Người Hà Nội tích rác, ủ phân trong nhà để chuốc mùi hôi thối

Google News

Để được ăn rau sạch, nhiều người dân Hà Nội đã nghĩ ra một phương pháp tích rác để ủ thành phân hữu cơ bón rau.

Mải chạy theo trào lưu, họ không tìm hiểu kỹ thông tin dẫn đến phương pháp ủ phân hữu cơ phản khoa học nên phải lĩnh trọn mùi hôi thối.
Tích rác thành “núi” để trong nhà
Có thể nói, với xu hướng bảo vệ sức khỏe cả gia đình trước "mê hồn trận" thực phẩm bẩn, nhiều người dân thành thị đã quyết định tự canh tác để có rau sạch ăn. Không ít người đã nghĩ đến việc sử dụng cơm thừa, nước vo gạo, cọng rau... để làm phân hữu cơ.
Tất cả những thứ đó được gom vào sọt rác giữ lại, tích thành “núi” trong nhà. Nhưng vì không làm đúng phương pháp, khiến cho những núi rác trong nhà bốc mùi hôi thối, không khí ô nhiễm, hàng xóm than phiền.
Mấy tháng nay, chị Đỗ Huệ, (Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn phải đau đầu khi “đại nạn” thực phẩm bẩn đang vây quanh bàn ăn. Vì thế, chị đã quyết định tự trồng rau trên sân thượng. “Nghĩ là làm, tôi đi mua những chiếc thùng xốp vừa để trồng rau, vừa để tích rác trong nhà, ủ lại, lấy phân hữu cơ. Một cọng rau, hạt cơm thừa tôi cũng giữ lại bỏ vào những chiếc thùng xốp để ủ phân bón cho rau sạch”.
Người dân đang có xu hướng tích rác ủ phân hữu cơ để trồng rau. 
Chị Huệ cũng chia sẻ, ban đầu, phải rất khó mới có thể tích được rác. Bởi theo thói quen, cứ thấy chuông đổ rác là lại tất tả chạy đi vứt. Nhưng sau này, cứ có ít rác nào, chị lại mang ngay lên sân thượng để chúng vào thùng xốp. Hằng ngày, thức ăn thừa bao gồm nước vo gạo, cơm canh thừa, gốc rau, vỏ dưa, vỏ chuối... được chị gom lại đổ hết vào thùng. Mỗi ngày chị phải chịu khó đảo đều chỗ rác ấy lên, tưới nước đẫm vào để cho chúng phân hủy.
“Nói thật, để có được một đĩa rau sạch ăn quả thực vất vả. Rác khi đã ủ cả tuần, mỗi lần mở nắp ra tôi nôn nao vì mùi thối. Nhưng, nhìn thùng xốp trồng rau được xếp tầng tầng lớp lớp, tôi đành phải tiếp tục công việc. Có lần, vì đi xa, để thùng rác một tuần không đụng gì đến, mở ra, mùi vô cùng khó chịu, thùng ủ phân nhiều khi còn có giòi bọ. Mặc dù trong nhà lúc nào cũng có mùi nhưng để có được rau tự tay mình trồng nên tôi thấy không có vấn đề gì cả”, chị Huệ cho hay.
Cũng học theo cách làm của chị Huệ, chị Lan Phương (Long Biên, Hà Nội) cũng tích rác trong nhà để ủ phân hữu cơ bón rau. Chị coi đó là một cách thiết thực để bảo vệ sức khỏe cả nhà. Thậm chí, chị còn ra chợ Long Biên để xin rác về tích đầy nhà. “Trên sân thượng nhà tôi có một khoảng không khá rộng. Vì thế, tôi đã nảy ra ý định trồng rau. Ban đầu, tôi thu gom rác trong gia đình mình để ủ phân. Người ta chỉ dùng gốc rau, vỏ hoa quả nhưng tôi ủ cả thịt, cá thừa. Tôi nghĩ, như vậy phân hữu cơ sẽ tốt hơn rất nhiều”, chị Phương cho biết.
Rau sạch chưa có, hàng xóm đã than phiền
