Trị suy tĩnh mạch chi bằng sóng cao tần

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa đưa vào áp dụng điều trị suy tĩnh mạch chi (STMC) bằng sóng có tần số radio (sóng cao tần).

Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 vừa đưa vào áp dụng điều trị suy tĩnh mạch chi (STMC) bằng sóng có tần số radio (sóng cao tần) giúp điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, không có sẹo...
Biến chứng khó chữa, dễ tử vong
Bà Vũ Thị Hà (65 tuổi ở Hà Nội) bị STMC lớn cả hai bên chân, các mạch máu nổi sùi, đau, thường xuyên bị chuột rút, phù chân, đi lại khó khăn. Bệnh tiến triển nặng dần, tĩnh mạch giãn lớn và suy mức độ nặng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Lần này, khi đi điều trị đúng dịp Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 được các bác sĩ Singapore chuyển giao kỹ thuật can thiệp STMC bằng sóng cao tần nên bà Hà đã được áp dụng kỹ thuật mới này. Sau can thiệp 1 ngày bà đã có cảm giác dễ chịu, chân bớt phù, giảm đau nhiều, không bị sưng và bầm tím.
Tri suy tinh mach chi bang song cao tan
Can thiệp STMC bằng sóng cao tần tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. 
BS Lê Duy Thành, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, STMC là bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 8 – 30% ở người trưởng thành. Tại khoa mỗi tuần cũng có khoảng 2 – 3 bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị. Bệnh thường gặp ở phụ nữ có gia đình mang thai nhiều lần, phụ nữ trẻ làm việc văn phòng, người béo phì và những bệnh nhân lớn tuổi. STMC có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể nhưng thường gặp ở chi dưới.
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh chỉ thấy: Nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Khi bệnh tiến triển gây phù, chàm da, các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da...
Các tĩnh mạch giãn to nếu không được điều trị, lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Các cục máu đông tạo lập trong lòng mạch có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao. Các tĩnh mạch giãn to dần, đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày sẽ dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân do ứ đọng. Tình trạng loét chân do tĩnh mạch là một biến chứng rất khó điều trị.
Ra viện ngay trong ngày
Theo BS Lê Duy Thành, đã có nhiều phương pháp điều trị STMC như dùng thuốc; phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch suy; can thiệp nội mạch tiêm chất tạo bọt; điều trị bằng sóng laser... Các phương pháp điều trị này thường tái phát và gây biến chứng. Chẳng hạn, phẫu thuật được coi là ít tái phát nhất thì thường để lại di chứng sẹo, đau cẳng chân, đứt tĩnh mạch...
Ứng dụng mới nhất của y học hiện đại trong điều trị bệnh này là sử dụng sóng cao tần (RFA). Đây là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số nằm trong khoảng sóng âm thanh. Dòng điện từ máy được truyền vào mô cơ thể qua một điện cực dạng kim, dòng sóng radio được truyền vào đầu kim và sinh nhiệt.
Nhiệt do ma sát làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông phần mô cần hủy. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, hơn hẳn các phương pháp kinh điển với tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn và ít tai biến. Bệnh nhân được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo, mang tính thẩm mỹ cao; ít đau, không gây bầm máu nên có thể đứng dậy ngay sau khi làm can thiệp. Thời gian can thiệp RFA khoảng 30 phút, bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày và có thể trở lại làm việc, chơi thể thao sau vài ngày.
BS Lê Duy Thành nhấn mạnh, STMC là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy, để phòng bệnh nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao, đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 - 60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục để giảm cân như bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc (nguồn VTV):
Thúy Nga

Bình luận(0)