Vợ mệt mỏi vì trầm cảm, chồng tưởng kiếm cớ nhõng nhẽo

Google News

"Đầu tôi luôn căng thẳng, đau nhức kinh khủng, không thể tập trung, đôi lúc tôi tự đập đầu vào tường đến sưng trán", chị Thanh Mai tâm sự về chứng trầm cảm sau sinh.

Dưới đây là bài chia sẻ của Thanh Mai (26 tuổi, Hà Nội) về những thay đổi tâm lý đã trải qua trong giai đoạn trầm cảm sau sinh cùng Zing.vn:

Từ sự việc bà mẹ 19 tuổi sát hại đứa con chỉ 33 ngày tuổi được báo chí đưa tin những ngày gần đây, tôi có cơ hội nhìn lại quãng thời gian khủng hoảng tâm lý sau khi sinh con gái đầu lòng.

Khi mới kết hôn, chồng rất cưng chiều và đáp ứng mọi yêu cầu của tôi. Đặc biệt, khi biết tôi mang thai, anh vui mừng ra mặt, đi làm về sớm hơn và luôn hỏi tôi thích ăn món gì. Ốm nghén, cơ thể có nhiều thay đổi, tôi khó tính hơn với chồng nhưng qua cách anh quan tâm mọi thứ đều được xoa dịu.

Mọi chuyện bắt đầu theo chiều hướng xấu đi khi tôi mang thai những tháng cuối và sau khi sinh. Đây là thời gian chồng tôi thay đổi vị trí làm việc, anh phải đi công tác nhiều hơn, cả tuần chỉ ở nhà với vợ 2-3 ngày. Tôi bắt đầu cảm thấy hụt hẫng, buồn bã, dù anh vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình hai mẹ con nhưng cũng không thể bằng cảm giác có chồng ở bên.
Vo met moi vi tram cam, chong tuong kiem co nhong nheo
Sau sinh, bà mẹ một con thường cảm thấy hụt hẫng, buồn bã. Ảnh: NVCC
Tôi giận dỗi chồng nhiều hơn, mắng mỏ chồng là người vô trách nhiệm, không xứng đáng với con. Khi bình tĩnh lại, tôi biết mình sai và quá đáng nhưng dường như không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.
Tự đập đầu vào tường, khóc vô cớ

Sau sinh, mẹ chồng và mẹ đẻ thường đến nhà để tiện chăm sóc, tuy có người đỡ dần nhưng tôi vẫn cảm thấy áp lực. Hai mẹ bắt tôi phải kiêng cữ cẩn thận như các cụ ngày xưa, 3 ngày không đánh răng, sau 10 ngày mới được tắm gội,... Cơ thể mệt mỏi, ngứa ngáy, khó chịu khiến tôi càng dễ nổi cáu hơn trước. Tôi nhiều lần giải thích cho mẹ hiểu về việc kiêng cữ không nên quá khắt khe nhưng bị luôn gạt đi.

Hơn thế, tôi không hài lòng với cách chăm cháu của mẹ chồng và luôn sợ người khác làm tổn thương con. Chồng tôi ban đầu cảm thông, dần dần cũng thay đổi thái độ khi thấy tôi giữ con khư khư, không muốn bất cứ ai động vào con. Kể cả anh, tôi cũng gắt gỏng khi chưa rửa tay đã bế bé.

Sau sinh, tôi và con phải nằm riêng. Mỗi đêm, tôi ngủ khoảng 2 tiếng, chỉ cần con khẽ rướn người cũng tỉnh giấc, luôn sợ nằm đè lên con hoặc đói không kịp cho bú. Đầu tôi luôn căng thẳng, đau nhức kinh khủng, không thể tập trung, đôi lúc tôi tự đập đầu vào tường đến sưng trán để thấy mình vẫn có cảm giác.

Trước khi có con, vợ chồng thường ngủ cùng nhau, được chồng ôm và chăm sóc. Khi sinh con, chồng tôi phải trải đệm nằm dưới đất khiến tôi hụt hẫng. Nhiều đêm thức trông con, chồng ngủ say hoặc đi công tác, nước mắt lại lăn dài vì tủi thân.
Vo met moi vi tram cam, chong tuong kiem co nhong nheo-Hinh-2
 Con quấy khóc, thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân khiến các bà mẹ dễ trầm cảm. Ảnh: Bbcomes.
Ngoài ra, vóc dáng của tôi thay đổi rất nhiều, bụng rạn và vẫn to như lúc mang thai 5 tháng. Trên người luôn là bộ đồ ngủ nhăn nheo, khủng khiếp nhất những ngày phải kiêng cữ, đầu tóc, miệng hôi rình khiến tôi tự ti, không để người khác đến gần mình. Tôi còn không dám soi gương vì sợ nhìn thấy bộ dạng xấu xí, nhếch nhác khi đó.

Những khi ở nhà chỉ có hai mẹ con, không có người nói chuyện, tôi lại buồn rầu, suy nghĩ lung tung, tuyệt vọng, đôi lúc không có chuyện gì cũng ngồi ôm con khóc. Con thấy mẹ khóc cũng khóc theo, tôi lại càng gào khóc to hơn.
Phát hiện sớm, tự cứu chính mình

Tôi thường thấy đau một vùng nào đó trên cơ thể nhưng khi chồng hỏi cụ thể thì không chỉ ra được. Tôi cảm giác như mình đang bị bệnh nhưng không đoán biết được chúng là gì. Một vài lần như thế, chồng cho rằng tôi kiếm cớ nhõng nhẽo, giả vờ để đòi hỏi, sau đó thờ ơ mỗi khi tôi chia sẻ. Điều đó khiến tôi ghét anh, có lúc muốn lao đến đánh đấm cho thỏa cơn tức giận. Nhiều việc ập đến trong cùng một khoảng thời gian khiến tôi stress nặng, cảm giác bị bỏ rơi, vô dụng.

Nhận thấy tình trạng tâm lý có dấu hiệu không ổn định, tôi lên mạng để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Tôi biết mình đang bị trầm cảm dạng nhẹ sau sinh và chia sẻ nhiều hơn với chồng, mẹ để mọi người hiểu.

Tôi liên lạc với những người bạn thân thiết để có người nói chuyện, giải tỏa căng thẳng. Đồng thời, cũng qua thời gian kiêng cữ, tôi được vệ sinh cá nhân theo ý muốn, ăn uống thoải mái hơn nên tâm lý dần trở lại bình thường.

Hiện con gái của tôi đã hơn một tuổi, cháu thông minh, nhanh nhẹn. Tôi đã đi làm lại, căng thẳng, stress trước kia không còn nữa. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi mong các chị em nên tìm hiểu trước về những thay đổi tâm lý sẽ xuất hiện trong quá trình mang thai và sau khi sinh để sẵn sàng đối diện, tìm ra cho mình biện pháp dự phòng hiệu quả.

Theo độc giả Thanh Mai/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)