau một ca chửa ngoài tử cung, bệnh nhân cũng dễ bị vô sinh do vòi trứng bị tắc, đặc biệt là tỷ lệ tái phát chửa ngoài tử cung ở những lần sau rất dễ xảy ra.

Mang mối nguy hiểm chỉ đứng sau vi khuẩn HPV gây ung thư cổ tử cung ở chị em phụ nữ, chửa ngoài tử cung đang thực sự là nỗi lo ngại của chị em độ tuổi sinh sản, và bị coi là căn bệnh thời sự của ngành sản khoa.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Pháp Luật Việt Nam

Bình luận(0)