Tử vong vì ngộ độc so, sam biển

Google News

(Kiến Thức) - Trong tháng 10/2013, Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM tiếp nhận nhiều ca bệnh ngộ độc so, sam biển. Đã có bệnh nhân tử vong.

Cẩn trọng với món so, sam biển
Ca bệnh đầu tiên là một bệnh nhân nam tên N.V.T. (42 tuổi ở quận 8, TPHCM). Được người bạn ở Phú Quốc gửi tặng 3 con so biển, anh T. đã nướng 1 con để ăn. Khoảng 30 phút sau thì thấy buồn nôn, nôn, rồi khó thở, ngưng thở, người nhà gọi đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhà rồi chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM trong tình trạng hôn mê, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân tử vong sau đó 2 ngày. 
Một tuần sau, Bệnh viện Nguyễn Trãi lại tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân nữ, đều 24 tuổi, nhập viện cấp cứu với tình trạng tê môi, lưỡi, cứng miệng, khó thở. Cách đó khoảng 1 giờ, hai bệnh nhân này cùng đi ăn ở một quán ốc, trong đó có món trứng sam, sau khi ăn khoảng 30 phút thì bị tê môi, cứng miệng, khó thở. Hai bệnh nhân này được Khoa Hồi sức cấp cứu hỗ trợ hô hấp kịp thời, sau một ngày thì sức khoẻ hồi phục nhanh chóng và đã xuất viện.
Các vụ ngộ độc đều do sự nhầm lẫn giữa so và sam biển. 
Tuyệt đối không nên thử ăn thịt  
Sam biển có tên khoa học là Tachypleus tridentatus, so biển có tên khoa học là Carcinoscorpius rotundicauda. Thực tế rất khó phân biệt sam biển và so biển, 2 loài này khác nhau về một số chi tiết hình thể cũng như tuổi thọ. Đuôi sam biển có tiết diện hình tam giác, ba cạnh kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có các gai nhọn giống như lưỡi cưa. Ngược lại đuôi so có tiết diện hình tròn hoặc hình trứng, không có gai. Kích thước so biển nhỏ hơn sam, khoảng 20 - 25cm. Sam và so biển thường đi theo cặp, con đực hay bám trên lưng con cái. 
Thông thường so biển gây ngộ độc nhiều hơn sam biển, nguyên nhân chính là do độc tố tetrodotoxins (chất độc thần kinh) gây tử vong rất cao. Chất độc này cũng có ở một số loài như vi khuẩn epiphytic bacterium, vibrio species, pseudomonas species, ở da và nội tạng của so biển, trứng sam biển, bạch tuộc vòng xanh, cóc, cá nóc... Độc tố được tập trung chủ yếu trong buồng trứng của con so (hoặc sam biển). 
Vào mùa sinh sản, độc tố này được sinh ra với số lượng lớn và có thể phát tán toàn thân. Độc tố tetrodotoxins tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, do đó dù được nấu chín hoặc sấy khô, chất độc vẫn tồn tại. Độc tố tetrodotoxins được hấp thu nhanh qua đường ruột, dạ dày trong 5 - 15 phút, đạt nồng độ tối đa trong máu sau 20 phút và bài tiết qua nước tiểu sau 30 phút - 3, 4 giờ. Tetrodotoxins độc gấp 275 lần so với chất độc xyanua. Chỉ một lượng độc tố tetrodotoxins có trong 100g thịt hoặc trứng so đủ để giết chết một người.
Triệu chứng khi bị ngộ độc so biển là sau khi ăn từ 30 phút - 3, 4 giờ, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê môi và đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đàm nhớt, nôn ói, tụt huyết áp, co giật, liệt cơ hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không đưa đến bệnh viện kịp thời. Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu để điều trị ngộ độc tetrodotoxins.
Do đó, người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách tuyệt đối không được ăn thịt so biển, sam biển dưới bất kỳ hình thức nào, phải biết nhận dạng so biển và sam biển để tránh mua nhầm. Nếu sau khi ăn thịt so hay sam biển mà nhận thấy tê đầu lưỡi, nôn, buồn nôn, mệt, khó thở, phải nhập viện ngay và khai báo để bác sĩ có hướng xử trí cấp cứu kịp thời.   
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM)

Bình luận(0)