Vì tích rác không đủ, chị Phương đã ra chợ xin những bao tải rác to về nhà. “Ra ngoài chợ, mình lấy bao nhiêu rác cũng được. Chỉ đi khoảng 10 phút là có thể lấy được hai bao tải rác gồm đủ loại: Cọng rau, vỏ hoa quả, hoa, thịt vụn, lòng mề gà, vịt ế... Chừng đó rác tôi có thể ủ phân hữu cơ dùng bón cho rau trong vòng cả tháng”, chị Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, khu sân thượng trước đây cả gia đình thường lên hóng mát nhưng từ ngày chị ủ phân, không ai dám lên cả. Thậm chí, vợ chồng chị đã có nhiều cuộc chiến về việc này. Rau chưa lớn thì không khí trong nhà ô nhiễm nặng. Người ta ủ một tuần thì chị Phương để hẳn hai tuần cho rác phân hủy hết.
Nhưng, khi mở ra thì mùi nó thật khủng khiếp, hàng xóm cách vài nhà cũng ngửi thấy mùi. Có lần, chị ủ thịt, cá nhiều hơn rau, những mong sẽ kiếm được một mẻ phân chất lượng, nhưng khi mở ra, chính chị cũng không chịu được mùi hôi thối. Hàng xóm liên tục đập cửa vì quá nặng mùi, ảnh hưởng đến không khí xung quanh, rau chưa được ăn mà gia đình chị đã bị ông tổ trưởng tổ dân phố đến tận nhà cảnh cáo và bêu tên trên bảng thông báo của phường. Quả thực, rất nhiều người thấy bực mình khi hàng xóm ủ phân trồng rau sạch không đúng cách.
Chị Hồng Vũ (Cầu Giấy – Hà Nội) phải báo tổ trưởng tổ dân phố khi hàng xóm ủ phân hữu cơ. Chị Vũ bảo: “Theo tôi tìm hiểu, việc ủ phân hữu cơ là không được dính bất cứ tí thịt cá nào vì sẽ sinh giòi bọ. Cách đúng nhất là cho rau, củ, quả vào thùng kín, tưới ẩm và ủ một tháng. Nếu làm đúng cách thì bên trong đống rác nó nóng rực và không có mùi gì hết. Khoảng 3 tuần sau sẽ biến thành một loại đất đen. Chứ ngâm rác vào nước là nó lên men, thối không ai ngửi được. Bạn tôi chỉ ủ bằng rau thừa, ủ bằng thùng hoặc xô đậy kín, 1-2 tháng sau mới mở ra, lúc đó thì không còn mùi hôi nữa mà cây mới hấp thụ tốt, nên cây nào lên cũng xanh um mà chẳng phiền hà chút nào đến hàng xóm cả”.
Để tìm hiểu hơn về việc ủ rau thừa lấy phân hữu cơ bón cho rau trên sân thượng của dân thành thị, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với với ông Trần Đình Long, Chủ tịch hội Giống cây trồng Việt Nam.
Ông Long cho rằng: “Việc người dân thành thị trồng rau sạch trên sân thượng là tốt, việc sử dụng rác thải hữu cơ cần được khuyến khích. Tuy nhiên, công việc này phải thực hiện theo khoa học và có ý thức cộng đồng. Việc người dân tích rác cùng các phế phẩm khác để ủ phân hữu cơ như các cách trên là không đúng. Quá trình sản xuất phân bón phải đòi hỏi đảm bảo các yếu tố về chất lượng, hiệu quả, an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người. Chúng ta cần có mặt bằng hoặc phân xưởng để chế biến rác thải thành phân hữu cơ. Không nên tự chế tại nơi ở hoặc khu dân cư để tránh gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ở nông thôn, có vườn và đất rộng có thể áp dụng các kỹ thuật đơn giản để ủ phân rác theo hướng dẫn của các trạm khuyến nông tại địa phương đó.”
Mời quý độc giả xem video Thực phẩm bẩn (nguồn VTV):
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)