Tâm nguyện dành quyền nuôi con của người mẹ sau thoát khỏi nhà chồng

Google News

Sau 5 năm cam chịu cuộc hôn nhân đầy nước mắt, chị N quyết định ra đi để tìm cho mình lối thoát. Thế nhưng, chị vẫn luôn day dứt khi không thể mang theo con đi cùng.

Hôn nhân ngắn ngủi
Mới đây, khi vào lại facebook của người chồng cũ, với mục đích xem những tấm ảnh mới của con cho vơi nỗi nhớ, chị Cẩm N (28 tuổi, ngụ Hà Nội) vô tình bắt gặp những tấm ảnh cưới của chồng với người phụ nữ khác. Tim chị đau nhói khi nghĩ đến quảng thời gian mặn nồng đã từng gắn bó, khi nghĩ đến đứa con bé bỏng sắp phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng.
Chị N quê ở Lạng Sơn. Năm 20 tuổi, khi đang làm công nhân ở Hà Nội, chị gặp rồi yêu Hải (tên chồng cũ). Khi biết mình mang thai, chị N được người yêu dẫn về ra mắt gia đình, xin tổ chức lễ cưới.
"Mẹ chồng tôi là dân buôn bán nhưng lại mê tín dị đoan. Ngày tôi về ra mắt, biết tôi là dân tỉnh lẻ lại người dân tộc thiểu số nên bà đã kịch liệt phản đối. Bà bảo gia đình tôi không môn đăng hộ đối, tôi không hợp tuổi với con trai bà. Nếu lấy nhau thì sau này gia đình tán gia bại sản, không ngóc đầu lên được.
Đó là lí do bà ngăn cản chúng tôi đến với nhau, dù tôi đang mang thai máu mủ của nhà bà", chị N nhớ lại.
Bất chấp sự phản đối, hai người lại dắt díu nhau lên thành phố làm việc. Sau khi sinh con trai được 2 tháng tuổi, họ trở về xin đăng ký kết hôn để làm khai sinh cho con. Thuyết phục mãi, mẹ chồng cũng chấp nhận.
"Chúng tôi trở thành vợ chồng chỉ qua một tờ giấy đăng ký kết hôn. Tôi không được khoác áo cô dâu, không tổ chức lễ cưới, không ảnh cưới. Khi nói đến tự định cưới xin thì mẹ chồng gắt giọng "con cái rồi, cưới xin gì nữa, không sợ thiên hạ cười à". Hai bên thông gia chỉ gặp nhau một lần, làm vài mâm cơm báo tổ tiên vậy là tôi chính thức về nhà chồng", chị N kể tiếp.
Cuộc sống làm dâu đầy nước mắt của chị cũng bắt đầu từ đây. Vốn đã không ưa con dâu ngay từ đầu nên chị N luôn bị mẹ chồng xoi mói, chì chiết từng li từng tí.
Ảnh minh họa. 
"Một tháng 30 ngày, hầu như ngày nào tôi cũng bị mẹ chồng chửi vì nấu thức ăn không hợp khẩu vị, giặt quần áo không sạch, con quấy khóc... bà chửi tôi đần độn, không biết làm gì.
Mỗi lần buôn bán ế ẩm, bà lại về nhà trút lên đầu tôi.
Chồng thì nghe lời mẹ, dù mẹ chửi vợ như thế nào cũng làm ngơ, khuyên vợ chịu đựng. Mỗi lần ngõ ý khuyên chồng ra ngoài ở hay than phiền mẹ chồng là tôi lại bị chồng đánh đập cho thâm tím mặt mày", chị N nhớ lại.
Sau 5 năm chịu đựng, chị quyết định dứt áo ra đi để thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.
Nỗi đau người mẹ.
Nhiều lần bị chồng đánh, mẹ chồng chửi bới, đuổi đi, chị đã ôm con ra đi nhưng chồng và mẹ chồng kiên quyết dành lấy con. Bảo tôi muốn đi thì đi một mình. Thương con thơ dại, chị lại dằn lòng, cố gắng chịu đựng vì con. Thế nhưng, khi con lên 5 tuổi, sau nhiều lần ôm con bỏ đi bất thành, chị đành gạt nước mắt, một mình ra đi trong đau đớn.
Dù thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục nhưng chị N vẫn luôn đau khổ vì lo lắng cho con
"Đã 3 năm trôi qua, mỗi lần nhớ con tôi chỉ biết ngắm nhìn qua ảnh được chồng đăng tải lên facebook. Đã nhiều lần lặn lội về gặp con nhưng tôi chỉ đứng từ xa nhìn vì nhà chồng không cho gặp. Điện thoại gặp con nhưng họ cũng cấm. Tôi đành chấp nhận làm một người mẹ vô tâm", chị N đau đớn.
Khi biết tin chồng gần cưới vợ mới, chị lại khát khao dành được quyền nuôi con. Chị thương con, không muốn con phải chịu bất cứ tổn thương nào nữa. Những ám ảnh về bạo hành con riêng của chồng mà chị từng xem qua mạng xã hội lại khiến chị rùng mình lo sợ.
"Bây giờ cuộc sống của tôi đã tạm ổn, có thể lo cho con. Lần này, tôi sẽ về làm thủ tục li hôn và cố gắng dành quyền nuôi con. Dù khó khăn thế nào tôi cũng không bao giờ rời xa con nữa", chị N trải lòng trong nước mắt.
Theo Hoàng Hải/Em Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)