Tai hại vì xoa mật gấu trị bong gân cổ chân

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi bị bong gân cổ chân, tôi đã bóp mật gấu và đắp lá, chân đỡ đau nhưng bị cứng khớp, khó vận động. 

Hỏi: Tôi bị bong gân cổ chân, xoa bóp mật gấu và hơ lá láng để đắp, chân đỡ đau nhưng hiện tại có biểu hiện bị cứng khớp khó vận động. Xin hỏi, cách xử lý khi bong gân. Trường hợp của tôi nên làm thế nào? - Nguyễn Thị Minh (Phú Xuyên, Hà Nội).
Cung khop sau bong gan co chan, phai lam sao?
 Ảnh minh họa.
PGS.TS Trần Trung Dũng, giảng viên Khoa Cơ xương khớp, trường Đại học Y Hà Nội: Bong gân chính là tổn thương dây chằng ở các khớp, đây là phần liên kết 2 xương lại với nhau, bong gân là một cách gọi dân gian với dạng chấn thương này. Các vị trí dây chằng bị tổn thương thường gặp là khớp cổ tay, cổ chân, vai, khuỷu tay... với các mức độ khác nhau gồm: Giãn dây chằng, đứt một phần và đứt hoàn toàn. 
Quan niệm của người bệnh thường rất chủ quan khi bị bong gân, họ cho rằng tai nạn bong gân không quan trọng và thường dùng mật gấu, rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương. Đây là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn và việc xoa bóp này có thể dẫn tới teo cơ, cứng khớp.
Đối với tổn thương dây chằng thì biện pháp điều trị bảo tồn là chủ yếu. Quan trọng nhất là cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể bất động bằng dùng nẹp y tế, dùng băng chun ép nhưng tốt nhất là bất động bằng đắp bột mới đảm bảo được bất động tuyệt đối. 
Thời gian cần bất động thường là 4 tuần, với  người cao tuổi thì thời gian có thể lâu hơn một chút. Sau đó người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và sau 8 tuần có thể chơi thể thao bình thường. Những trường hợp tổn thương dây chằng nhưng do không tuân thủ đúng chỉ định điều trị sẽ dẫn đến xơ hoá dây chằng gây đau mạn tính và khó vận động, sẽ phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng. Trường hợp của bạn cần đi khám để có chỉ định điều trị cụ thể. 
PV (ghi)

>> xem thêm

Bình luận(0)