Tại sao Dược phẩm Đại Nam liên tục nhập thuốc kém chất lượng?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều lần Dược phẩm Đại Nam nhập thuốc kém chất lượng khiến dư luận thắc mắc, tại sao khâu kiểm duyệt thuốc của doanh nghiệp lớn như vậy lại liên tục xảy ra sai sót?

Mới đây, ngày 14/7, Cục quản lý dược, Bộ y tế đã ban hành công văn đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc kháng sinh không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong số này có thuốc Ceferaxim 125 là kháng sinh bán tổng hợp phổ rộng do Công ty cổ phần Dược Đại Nam nhập khẩu.
Tai sao Duoc pham Dai Nam lien tuc nhap thuoc kem chat luong?
Ảnh minh họa.  
Cụ thể, tại công văn số 12599/QLD-CL, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan đối với thuốc Bột pha hỗn dịch uống Ceferaxim 125 (Cefuroxime 125mg), số lô: 173316001, HD: 05/01/2018, SĐK: VN-11733-11 do Công ty Vintanova Pharma Pvt Ltd (India) sản xuất, Công ty CP Dược Đại Nam nhập khẩu. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Dược Đại Nam phải báo cáo kết quả thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng này về Cục trước ngày 29/7/2016.
Tuy nhiên, điều đáng nói đây không phải lần đầu Dược phẩm Đại Nam nhập khẩu thuốc kém chất lượng như vậy.
Trước đó, ngày 6/11/2015, Cục quản lý dược, Bộ Y tế cũng đã ban hành công văn số 20621/QLD-CL về việc đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với công ty cổ phần dược Đại Nam.
Theo đó, sản phẩm thuốc được xác định không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng lần này là thuốc viên nang cứng Ramilo-5 (Amlodipine Besilate 5 mg), Số lô: 5216, Hạn dùng: 15/3/2018, SĐK: VN-10959-10 do Công ty Altomega Drugs Pvt. Ltd. (India) sản xuất, Công ty cổ phần dược Đại Nam nhập khẩu. Mẫu thuốc do Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh lấy tại Công ty cổ phần thương mại dịch vụ tổng hợp Tân Thành (F 13, 134/1 Tô Hiến Thành, Phường 15, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh).
Dựa vào kết quả kiểm nghiệm trên, Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành loại thuốc này trên thị trường. Cùng với đó yêu cầu công ty cổ phần dược Đại Nam phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc, phải thu hồi trong vòng 5 ngày sau khi có quyết định và gửi báo cáo cho Cục quản lý dược.
Tai sao Duoc pham Dai Nam lien tuc nhap thuoc kem chat luong?-Hinh-2
Ảnh minh họa.  
Ngày 22/5/2014, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các đơn vị khám chữa bệnh; phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố; các công ty dược trên địa bàn về việc việc đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chỉ đạo của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Đó là thuốc viên nén bao phim KEVOMED 200 (Cefpodoxime USP Tablets 200mg), số lô: KE 819, hạn dùng 09/06/2016, SĐK: VN-12153-11 do Công ty Kausikh Therapeutics (p) LTD - India sản xuất, Công ty CP Dược Đại Nam nhập khẩu. Thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu độ hòa tan, hàm lượng nước và định lượng.
Như vậy, liên tiếp những lần Dược phẩm Đại Nam nhập khẩu thuốc kém chất lượng chỉ trong thời gian gần đây khiến dư luận thắc mắc rằng, tại sao khâu kiểm duyệt thuốc của một doanh nghiệp lớn như Dược phẩm Đại Nam lại liên tục để lọt thuốc kém chất lượng như "cơm bữa"? Người bệnh có thể vô tình mua và dùng thuốc kém chất lượng của Dược phẩm Đại Nam nhập về, việc dùng thuốc kém chất lượng  làm giảm hiệu quả chữa bệnh, dễ dẫn tới nhờn thuốc, khiến việc chữa trị bệnh phức tạp, kéo dài và khó khăn hơn...Dược Phẩm Đại Nam phải chịu trách nhiệm như thế nào trước những sai phạm này? 
Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất về vụ việc!
Công ty cổ phần Dược Đại Nam được thành lập năm 2008, do ông An Mạnh Hùng làm Giám đốc. Hiện nay, ngoài trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, Dược Đại Nam đã thành lập chi nhánh tại Tiền Giang và khu vực Phía Bắc.

Mời độc giả xem video: Cha mẹ đổ xô đi mua "thuốc thông minh" cầu con đỗ đại học:
Nhụy Hồ (tổng hợp)

Bình luận(0)