Xử phạt 100 triệu đồng đối với cơ sở vi phạm ATVSTP

Google News

Lực lượng liên ngành gồm các Bộ Công an, Y tế, Công thương, Nông Nghiệp sẽ phối hợp kiểm tra ở 24 tỉnh thành có nguy cơ cao nhất về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Theo đó, sẽ lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương đồng thời tất cả các tỉnh, thành phố cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra từ tỉnh cho tới các xã, phường.

Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra với hàng trăm nghìn mẫu vật, từ đó đánh giá tương đối đầy đủ thực trạng an toàn thực phẩm, cảnh báo người dân và triển khai các giải pháp theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho người dân có những bữa ăn an toàn trong dịp Tết.

Đồng thời các ngành chức năng sẽ triển khai Nghị định số 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
 
Theo đó, mức xử phạt cao nhất với hành vi vi phạm là 100 triệu đồng, cơ sở vi phạm có thể bị rút giấy phép kinh doanh, công khai thông tin về cơ sở vi phạm qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật về an tòan thực phẩm cũng như cách thức để người dân lựa chọn các mặt hàng thực phẩm an toàn, có địa chỉ, có nhãn mác.
 
 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra ATTP ở chợ Đồng Xuân

Về lâu dài, ngành Y tế sẽ hướng tới xây dựng một đề án về bữa ăn an toàn cho người dân. Để làm được điều này, phải có một quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, từ trang trại tới bàn ăn, từ nuôi trồng, chế biến đến kinh doanh, phân phối…, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ ngành. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiếp tục đưa ra thị trường những thương hiệu có tem an toàn thực phẩm.
 
“Theo quy luật, những sản phẩm không an toàn sẽ bị đào thải nếu người dân có địa chỉ để lựa chọn những sản phẩm chất lượng, an toàn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
 
Một vấn đề khác được dư luận chú ý là sắp tới, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố sẽ có hiệu lực. Nhiều người dân gửi ý kiến tới chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” đã đánh giá cao Thông tư này,  nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của Thông tư.
 
Trước mong muốn chính đáng của người dân là Bộ trưởng hãy “vi hành” để nắm bắt tình hình thực tiễn, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đã nhiều lần đi chợ (từ chợ đầu mối đến các chợ bán lẻ, từ chợ cóc đến các siêu thị, từ các cơ sở sản xuất đến các cửa hàng ăn) để lựa chọn những thực phẩm sạch và cũng tránh những nơi có nghi ngờ.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, không phải đến Thông tư 30, chúng ta mới có các quy định về thức ăn đường phố. Thức ăn đường phố cũng có những ưu điểm riêng, như giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, hiện tượng thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khá phổ biến, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người dân.
 
Trên cơ sở đó, Thông tư 30 không nhằm mục đích cấm mà đưa ra các điều kiện để cải thiện hơn chất lượng và sự an toàn của thức ăn đường phố, mặt khác góp phần làm bộ mặt vỉa hè khang trang, văn minh hơn. “Rõ ràng không thể để tồn tại những hiện tượng như quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh”, Bộ trưởng nói.
 
Cũng như Luật An toàn thực phẩm, Thông tư 30 phân cấp cho chính quyền cấp cơ sở trong quản lý thức ăn đường phố. Chính quyền cơ sở có đủ các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề thức ăn đường phố mất an toàn vệ sinh không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng Thông tư 30 cùng với Luật An toàn thực phẩm là hành lang pháp lý cơ bản để chúng ta triển khai những giải pháp xử lý. 

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Chinhphu.vn

Bình luận(0)