Chống muỗi cho trẻ bằng miếng dán lợi hại thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, dị ứng khi sử dụng miếng dán chống muỗi rất dễ xảy ra bởi hiện chưa có nghiên cứu khoa học chính xác nào về sản phẩm này.

Đuổi muỗi trong vòng 1m
Miếng dán chống muỗi với đủ loại nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Trung Quốc được bày bán khá tràn lan trên mạng, cửa hàng bán đồ trẻ em. Theo quảng cáo thì các miếng dán này sử dụng công nghệ cao nano với những chiết xuất từ thực vật như bạch đàn, dầu xả, dầu thực vật, bảo vệ muỗi tấn công trong phạm vi 1m. 
Tại một cửa hàng chuyên bán đồ dùng trẻ em ở phố Sơn Tây, (quận Ba Đình, Hà Nội), người bán hàng quảng cáo: Có hai dòng sản phẩm chính xuất xứ từ Hàn Quốc và Nhật Bản, với giá bán dao động 40.000 - 50.000đ/hộp 10 miếng dán đến 168.000đ/hộp 14 miếng dán.
Chị Lê Thanh Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) nghe bạn bè giới thiệu nên mua một gói về dán chống muỗi cho con nhỏ. Quả thực là muỗi không dám bén mảng đến gần, khi dán miếng chống muỗi thì đi ngủ không phải mắc màn. Nhưng sau 3 đêm dán cho con, chị phát hiện xung quanh chỗ dán, da mẩn đỏ, có những mụn nước li ti. Thấy con kêu ngứa, gãi đến trầy xước da, chị vội vàng phải ngừng ngay việc dán chống muỗi cho con.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên thực tế việc chiết xuất cây sả hay bạch đàn thì hoàn toàn có thể đuổi được côn trùng. Nhưng đó cũng chỉ là quảng cáo, chứ chưa ai có thể khẳng định miếng dán chứa các hoạt chất đó. 
Hơn nữa, khi tác dụng trực tiếp lên da, thành phần này dễ gây dị ứng, mẩn ngứa, trẻ em hít nhiều tinh dầu này có thể dẫn đến suy hô hấp. Đấy là chưa kể đến thành phần của keo dính, chất dung môi hòa tan có trong miếng dán được pha chế như thế nào, phụ gia đi kèm là những chất gì thì không ai biết được. Vì thế, nguy cơ bị mẩn ngứa, phồng rộp da là rất gần, đặc biệt là đối với da của trẻ em còn non nớt, sức đàn hồi kém thì rất dễ phản tác dụng.
Chong muoi cho be bang mieng dan loi hai the nao?
Da trẻ em thường rất yếu, mỏng, nếu dán miếng cao sẽ làm da không thể hô hấp, dẫn đến mẩn ngứa. 
Cách chống muỗi tự nhiên
Có nhiều hình thức chống muỗi khác nhau mà không phải sử dụng đến hóa chất như sử dụng các loại máy đuổi muỗi, côn trùng, cửa chống muỗi, sử dụng các thảo dược tự nhiên chống muỗi. Tuy nhiên, các loại máy đuổi muỗi sử dụng sóng siêu âm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. 
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, trước đây, lĩnh Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam thường sử dụng kem chống muỗi, nhưng cao dán chống muỗi thì bây giờ mới có. Dù cao dán có gây phản ứng hay không thì tốt nhất cũng không nên sử dụng, nhất là da trẻ em thường rất yếu, mỏng, nếu dán miếng cao sẽ làm da không thể hô hấp, dẫn đến mẩn ngứa. Dán cao là phương pháp không có cơ sở khoa học trong việc phòng chống muỗi.
GS Bùi Công Hiển cho biết, có thể đuổi muỗi trong nhà bằng mẹo vặt đơn giản dễ làm bằng thảo mộc khô, cây cỏ sử dụng trong đời sống hằng ngày. Ví dụ, muỗi không thích mùi rau bạc hà, mùi vỏ quýt, mùi hoa đinh hương, các loại này để khô rồi cho vào túi lưới đưa vào các góc trong gian nhà mình. Có thể đốt các loại vỏ trái cây có tinh dầu đuổi muỗi như vỏ bưởi, cây ngải hoa vàng hoặc thanh hao phơi khô. Bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía... đốt tạo khói trong nhà, chỉ đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt. 
Ngoài ra, có thể trồng các loại cây xung quanh nhà để đuổi muỗi như cây ngũ gia bì chân chim, vừa khả năng chống ô nhiễm và khử được khí độc trong nhà. Có thể đặt trong phòng nhà một bồn hoa dạ lan hoặc bạc hà. Xung quanh nhà có thể trồng xây sả, cây hương nhu trắng ở những chỗ ẩm ướt nơi muỗi hay trú ẩn sinh sản ở quanh vườn, cạnh bể nước.
"Nhà nào có nhiều cây thì hãy phun cồn y tế vào gốc cây để diệt muỗi, làm sạch không khí. Với nhà có rãnh nước xung quanh thì hãy sử dụng dầu hỏa đổ lên mặt nước của rãnh nước thải, muỗi sẽ không thể đẻ trứng và trú ngụ ở đó".
GS Bùi Công Hiển
Bảo Khánh

Bình luận(0)