Sai con trói bố vào cột, người mẹ nhận quả đắng

Google News

Mỗi khi chồng nát rượu chửi bới, dì tôi lại “ra lệnh” cho hai thằng con trói bố nó vào cột để trừng trị.

Câu chuyện của dì tôi đầy cay đắng và xót xa. Tôi lấy chồng xa thỉnh thoảng mới về quê nên lúc về dì thường gọi sang trút bớt sầu muộn.
Thời còn trẻ dì tôi đẹp gái nhất vùng, bao người đón đưa nhưng dì không ưng. Cuối cùng dì cũng chọn được chú - con trai một gia đình buôn bán thức ăn chăn nuôi lớn. Ai cũng nghĩ dì đã chọn được chỗ tốt để nương thân, nào ngờ, khi bố mẹ chồng qua đời thì chồng của dì đổ đốn, nát rượu, chửi vợ đánh con như cơm bữa.
Dì kể, cứ nghe thấy tiếng xe máy bình bịch ngoài ngõ là 3 mẹ con lại rúm ró vào lo sợ, sợ bị chửi, sợ bị đánh. Nhiều khi thấy hai đứa con đang bưng bát cơm ăn mà bị bố xô ngã dúi dụi, bát cơm rơi vỡ tan mà ruột gan dì sôi sùng sục. Đã nhiều lần dì nhẹ nhàng khuyên can chú nhưng chỉ như nước đổ đầu vịt.
Sai con troi bo vao cot, nguoi me nhan qua dang
Ảnh minh họa. 
Không thể cứ để mãi tình trạng như thế, dần dần dì dạy hai đứa con trai phản kháng lại, chúng nó đã lớn đủ sức khỏe để chống cự lại bố. Bố mà chửi thì chúng nó cãi lại, bố đánh thì chúng nó hùa nhau giữ chặt lấy ông khống chế. Càng lớn, chúng nó càng chai lỳ theo dì, không còn nơm nớp lo sợ và rúm ró như trước, thậm chí có lần, dì “hạ lệnh” cho hai đứa mang dây thừng ra trói chặt bố nó vào cột nhà trừng trị, có bữa lại bỏ đói mặc ông ta kêu gào. Sức khỏe của chú ngày càng yếu nên không thể chống cự.
Đặc biệt, hôm nào chú chửi nhiều, dì và hai thằng càng trói chặt, rồi quát mắng, thóa mạ lại: “Ông làm khổ mẹ con tôi bao lâu nay là đủ lắm rồi đấy, ông chết đi cho mẹ con tôi được nhờ”. Rồi cứ mỗi lần chú rượu vào lời ra là hai thằng con lại trợn mắt quát vào mặt bố: “Ông im mồm ngay, ông còn chửi nữa là tôi không nương tay đâu”.
Dần dần hai đứa chẳng cần đến “lệnh” của dì đã trói ngoéo tay bố nó vào cột, ông mà chửi nhiều thì chúng nó dán băng dính và mồm, bỏ đói cả ngày trời. Đó cũng là những tháng ngày cuối đời của chú, gần 1 năm sau thì chú qua đời vì ung thư gan.
Năm tháng qua đi, một mình dì cần mẫn kiếm tiền lo cho hai đứa, để đến khi chúng lập gia đình, dì cũng dành dụm cho mỗi anh em có một ô đất nhỏ lập nghiệp. Nhưng cũng vì nhiều năm lao động vất vả nên sức khỏe dì rất yếu, trong một lần bị ngã dì liệt nửa người, phải ăn nằm một chỗ, không đi lại được.
Những tưởng bao năm vất vả một thân một mình nuôi hai con khôn lớn thì anh em chúng nó sẽ biết thương mẹ nhưng chẳng những chúng nó không báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục mà còn thờ ơ vô cảm khi dì đau đớn liệt giường.
Thằng anh cả sau khi cưới vợ được dì cho đất, xây nhà đã từ chối khéo việc nuôi dưỡng mẹ. Dì tôi đành phải về ở với thằng út nhưng nó với vợ lại khinh khỉnh coi thường người mẹ tàn tật, với chúng nó việc hầu hạ dì chỉ là điều kiện để đổi lấy cửa hàng. Cũng phải nói thêm là cô con dâu út của dì khá quái tính, mẹ chồng ốm yếu nhưng nó thường nấu những món khó ăn, dì thích ăn rau luộc thì nó đem xào, dì muốn ăn cháo nóng thì nó rang cơm nguội. Đã thế, thằng em lại một hai bênh vợ, cho rằng mẹ khó tính, đã để con cái phải hầu hạ mà còn không biết điều, rồi cằn nhằn: “Hết bố đến mẹ làm khổ đời tôi”.
Được dăm bảy tháng, nó bắt taxi chở thẳng dì sang nhà thằng anh rồi nói giọng nhờ vả: “Anh là trưởng, anh phải trông mẹ hộ em một thời gian chứ bọn em mệt quá rồi”. Nói rồi nó quẳng cho anh yến gạo và dúi ít tiền vào tay anh trai.
Nước mắt nghẹn ngào, dì bảo càng ngẫm càng xót xa, vừa đau khổ vì bệnh tật vừa thấy tủi nhục vì con cái. Nhiều lúc dì chỉ muốn chết quách đi cho xong, chứ cứ sống như thế này dì thấy nhục nhã, đau khổ khôn cùng. Tôi thương dì nhưng lực bất tòng tâm, không biết phải làm sao giúp dì?
Theo Trầ Quỳnh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)