Việt Nam phấn đấu loại trừ phá thai không an toàn

Google News

(Kiến Thức) - Đây là chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, hiện nay thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản là tỷ lệ nạo phá thai cao và đang tiếp tục gia tăng. 

Với tỷ lệ nạo phá thai cao nhất ở Đông Nam Á - 32% - và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam nạo phá thai 2,5 lần trong đời (theo số liệu thống kê năm 2002). Vì thế, Chiến lược đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ phá thai xuống mức 27/100 trẻ đẻ sống vào năm 2015 và cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. 

Cũng theo Chiến lược, nước ta phấn đấu mức tăng dân số chỉ khoảng 1%, với quy mô dân số không quá 93 triệu người vào năm 2015.

 

Một mục tiêu khác của Chiến lược là nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt giữa các vùng miền. Điều này đồng nghĩa với việc giảm tỷ suất chết ở trẻ dưới 5 tuổi, nâng số trẻ sơ sinh được sàng lọc.

Nhằm thực hiện tốt các nhóm mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác Dân số và Sức khỏe sinh sản, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy đảm bảo quản lý và thực hiện có hiệu quả công tác này. 

Bên cạnh đó, cần ưu tiên triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận; mở rộng giáo dục về Dân số và Sức khỏe sinh sản, phòng ngừa HIV, giới và bình đẳng giới, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường. Tăng cường sự tham gia của đối tượng và cộng đồng trong việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và phản hồi về các hoạt động giáo dục và truyền thông.

Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực Dân số - Sức khỏe sinh sản, để đạt được mục tiêu giảm phá thai không an toàn, một phần phải siết chặt nội dung phá thai trong các văn bản, chính sách liên quan đến Dân số - Sức khỏe sinh sản. 

Hiện nay, quy định cởi mở của pháp luật cho phép phá thai quá tự do, trong khi người dân lại thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về hậu quả của phá thai không an toàn. Trong trường hợp buộc phải phá thai thì phải được phá thai an toàn và trong mọi hoàn cảnh, phụ nữ cần được tiếp cận với dịch vụ có chất lượng để quản lý các biến chứng. Do đó, các chuyên gia đề xuất: Cần bổ sung quy định về tư vấn trước, trong, sau khi phá thai; điều kiện, trình tự, thủ tục phá thai và điều kiện, trách nhiệm của cơ sở y tế thực hiện phá thai an toàn. 

Nguyên Đa

Bình luận(0)