Nỗi sợ vô hình của người phụ nữ bị bạo hành

Google News

Ngoài những vết thương về thể xác, những người phụ nữ này có quá nhiều nỗi sợ vô hình mà người ngoài cuộc không thể nhìn thấy.

“Thân gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”, tôi đã nghe câu nói này rất nhiều nhưng có lẽ đến hôm nay tôi mới thấm thía hơn về ý nghĩa của nó.
7 giờ sáng, tôi vẫn còn ngái ngủ. Tiếng điện thoại reo, là số của sếp, giọng sốt sắng: “Có một vụ bạo hành vợ rất dã man, anh đã gửi thông tin và hình ảnh vào mail của chú. Chú tìm hiểu và liên hệ với chị ấy ngay lập tức!”.
Tôi bật dậy check maik, lặng người trước những hình ảnh một phụ nữ bị chồng đánh đập dã man, kèm theo là những tin nhắn đầy bạo lực. Tôi bốc máy, gọi ngay vào số điện thoại trong hộp thư. Một cuộc, hai cuộc, ba cuộc… rồi cả nhắn tin, đầu dây bên kia đổ chuông nhưng không nghe.
Một lúc sau, người phụ nữ nhắn lại: “Xin lỗi, hiện chị không thể nghe điện thoại”. Tôi nhắn tin, thuyết phục và chị đồng ý gặp; nhưng phải đầu giờ chiều, vì chị còn đi băng bó và cũng chưa chuẩn bị sẵn tâm lý để đưa câu chuyện ra truyền thông.
13 giờ 30, tôi có mặt tại địa chỉ đã hẹn trước. Chị nói đang còn chút vấn đề cần phải giải quyết và sẽ gọi lại ngay khi xong việc. 1 tiếng, 2 tiếng rồi 3 tiếng, vẫn không thấy chị gọi lại. Tôi rất sốt ruột nhưng không muốn làm phiền nên đành chờ.
Noi so vo hinh cua nguoi phu nu bi bao hanh
Nhiều người phụ nữ vẫn đang bị bạo hành trong chính gia đình mình. Ảnh minh họa 
Đúng 16 giờ 30, chị gọi lại, giọng thều thào nói không thể gặp tôi vì chưa sẵn sàng. Tôi hỏi vì sao, chị nói sợ nhiều thứ lắm. Chị bảo sợ khi đưa câu chuyện của mình ra cộng đồng, công ty của chị sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nói sẽ không đề cập đến nghề nghiệp.
Chị nói không muốn đưa tên tuổi vì người ta sẽ biết, tôi trấn an sẽ viết tắt tên. Chị lại sợ sau khi làm tung sự việc lên, nếu chồng chị có đi tù thì khi ra tù cũng sẽ quay về trả thù; mặc dù vừa được tòa đồng ý cho ly hôn nhưng con trai hiện đang ở với chồng, chị lo cho nó,… Chị kể với tôi rất nhiều nỗi sợ và muốn tự giải quyết.
Rồi chị liên tục xin lỗi, bởi làm tôi phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ nhưng cuối cùng lại không đến gặp. Khi nào thực sự sẵn sàng, chị sẽ gọi lại. Sau mỗi câu nói, tôi nghe rõ tiếng xuýt xoa vì đau, có lẽ trận đòn của chồng vẫn đang hành hạ chị.
Cuộc gọi kết thúc, cuối cùng chị chọn cách im lặng. Tôi thẫn người, không phải vì tiếc 3 tiếng đồng hồ ngồi đợi mà bởi một cảm giác rất khó tả.
Câu chuyện của chị khiến tôi nhớ về người cô của mình ở quê. Cô cũng thường xuyên bị chồng đánh đập, nhất là khi rượu vào. Tôi nhiều lần sang hòa giải, khuyên nhủ nhưng đều không cải thiện. Rồi tôi khuyên cô ly hôn, nghe xong, cô giật bắn người.
Cô kể một tá nỗi sợ: Đâm đơn mà chồng biết sẽ đánh nhiều hơn, ly hôn rồi con cái sẽ khổ, hàng xóm dị nghị, cha mẹ mang tiếng xấu… Vì vậy, cô nhất định không làm việc này, cô vẫn còn chịu đựng được... Và cho đến bây giờ, cô vẫn bị chồng bạo hành.
Thế mới biết, phụ nữ luôn là người yếu thế. Ngay cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất, tổn thương nhất, họ vẫn có quá nhiều nỗi sợ để rồi không dám chia sẻ với ai, không dám đưa ra một quyết định cho riêng mình.
Tôi đã từng gặp những người phụ nữ trên khuôn mặt chẳng khi nào không có vết bầm tím nhưng khi hỏi lý do, họ đều nói là vì té ngã hoặc đập vào đâu đó mà thôi. Phải làm thế nào để xóa bỏ những nỗi sợ ấy? Khi người trong cuộc không thể vẫy vùng tìm lối thoát thì người ngoài như tôi, như cộng đồng liệu có hữu ích gì cho những hoàn cảnh bế tắc đến như vậy?
Theo Tuyến Phan/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)